Dân Việt

Sự chủ quan của người Mỹ và Việt Nam Cộng hòa

PV 02/02/2018 16:30 GMT+7
Các cơ quan tình báo của VNCH đã nắm được một số tin tức khá rõ ràng liên quan đến kế hoạch Tổng tấn công nhưng sự lạc quan thái quá đã dẫn đến sai lầm trong nhận định và đánh giá về quyết tâm cũng như khả năng của VNDCCH.

Các nhà nghiên cứu lịch sử của Việt Nam Cộng hòa (VNCH) trước đây đã bỏ nhiều công nghiên cứu về các chiến lược, sách lược của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) để tìm ra câu trả lời cho câu hỏi: Vì sao VNCH, với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của người Mỹ như vậy, một quân đội mạnh thứ 3 thế giới, lại là bên thua cuộc trong chiến tranh Việt Nam? Nhân dịp kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân (1968), với mong muốn mang đến cho độc giả thêm một góc nhìn về chiến thắng chiến lược mang tầm vóc vĩ đại này, Tạp chí Khám phá trích đăng tài liệu của nhà nghiên cứu Lâm Vĩnh Thế về Tình báo trong chiến tranh Việt Nam.

Trận Tổng Tấn Công Tết Mậu Thân bắt đầu vào ngày 31.1.1968 (mùng 2 Tết Mậu Thân) trên khắp các thành phố của VNCH là một bất ngờ rất lớn trong cuộc chiến tranh. Việc không tiên đoán được cuộc tấn công với quy mô lớn như vậy của VNDCCH là một thất bại rất lớn về tình báo của cả VNCH và Hoa Kỳ.

img

Quân Mỹ trong một cuộc đấu súng với lưc lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày 31.1.1968

Câu hỏi cần phải đặt ra là tại sao VNCH và Hoa Kỳ, với một hệ thống tình báo to lớn, đầy đủ và tinh vi như vậy mà không phát hiện được sự chuẩn bị của VNDCCH cho cuộc tổng tấn công. Ðể có thể trả lời câu hỏi quan trọng này, chúng ta cần phải tìm hiểu những diễn biến trong cuộc chiến từ sau khi Hoa Kỳ đưa quân bộ chiến vào Miền Nam từ tháng 3.1965.

Sau cuộc đổ bộ của 5.000 Thủy Quân Lục Chiến vào Ðà Nẵng ngày 8.3.1965, quân số Mỹ tại Miền Nam đã gia tăng một cách vô cùng nhanh chóng:

- Cuối năm 1965: tổng số quân Mỹ là184.300

- Cuối năm 1966: tổng số quân Mỹ là 385.300

- Cuối năm 1967: tổng số quân Mỹ là 485.600

Trong mùa khô 1966-1967, trong chiến lược “lùng và diệt” (search and destroy) của Tướng Tư Lệnh MACV Westmoreland, quân đội Mỹ đã tổ chức ít nhất là 5 cuộc hành quân lớn (cấp sư đoàn) tấn công vào các mật khu, căn cứ an toàn, và các trung tâm hậu cần của VNDCCH:

1. Hành quân Attleboro: tại Dầu Tiếng (Tây Ninh), từ ngày 14.9 đến ngày 24.11.1966

2. Hành quân Paul Revere IV: tại Thung lũng Plei Trap (phía Tây Pleiku, gần khu vực ba biên giới), từ ngày 20.10 đến ngày 30.12.1966

3. Hành quân Thayer II: tại Bình Ðịnh, từ ngày 25.10.1966 đến ngày 12.2.1967

4. Hành quân Cedar Falls: trong khuTam Giác Sắt (Bến Cát, tỉnh Bình Dương ), từ ngày 8 đến 26.1.1967

5. Hành quân Junction City: trong Chiến Khu C (Tây Ninh, nơi đóng tổng hành dinh của Trung Ương Cục Miền Nam), từ ngày 22.2 đến ngày 14.5.1967 (đây là cuộc hành quân trực thăng vận Việt-Mỹ lớn nhất trong Chiến tranh Việt Nam, với tổng số 25.000 quân tham chiến).

img

Sơ đồ cuộc hành quân Junctinon City từ ngày 14 đến 18.1.1967.

Các cuộc hành quân này, cùng với rất nhiều những cuộc hành quân khác của Quân lực Việt Nam Cộng hòa và các quân đội đồng minh trong thời gian 1966-1967 đã gây thiệt hại rất nặng nề về quân số, tổ chức (mật khu, khu an toàn), và hậu cần (lương thực, vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng) của đối phương.

Tổng hành dinh của Trung Ương Cục Miền Nam trong Chiến Khu C phải dời sang lãnh thổ của Campuchia. Về mặt an ninh lãnh thổ của VNCH, chương trình bình định (Pacification) trong các vùng nông thôn cũng đang tạo được nhiều thành quả đáng kể từ giữa năm 1967 với những số thống kê như sau:

- 67% dân chúng sinh sống trong các vùng do chính phủ VNCH kiểm soát

- 222 quận (trong tổng số 242) được xem là có an ninh

- 8.650 ấp (trong tổng số 12.600) đã được bình định xong

Robert W. Komer (1922-2000), đứng đầu Chương trình CORDS (Civil Operations and Revolutionary Development Support) của MACV phụ trách về bình định (gồm cả Chương trình Phượng Hoàng (Phoenix Program) với mục tiêu là tiêu diệt hạ tầng cơ sở của Mặt Trận Giải Phóng - VCI), đã lạc quan báo cáo về tình hình Chiến tranh Việt Nam cho Tổng Thống Johnson vào ngày 28.2.1967 như sau: “…wastefully, expensively, but nonetheless indisputably, we are winning the war in the South.” (xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “…phí phạm, tốn kém nhưng không thể chối cãi được, chúng ta đang giành chiến thắng tại Miền Nam”).

img

Tư lệnh Quân đội Mỹ tại Việt Nam, tướng Westmoreland, lạc quan với tình hình chiến trường năm 1967

Cũng trong thời gian này, về phương diện chính trị, VNCH đã vượt qua được thời kỳ hỗn loạn và đã thành công tạo được sự ổn định với Hiến Pháp 1967 đưa đến việc thành lập của nền Ðệ Nhị Cộng Hòa vào cuối năm 1967.

Tất cả các điều này đã tạo ra cho các cấp lãnh đạo VNCH-Mỹ (kể cả các cấp lãnh đạo về tình báo) một tinh thần lạc quan thái quá, dẫn đến sai lầm trong nhận định và đánh giá về quyết tâm cũng như khả năng của VNDCCH.