Trong thông điệp lạnh gáy vừa đưa ra, chuyên gia này cho rằng "thế giới có thể tiến vào - hoặc có lẽ đã ở trong một cuộc chiến tranh lạnh khác, vốn được trí tuệ nhân tạo tiếp sức".
Báo Express của Anh dẫn lời trợ lý giáo sư tại Đại học bang Bắc Dakota Jeremy Straub nói, ông tin rằng dù Mỹ và Nga đang loại bỏ hàng nghìn vũ khí hạt nhân thì trí tuệ nhân tạo có thể là mối đe dọa mới.
"Lúc này, hơn 30 năm sau khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt, Mỹ và Nga đã loại bỏ hàng chục nghìn vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, căng thẳng vẫn gia tăng. Bất cứ một cuộc chiến thời hiện đại nào cũng sẽ bao gồm tấn công mạng và sức mạnh hạt nhân. Hai nhân tố này đều dính dáng tới các cuộc xung đột".
Dù thế giới vẫn duy trì hàng loạt vũ khí hạt nhân, ông Staub nói: "vũ khí mạng, đặc biệt là những loại được vận hành bằng trí tuệ nhân tạo, vẫn là thứ mà cả hai phía muốn sở hữu. Hệ thống AI có khả năng ra quyết định nhanh chóng, nhanh hơn nhiều so với con người".
Viết cho tờ The Conservation, ông Straub cho hay: "Trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công, AI có thể hành động nhanh hơn và không có chút do dự hay bất đồng ý kiến nào như những người chịu trách nhiệm vận hành máy móc.
Khả năng phản hồi tự động, nhanh nhạy có thể khiến đối thủ biết một quốc gia đã sẵn sàng và sẽ phóng vũ khí hủy diệt như một lá chắn. AI cũng có thể dùng để kiểm soát các vũ khí phi hạt nhân, gồm cả các thiết bị không người điều khiển như máy bay không người lái và vũ khí mạng.
Các cuộc tấn công do AI điều phối có thể mở một cuộc tấn công mạng hoặc tấn công thực gần như ngay lập tức. Nó có thể ra quyết định tấn công trước khi con người nhận ra lý do để làm việc đó. Các hệ thống AI có thể thay đổi mục tiêu và kỹ thuật nhanh hơn nhiều so với con người.
Ví dụ, một hệ thống AI có thể triển khai một máy bay không người lái đi tấn công một nhà máy, chứng kiến các máy bay không người lái đáp trả và mở một cuộc tấn công mạng".
Chuyên gia trên nói thêm: "Do các phần mềm trí tuệ nhân tạo phát triển, nó có thể ra quyết định dựa trên nhiều dữ liệu và nhanh hơn tốc độ xử lý của con người".
Năm ngoái, Tổng thống Nga Putin cũng cho rằng AI có thể là điểm mấu chốt để Nga đánh bại Mỹ với một ngân sách quân sự hạn hẹp hơn.
Tuyên bố tại Học viện tên lửa chiến lược ở ngoại ô Moscow, Tổng thống Nga nói: "Nga sẽ thuộc nhóm đi đầu - và trong một số lĩnh vực chắc chắn là đứng đầu, trong việc tạo ra một đội quân thế hệ mới, một đội quân của công nghệ mới".
Trung Quốc hiện cũng đang bên bờ những khám phá lớn sau khi Bắc Kinh tuyên bố đầu tư hơn 2 tỷ USD để xây dựng khu nghiên cứu chuyên về trí tuệ nhân tạo. Năm ngoái, một báo cáo của Lầu Năm Góc cảnh báo Trung Quốc đang đầu tư vào những công ty khởi nghiệp ở Mỹ nhằm thu thập các phát triển mới của Mỹ.