Ảnh minh họa.
Ý tưởng về Con đường tơ lụa lại một lần nữa được Trung Quốc tận dụng và vận dụng. Lần trước, nó ẩn hiện ở dự án Một vành đai, một con đường. Lần này, nó được ghép hẳn thành tên mới là Con đường tơ lụa Bắc Cực. Nó được luận giải thành chiến lược và chính sách trong một văn kiện khuôn mẫu cụ thể có tên gọi là Sách trắng.
Trung Quốc lần đầu tiên công bố Sách trắng về chính sách đối với Bắc Cực với mục đích và nội dung công khai ở trong đó là mở Con đường tơ lụa tới khu vực Bắc Cực. Lần trước, Trung Quốc mở Con đường tơ lụa xuôi xuống phương Nam. Lần này, Trung Quốc nhằm ngược về phương Bắc.
Khu vực Bắc Cực bao gồm lục địa Bắc Cực rộng khoảng 8 triệu km2 và vùng biển Bắc Cực rộng khoảng 12 triệu km2. Trung Quốc không giáp ranh với lục địa Bắc Cực nên không thể hành động như 8 nước Mỹ, Nga, Canada, Na uy, Thuỵ Điển, Phần Lan, Đan Mạch và Iceland tuyên bố có quyền về chủ quyền và lãnh thổ ở lục địa Bắc Cực. Nhưng Trung Quốc dựa vào Công ước LHQ về luật biển (1982) để xác lập quyền được tiếp cận, hoạt động và khai thác tài nguyên ở vùng biển Bắc Cực.
Khác với việc khai mở Con đường tơ lụa về phương Nam - nơi mà Trung Quốc phải thu phục được đối tác - Trung Quốc cho rằng chỉ cần dựa vào thực lực của mình là có thể chinh phục được vùng biển Bắc Cực và chỉ cần hợp tác với 8 đối tác kia là có thể tận lợi được từ lục địa Bắc Cực. Trung Quốc từ năm 2013 đã tham gia làm quan sát viên của Hội đồng Bắc Cực mà 8 đối tác kia thành lập từ năm 1996. Trung Quốc đã đầu tư nhiều vào nghiên cứu về Bắc Cực ở 8 nước kia.
Trung Quốc cũng đã từng trực tiếp thám hiểm và tiến hành nghiên cứu về Bắc Cực và ở Bắc Cực. Trung Quốc không giáp ranh nhưng ở gần Bắc Cực. Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu trên trái đất. Đấy là những lý do được Trung Quốc nêu ra trong Sách trắng để biện luận cho sự quan tâm của Trung Quốc tới khu vực Bắc Cực, cho những quyền và lợi ích của Trung Quốc ở khu vực này.
Trung Quốc lập luận thế và muốn thế ở khu vực này là một chuyện. Trung Quốc có được thế giới tin và công nhận như thế hay không lại là chuyện khác. Nhưng dẫu hành quân về xuôi hay trường chinh lên ngược theo những Con đường tơ lụa khác nhau thì lợi ích và ý đồ chiến lược của Trung Quốc vẫn như nhau. Trung Quốc nhằm vào nguồn tài nguyên thiên nhiên ở những vùng mà các Con đường tơ lụa của Trung Quốc đi xuyên.
Trung Quốc nhằm vào những thị trường ở các nơi đó cho hàng hoá của Trung Quốc. Trung Quốc muốn xây dựng mạng lưới đối tác gắn kết với Trung Quốc bằng hợp tác đầu tư và trao đổi thương mại. Trung Quốc theo đuổi chủ ý xây dựng và mở rộng phạm vi ảnh hưởng, đi từ hợp tác và gắn kết kinh tế thương mại đến dẫn dắt và chi phối các mối quan hệ hợp tác, đi tới ảnh hưởng chính trị khu vực và thế giới. Con đường tơ lụa Bắc Cực là bước triển khai tiếp của ý đồ chiến lược ấy.
Trong Sách trắng này, Trung Quốc khích lệ giới kinh tế Trung Quốc tăng cường hoạt động đầu tư ở khu vực Bắc Cực, tích cực tham gia vào những hoạt động ở Bắc Cực và liên quan đến Bắc Cực như thám hiểm và nghiên cứu khoa học. Trung Quốc từng bước gây dựng sự hiện diện trực tiếp và tìm kiếm sự công nhận về pháp lý ở khu vực Bắc Cực. Nơi đây hiện tại thôi chứ chưa nói đến thời băng đá tan đã có tầm quan trọng to lớn về mọi phương diện đối với những đối tác muốn vươn tới vai trò chính trị thế giới và địa chiến lược toàn cầu như Trung Quốc. Sách trắng này vừa là sự chuẩn bị dư luận, vừa là bước đi tiếp theo của Trung Quốc ngược về phương Bắc.