- Nghệ sĩ trẻ bây giờ thường có nghệ danh “rất Tây” hoặc “kêu như chuông”, anh lại đặt là Trung Ruồi, nghe khá lạ?
- Thực ra tên này không phải tôi đặt đâu mà là bạn bè gọi. Sau đó, tôi làm Kem xôi thì mọi người cũng gọi luôn tên đó. Tên thật của tôi là Hà Trung, nhưng nó cứ “kêu” quá, sang quá. Cứ để là Trung Ruồi hay hơn chứ, nghe vui tai, tôi chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện đổi nghệ danh, còn bao giờ khán giả chán, họ đặt cho tên mới thì tôi lại có tên mới.
- Theo anh, ngoại hình hay tên gọi có bao giờ là yếu tố quyết định thành công của một nghệ sĩ hài?
- Tôi ví dụ luôn trường hợp của mình nhé. Tôi không biết mình đã thành công chưa vì nói thành công thì hơi quá. Nhưng tôi là người không có lợi thế về ngoại hình, nói là xấu cũng được. Bây giờ vẫn xấu nhưng ngày trước tôi còn xấu hơn thế này, da đen, người gầy.
Thuở đầu đi casting còn không ai nhận. Nhưng tôi rất muốn đóng hài, mà xấu quá người ta không cho đóng, cứ đi casting là bị từ chối. Cuối cùng, tôi cũng được chọn, nhưng không được lên hình, chỉ được đọc truyện cười thôi, ý là làm về phần tiếng. Thế rồi, bất ngờ đọc truyện lại được yêu thích, và đơn vị sản xuất đã chọn và cho tôi lên hình, đó là Kem xôi.
Trung Ruồi là một trong những gương mặt diễn viên trẻ được nhiều người yêu thích hiện nay. Cùng với Minh Tít, Trung Ruồi được kỳ vọng sẽ là lứa diễn viên hài sáng giá của miền Bắc sau thế hệ Công Lý, Quang Thắng, Xuân Bắc, Tự Long. Ảnh: VTV.
'Ngoại hình của tôi không giống mọi người'
- Thời mà “năm lần bảy lượt” bị từ chối vì xấu trai, anh có cảm thấy tự tin và nghĩ đến chuyện từ bỏ đam mê?
- Tự ti chứ. Ngay ngày vào dự thi trường Đại học Sân khấu, Điện ảnh, tôi đã biết mình không có lợi thế ngoại hình. Diễn viên phải xinh đẹp, tôi thì như thế này. Nhưng xong tôi nghĩ chiều cao mình cũng đủ tiêu chuẩn, tại sao phải bỏ. Tôi cũng thấy nhiều anh chị diễn viên không có ngoại hình xuất sắc nhưng vẫn thành công, mình phải làm được như thế chứ. Bây giờ thì tôi sung sướng vì ngoại hình của mình không giống mọi người.
- “Không giống mọi người”, vậy anh sẽ tự miêu tả ngoại hình của mình như thế nào?
- “Siêu lạ”, tôi sẽ chọn từ này. Tôi dẫn chứng thế này nhé, anh Quang Thắng thì có mũi to, mũi tôi cũng to. Anh Xuân Bắc chân hơi cong, chân tôi cũng cong. Anh Quốc Khánh cười bị nhăn, tôi cười siêu nhăn. Tóm lại, tôi không còn điểm gì để đẹp, không tìm ra luôn ý (cười).
- Hiếm ai như anh, nói về nhược điểm ngoại hình bằng vẻ tự hào và vui vẻ. Nhưng nếu ai nhận xét anh già hơn tuổi thì sao, vì anh sinh năm 1993 mà trong một phim hài mới đây, anh còn đóng làm bố của Minh Tít?
- Nhiều người bảo tôi là sinh năm 1993 mà mặt như 1983, ý là già hơn cả 10 tuổi (cười). Nhưng cũng phải nói thật là cuộc sống của tôi sớm bươn chải và tiếp xúc với giới lao động, không được chỉ đi học và sau làm nghề như mọi người.
Tôi xuất thân trong gia đình không khá giả. Mẹ cả tôi mất, bố tôi đi bước nữa, tức lấy mẹ tôi rồi mới sinh ra tôi. Lúc tôi lớn lên thì bố cũng đã về hưu. Kinh tế gia đình cũng khó khăn nên từ thời cấp 3 tôi đã đi làm thêm, đánh trống thuê 300.000 đồng/ một buổi, làm shipper, nhân viên siêu thị.
Trung Ruồi vào vai ông xe ôm trong phim hài Tết "Năm cùng tháng tận" của đạo diễn Tạ Huy Cường. Ảnh: NVCC.
- Giữa bộn bề công việc lao động như vậy. Từ khi nào, anh nhận thấy mình có năng khiếu với nghề diễn?
- Bố mẹ tôi đều là người hài hước, từ nhỏ tôi đã là người hài hước rồi. Thời nhỏ, tôi rất thích xem chú Xuân Hinh và ước diễn được như vậy. Nhưng khi học xong cấp 3, tôi chỉ ước mình học ngành gì đó để làm nhân viên văn phòng thôi. Mẹ tôi bảo chỉ cần lương 6-7 triệu đồng/ một tháng là được.
Thế rồi cũng là liều với đam mê, tôi lại quyết định học làm diễn viên. Lúc đó, tôi nghĩ là học xong sẽ xin vào một nhà hát, lương vài triệu đồng, cộng với đi diễn nọ kia cũng được 8-10 triệu đồng rồi, thế là đúng yêu cầu của mẹ. Nhưng không ngờ là có duyên, giờ tôi đã có thu nhập tốt từ nghề, đủ để lo cho cuộc sống.
- Khi thu nhập tốt hơn, anh báo đáp bố mẹ như thế nào?
- Khi tôi mới bắt đầu làm nghề thì bố tôi mất, giờ chỉ còn mẹ. Mẹ tôi cũng đang mắc bệnh hiểm nghèo. Nhưng nhờ thu nhập từ nghề, tôi đã lo được thuốc thang cho mẹ, điều mà nếu là 2-3 năm trước, tôi sẽ không thể làm được.
Trong thời gian chữa bệnh cho mẹ, tôi cũng được nhiều người giúp đỡ, nhiều y, bác sĩ cũng mến mộ tôi mà rất tận tình. Nghề diễn đã mang lại kinh tế, cuộc sống và cả tình cảm của mọi người, nghĩ vậy, tôi lại càng yêu nghề hơn.
- Thế mới biết, nhiều khi nghệ sĩ hài mang tiếng cười đến cho mọi người, nhưng đằng sau cũng là rất nhiều câu chuyện của cuộc đời?
- Mỗi nghệ sĩ có một triết lý về hài kịch, có thể xuất phát từ chính cuộc sống của mỗi người. Tôi thì luôn muốn mang cái buồn ra làm vui để gần gũi với tầng lớp lao động. Lấy bi để làm hài, như bộ phim tôi từng đóng có nhân vật xe ôm đói đến mức phải ăn cỏ. Đó là bi đấy chứ, bi để rồi cười.
Hay như phim Năm cùng tháng tận, tôi vào vai người bố, chỉ có một cô con gái, mẹ mất rồi, hoàn cảnh buồn đấy chứ. Đó là bi nhưng trong cái bi mình lại tạo những tình huống cười.
Minh Tít và Trung Ruồi được xem là "cặp bài trùng". Cả hai cùng nhau tham gia nhiều dự án phim hài. Ảnh: NVCC.
'Vai nhỏ trong Táo Quân cũng vẫn hào hứng'
- Anh và Minh Tít được ví như "cặp bài trùng". Hai người đã đến với nhau như thế nào?
- Chúng tôi bắt đầu thấy hợp nhau từ việc trong một nhóm làm việc, tôi và Minh Tít cùng đi 2 "con xe máy" xấu nhất. Hai anh em thấy hợp nhau, bù trừ được cho nhau, kết hợp làm Kem xôi, rồi nhiều thứ khác. Nếu là người khác, khéo không thể đi lâu được đến thế vì tính tôi bốc đồng, nhưng Minh lại nhường nhịn tôi nên rất hiểu nhau.
- Hai người có bao giờ mâu thuẫn hay cạnh tranh với nhau không?
- Cạnh tranh thì không vì chúng tôi làm chung, còn mâu thuẫn thì có, không tránh khỏi được. Nhưng cũng nhanh được giải quyết thôi. Minh Tít ở ngoài nhường tôi lắm, thậm chí có vai hay mà hợp với tôi, anh Tít cũng nhường luôn. Tôi thì được cái là xông pha hơn, ngoại giao hơn. Kịch bản, ý tưởng là từ tôi đầu tiên, rồi Tít sẽ là người ngồi xem xét lại. Trong biểu diễn cũng thể, tôi xông xáo hơn, còn Minh Tít sẽ cân nhắc lại công việc đó, anh em đều chia việc như thế cả.
- Năm nay, anh với Minh Tít tham gia cùng nhau bao nhiêu bộ phim hài Tết?
- Chúng tôi cùng đóng chính trong hai phim là Cuộc phiêu lưu của Minh Tít và Trung Ruồi và Năm cùng tháng tận. Một phim là hài hành trình, chúng tôi đóng làm anh em, còn một phim là phim hài Tết bình thường. Cả hai phim đều phải dồn nhiều công sức, dù quy mô khác nhau. Phim Cuộc phiêu lưu thì đông diễn viên tham gia cùng hơn, còn Năm cùng tháng tận thì tốn sức hơn.
Minh Tít và Trung Ruồi vào vai "con ông cháu cha" trong Táo Quân 2017. Ảnh: VFC.
- Ngoài hai phim hài kể trên, anh và Minh Tít còn cùng tham gia Táo Quân 2018. Vai diễn của hai anh năm nay có nhiều đất diễn không?
- Đây là năm thứ 2 chúng tôi được tham gia Táo Quân. Thực ra, Táo Quân giúp chúng tôi học hỏi rất nhiều điều, được học nghề từ các anh chị, lại được nhiều người biết đến, nhờ vậy cát-xê cũng tốt hơn.
Năm nay có nhiều diễn viên gạo cội tham gia nên vai diễn của chúng tôi cũng nhỏ thôi. Nhưng không vì vậy mà chúng tôi không hào hứng, thậm chí còn rất hào hứng. Hào hứng và còn áp lực nữa. Nói thật là diễn trước mấy nghìn khán giả, tôi không hồi hộp và run bằng tập cùng các anh chị trong Táo Quân.