Người dân ăn Tết cả tháng…
Từ xa xưa, đồng bào La Hủ thường làm nhà lều tạm bợ rải rác ở trong rừng, trên nương, trên núi cao. Nhà lợp bằng cây lá xanh, đến khi lá vàng thì chuyển làm nhà khác nên người La Hủ còn có tên là “Xá Lá Vàng” - Nghĩa là luôn phải mới. Ngày nay nhờ có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp, sự vận động của các cán bộ, chiến sĩ Biên phòng, đồng bào La Hủ đã ở tập trung kiên cố trong những ngôi nhà gỗ lợp mái tôn. Bản làng người La Hủ thường ở trên sườn núi đất cao, mỗi bản quây quần vài chục nóc nhà. Tuy vậy, người La Hủ vẫn gìn giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc riêng của dân tộc mình, trong đó có phong tục đón tết cổ truyền được lưu truyền từ lâu đời đến bây giờ. Ông Phản Phu Lô, bản Tân Biên, xã Pa ủ, Mường Tè cho biết: “Tết cổ truyền của người La Hủ nó theo truyền thuyết từ xa xưa để lại. Trong tháng người ta tổ chức cả tháng, tuần này thì bản này, tuần khác là lại bản kia để đến thăm chúc tết nhau. Khi đi chơi mang quà đi biếu và khi về cũng có quà của bà con biếu lại.”
Phụ nữ dân tộc La Hủ chuẩn bị ăn tết
Khi những bông Mô Phi Chè (có nơi còn gọi là hoa đom đóm) nở trắng các sườn đồi, các gia đình người La Hủ bắt đầu chuẩn bị ăn tết. Những người phụ nữ tất bật lên rừng tìm củi về dự trữ để đảm bảo đủ chất đốt trong những ngày tết. Nhà cửa, khuôn viên được dọn dẹp sạch sẽ; Quần áo, chăn màn được giặt sạch phơi rực cả bản làng. Ông Thàng Hu Lô, bản Thăm Pa, xã Pa Ủ, huyện Mường Tè cho biết: “Chuẩn bị tết thì trước tiên là dọn dẹp nhà cửa, đồ đạc các thứ phải rửa sạch hết, chăn màn quần áo giặt sạch trước 1 tuần. Sau đó tổ chức gói bánh, mổ lợn để mời bà con chòm xóm ăn tết”
Vào ngày Tết người của người La Hủ, tất cả người già, trẻ nhỏ đều tất bật chuẩn bị cho mình những bộ trang phuc ang bản sắc của dân tộc mình
Cũng như người kinh, vào dịp tết, các gia đình dân tộc La Hủ cũng tổ chức gói bánh chưng. Nhưng bánh chưng của bà con La Hủ được gói giống với bánh tét của người Kinh. Bánh sau khi nấu chín người chủ gia đình sẽ phát cho các cháu nhỏ cầm đi chơi tết. Theo quan niệm của người La Hủ việc phân phát bánh chưng cho các cháu nhỏ đi chơi đầu năm là thể hiện của sự no đủ và sung túc. Tất cả con cháu có bánh chưng cầm đi trong ngày tết nghĩa là toàn gia đình trong năm đó sẽ luôn có cái ăn, không bị cảnh đói khổ. Trong ngày tết, người La Hủ còn có thêm bánh dày. Với người La Hủ làm bánh dày không cầu kỳ như các dân tộc khác, nhưng vẫn thơm ngon và có hương vị đặc trưng riêng. Nếp nương trắng ngần được ngâm nước ấm sau đó đem đồ chín, sau đó đem vào cối giã thật nhuyễn rồi đem ra cuộn tròn và dùng dây lạt cắt lát. Bánh dày của người La Hủ có thể ăn luôn hoặc để khô sau đó rán ăn sau ngày tết, với vị thơm ngậy của nếp nương trộn với mỡ lợn.
Vận hạn nằm ở gan lợn
Dịp tết, người kinh thường xem quẻ bằng chân gà để biết vận hạn năm mới làm ăn, sức khỏe ra sao, thì người La Hủ đoán vận hạn của gia đình cũng như làng bản bằng cách xem gan lợn. Vì thế, dù giàu hay nghèo mỗi nhà đều phải có một con lợn khỏe mạnh mổ trong ngày tết để xem gan. Lợn được những chàng trai khỏe mạnh chọc tiết, làm sạch với nước sôi, sau đó mổ lấy gan ra đầu tiên để chủ nhà xem gan. Theo người La Hủ lợn là con vật gần gũi với người, nên xem gan đầu năm sẽ biết được vận hạn của gia đình, láng giềng trong năm mới. Phần gan nhỏ dính mật là xem riêng trong gia đình; phần gan lớn hơn là xem chung cho cộng đồng láng giềng. Nếu mật dính gan mà trong mật nước nhiều, dây cuống mật ngắn, mật nằm dọc theo khe gan phẳng đều thì nhất định năm đó gia đình sẽ được khỏe mạnh, làm ăn phát đạt. Nếu mật ít nước, dây cuống gan kéo dài và khe gan không phẳng thì năm đó mọi việc sẽ không được như ý muốn. Phần gan to mà tươi màu, phẳng đều không tỳ vết thì cộng đồng dân bản sẽ có vụ mùa bội thu, no đủ, đoàn kết. Ngược lại nếu gan sẫm màu lại có vết tỳ thì năm đó tình hàng xóm láng giềng bị xáo trộn, trong bản hay xảy ra thiên tai địch họa. Ông Thàng Hu Lô, bản Thăm Pa, xã Pa Ủ, huyện Mường Tè sau khi xem gan lợn ngày tết phấn khởi nói: “Năm cũ qua rồi, năm mới sắp đến, muốn xem năm mới gia đình mọi người có khỏe mạnh không, làm ăn được không thì xem gan là biết được. Và gan như năm nay là đẹp, năm mới có nhiều hy vọng cho sức khỏe cũng như làm ăn sẽ thuận lợi nhiều, bà con mình sẽ cố gắng chứ không trông chờ Nhà nước nữa đâu”.
Bữa cơm ngày tết của người La Hủ tập trung rất đông anh em họ hàng, làng xóm ngồi quây quần bên mâm cơm uống rượu mừng
Tổ tiên luôn ở bên mình
Nếu như người kinh và các dân tộc khác cúng ông bà tổ tiên ngày tết thường đủ các món ăn trên bàn thờ riêng. Thì với người La Hủ do tập quán sinh hoạt trước đây là du canh du cư nên bàn thờ tổ tiên họ không làm riêng mà họ quan niệm ông bà tổ tiên luôn bên cạnh sát sao mình. Nên họ cúng tổ tiên trên đầu giường nằm của gia chủ. Lễ vật chỉ có một bát cơm đặt trên cái mẹt. Vào giờ tốt của buổi sáng người chủ gia đình sẽ đơm một bát cơm đầu tiên của nồi cơm mới đem bỏ vào một cái mẹt bê đến giữa giường của mình thường ngủ và cúng, với cầu mong ông bà tổ tiên phù hộ độ trì cho năm mới sức khỏe dồi dào, mùa màng bội thu. Ông Thàng Hu Xa, bản Thăm Pa, xã Pa Ủ, Mường Tè cho hay: “Ngày tết con cháu vui chơi, ăn ngon mặc đẹp thì bà con mình cúng để nhớ tới ông bà tổ tiên, những bậc sinh thành ra mình. Đồng thời cũng cầu mong xin ông bà phù hộ độ trì, năm mới có sức khỏe, làm ăn phát đạt, con cái học hành chăm ngoan…” Sau khi lễ cúng xong các gia đình trong dòng họ bắt đầu đến thăm nhau, chúc một năm mới làm ăn phát đạt, gặp nhiều may mắn. Và những mâm cơm mừng năm mới được bày ra, với đủ các món ăn hấp dẫn, mang hương vị đặc biệt của núi rừng Tây Bắc. Mọi người cùng chung vui trao nhau những lời chúc tốt đẹp, mộc mạc, chân tình và tràn trề như chén rượu đầy. Khi mọi người đã chếnh choáng men rượu, cũng là lúc chương trình văn nghệ bắt đầu và điệu xòe cổ truyền của dân tộc La Hủ diễn ra vui nhộn báo hiệu một năm mới với nhiều niềm vui và sự phấn khởi của cộng đồng dân tộc La Hủ.
Các món ăn trong ngày tết của người La Hủ
Ngày tết, ai cũng chọn cho mình những bộ quần áo mới đẹp để đi chơi, đi chúc tết. Trang phục của nam giời rất đơn giản, gọn gàng, quần áo đều màu chàm hoặc màu đen. Nhưng với nữ giới thì rất cầu kỳ. Áo dài của phụ nữ may ống tay hẹp, can bằng nhiều khoanh vải màu xanh, trắng, đen, đỏ. Phụ nữ La Hủ có thói quen mặc hai áo: áo trong dài, áo ngoài ngắn không có ống tay. Trên cổ và quanh thân áo ngoài thường đính nhiều đồng xu bằng bạc cùng những tua chỉ màu đỏ, vàng. Phụ nữ và trẻ em thường đội mũ phẳng đầu, xung quanh mũ chạy nhiều đường chỉ màu và có tua chỉ màu đỏ, vàng rủ xuống hai bên tạo nét duyên dáng đặc sắc của phụ nữ dân tộc La Hủ.
Người La Hủ rất yêu thích văn nghệ, chơi và nghe các loại nhạc cụ như món ăn tinh thần không thể thiếu được trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Vì thế, đồng bào đã chế tác được nhiều loại nhạc cụ riêng của dân tộc mình như: sáo, đàn tre, đàn đơ-đờ đơ, đàn ta- tò-ta… Bên cạnh đó, bà con cũng sáng tác nhiều bài hát, mang làn điệu dân ca riêng của dân tộc mình để hát trong những ngày lễ tết, những ngày sản xuất cho vơi đi nỗi mệt nhọc.: “Ngày tết bên cạnh chơi các trò chơi thì thanh niên nam nữ thường cùng nhau thổi khèn bum chích. Tuy nhiên theo thời gian, những nét văn hóa này đang bị dần mai một nên chúng tôi đang cố gắng để khôi phục và bảo tồn trở lại...” - ông Phản Phu Lô cho biết.
Với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, đồng bào La Hủ đã hòa nhập với cộng đồng các dân tộc anh em khác. Học tập, ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Tiếp thu những nét văn hóa hiện đại của nhân loại. Mặc dù vậy, họ vẫn không quên gìn giữ những nét đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc mình. Đó là tết cổ truyền!
Người La Hủ vẫn giữu được nhiều nét văn hóa đăc của mình trong ngày lễ, tết như, múa, hát các bài truyền thồng của dân tộc