Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước vừa công bố danh sách ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017. Theo đó, tổng số người đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2017 là 1.226 người, tăng gần 60% so với năm trước.
GS.TSKH Trần Văn Nhung, Tổng Thư ký Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước.
Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước vừa thông báo danh sách các ứng viên đạt chuẩn GS, PGS năm 2017. Vậy đạt chuẩn và được công nhận chức danh GS, PGS khác nhau như thế nào, thưa ông?
- Đạt chuẩn, tức là so với các tiêu chuẩn đặt ra thì đây là các ứng viên đã đạt được.
Chuẩn bao gồm điểm nghiên cứu khoa học, thâm niên giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu sinh và học viên cao học, những giải hưởng, cống hiến trên thực tiễn.
Khi những ứng viên này đã đạt chuẩn, họ sẽ được công nhận là đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS. Bộ trưởng GD-ĐT - Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước sẽ ký quyết định công nhận và trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS.
Sau đó, khi về các cơ sở giáo dục đại học, thủ trưởng đơn vị sẽ bổ nhiệm và có quyết định bổ nhiệm cho những người đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS theo nhu cầu thực tiễn ở đơn vị.
Số lượng ứng viên đạt chuẩn GS, PGS năm 2017 tăng đột biến so với năm trước. Điều này được lý giải ra sao, thưa ông?
- Năm nay có 85 người đạt tiêu chuẩn giáo sư, 1.141 người đạt tiêu chuẩn phó giáo sư. Trong năm 2016 số người đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư là 702 người. Như vậy, số lượng đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2017 cao hơn năm trước là 534 người.
Như vậy, số lượng của năm nay tăng khoảng 60% so với năm trước. Có 2 nguyên nhân cho việc này.
Thứ nhất, năm nay ngày hết hạn nộp hồ sơ lùi lại nửa năm (năm nay 5/1), theo đó, các bài báo, sách xuất bản, đề tài nghiệm thu của các ứng viên... cũng được lùi lại nửa năm. Sở dĩ có việc chậm lại này là do Hội đồng dự định chờ thực hiện theo quy định mới nhưng chưa xong, nên quay lại thực hiện theo quy định hiện hành.
Số lượng GS, PGS được công nhận chức danh qua các năm.
Nguyên nhân thứ hai, năm 2018 sẽ có sự thay đổi về quy định phong GS, PGS, nên tâm lý chung của các ứng viên mong muốn mình đi về "chuyến tàu cuối". Và "chuyến tàu cuối này" mang số hiệu 174 - (Quyết định 174).
Do đó, năm nay, sự gia tăng số lượng ứng viên vừa do yếu tố tâm lý, vừa do họ có thêm thời gian để làm hồ sơ.
Vậy thì những ứng viên lên "chuyến tàu cuối" có chất lượng ra sao?
- Điều đáng mừng là năm nay, chất lượng GS, PGS cao hơn hẳn các năm trước. Số các bài báo công bố quốc tế ở ISI và Scopus tăng lên.
Độ tuổi trung bình của ứng viên giảm xuống. Ví dụ: Tuổi trung bình của GS năm 2016 là 55 thì năm nay tuổi trung bình của các GS 53.
Ngoại ngữ tiếng Anh của các ứng viên tăng lên rõ rệt, vì nhiều người đã được cử đi học nước ngoài theo Đề án 911 và có sự phối hợp, hợp tác với nước ngoài... Những điều này giúp việc đào tạo, trao đổi bằng tiếng Anh và công bố quốc tế được thuận lợi hơn với các ứng viên.
Một điểm mới nữa là tỷ lệ GS, PGS đối với nữ tăng lên 28 -29%, trong khi trước đây chỉ 25%.
Số lượng ứng viên đạt chuẩn GS, PGS của Hà Nội và TP.HCM cũng tăng hơn năm trước.
Đặc biệt, năm nay có 1 phụ nữ Dân tộc Nùng được công nhận đạt chuẩn PGS thuộc Hội đồng Quân sự.
Tỷ lệ số lượng ứng viên đang giảng dạy được công nhận GS, PGS tăng lên, số thỉnh giảng giảm đi...
Như vậy, có thể dự kiến năm sau số lượng ứng viên có khả năng sụt giảm đột biến do đã cạn nguồn?
- Số lượng ứng viên năm sau chắc chắn giảm xuống, vì thười hạn nộp hồ sơ sẽ không kéo dài như năm nay nữa, và việc áp dụng quy định mới chắc chắn sẽ khiến các ứng viên tiềm năng phải xem xét.
Trước việc số lượng ứng viên đạt chuẩn tăng đột biến như năm nay, bản thân ông có suy nghĩ gì?
- Đó chỉ là do các yếu tố khách quan thôi. Còn chất lượng tân GS, PGS vẫn được đảm bảo.