Robot làm thay bác sĩ nhiều điều
Theo TS Metin Sitti, viện Max Planck về các hệ thống thông minh (Đức), trưởng nhóm nghiên cứu, robot này đủ nhỏ để có thể di chuyển trong dạ dày hay hệ thống tiết niệu con người, để mang thuốc đến đúng vị trí mắc bệnh.
Trên tạp chí nổi tiếng Nature ngày 28.1.2018, các nhà nghiên cứu Đức thông báo họ đang phát triển một loại robot chỉ dài 35mm có thể đi, nhảy, bò, trườn, bơi để ứng dụng chữa bệnh cho người.
Trả lời nhật báo The New York Times, TS Sitti cho biết mục tiêu chính của nhóm nghiên cứu là làm ra những robot cực nhỏ để có thể xâm nhập những ngóc ngách không với tới được trong cơ thể người nhưng lại không gây tổn thương, thậm chí robot được thu nhỏ chỉ còn vài chục micron.
Ước mơ của TS Metin Sitti cũng là ước mơ của nhân loại bao lâu nay, vượt qua những ranh giới y học để chữa những bệnh mà thầy thuốc bất lực. Theo TS Catherine Mohr, phụ trách phát triển chiến lược của Intuitive Surgical, công ty sản xuất robot phẫu thuật hàng đầu Hoa Kỳ, chỉ robot mới có thể thực hiện được những đường rạch da nhỏ, chính xác, thẳng thớm, ít chảy máu mang lại sự an toàn và hiệu quả cho bệnh nhân. Nhưng quan trọng nhất, robot có thể làm được những điều mà bác sĩ không làm được.
Cách đây tròn một năm, tháng 1.2017, tại bệnh viện đại học Leuven (Bỉ) lần đầu tiên các bác sĩ đã sử dụng robot ngoại khoa để điều trị thành công cho một bệnh nhân bị tắc tĩnh mạch võng mạc (RVO), chứng bệnh trước đó rất khó điều trị và có thể dẫn đến mù mắt. Trong ca bệnh đó, robot sử dụng một cây kim có đường kính chưa đến 0,03mm tiêm thuốc làm tan cục máu đông trong tĩnh mạch võng mạc bệnh nhân.
Trước khi có phương pháp này, mỗi tháng bệnh nhân được bác sĩ tiêm một loại thuốc làm giảm tác dụng phụ của RVO. Không ai có thể lấy được cục máu đông ra ngoài vì tĩnh mạch võng mạc chỉ bằng 0,1mm, nhỏ như một sợi tóc. Chưa kể không bác sĩ ngoại khoa nào đủ khéo để giữ chiếc kim siêu mỏng bơm thuốc trong vòng 10 phút. Làm không cẩn thận, mắt có nguy cơ tổn thương. Thế nhưng robot lại có thể làm được tất cả. Nhờ robot của đại học Leuven, hơn 16 triệu người khắp thế giới từ nay sẽ không phải sống chung với bệnh RVO. Nói đến robot phẫu thuật người ta thường nói nhiều về robot da Vinci của Intuitive Surgical (có mặt ở một số bệnh viện của Việt Nam), nhưng thực tế robot phẫu thuật đầu tiên trên thế giới lại là “Arthrobot”, sử dụng lần đầu tại Canada vào năm 1983.
Hơn 30 năm sau khi ra đời, robot phẫu thuật đã thực hiện được nhiều điều thú vị. Tháng 10.1999, tại Canada, robot Zeus thực hiện ca mổ bắc cầu mạch vành đầu tiên trên thế giới. Tháng 9.2001, hai bác sĩ người Mỹ Jacques Marescaux và Michel Gagner, trong khi ở New York, sử dụng robot Zeus cắt bỏ túi mật từ xa cho một bệnh nhân nữ 68 tuổi ở Strasbourg, Pháp. Tháng 1.2009, trung tâm y khoa Saint Barnabas (Hoa Kỳ), tiến hành ca ghép thận đầu tiên được thực hiện hoàn toàn do robot!
Chờ những robot tinh xảo
Báo cáo của Research & Markets tháng 10.2017 cho thấy thị trường robot phẫu thuật trong năm 2016 đạt 5,2 tỷ USD và dự kiến tăng đến 14,7 tỷ USD vào năm 2024. Những yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng là sự xuất hiện ngày càng nhiều các bệnh mạn tính như bệnh tim mạch và gia tăng nhu cầu phẫu thuật xâm lấn tối thiểu của bệnh nhân. Thị trường hấp dẫn này đã kích thích các công ty cho ra mắt những robot chữa bệnh tinh xảo và hiệu quả hơn. Hiện nay robot da Vinci tỏ ra được ưa chuộng nhất, nhưng nó lại to lớn, cần một phòng riêng để thao tác, chưa kể giá đến 2 triệu USD và 170.000 USD/năm bảo dưỡng.
Nhưng thế hệ robot chữa bệnh đời sau lại khác. Mùa hè qua, công ty Cambridge Medical Robotics của Anh cho biết sẽ tung ra thị trường robot Versius vào đầu năm 2018. Đó là những cánh tay độc lập, nhỏ gọn, nhẹ nhàng, có thể di chuyển quanh bàn mổ như một phẫu thuật viên. Chưa hết, không như cánh tay của da Vinci, giống cánh tay của robot công nghiệp, cánh tay của Versius có đủ các “khớp” như người, nên bác sĩ “học nghề” nhanh và thao tác dễ dàng. Hãng sản xuất chưa cho biết giá Versius, nhưng họ khẳng định chi phí bệnh nhân phải trả để mổ chỉ đắt hơn mổ truyền thống vài trăm USD, không chênh lệch đến vài ngàn USD như mổ bằng da Vinci.
Nhỏ gọn, tinh tế sẽ là xu hướng chính của phát triển robot chữa bệnh trong thời gian tới. Versius không chỉ là robot phẫu thuật nhỏ nhất thế giới, mà còn được trang bị công nghệ tinh xảo giúp phát hiện được sức cản, nhờ thế nó tạo ra đủ lực cần thiết khi đưa dụng cụ vào trong người bệnh nhân.
Versius sẽ cạnh tranh khốc liệt với nhiều đối thủ trong phẫu thuật ngực, bụng, nhưng robot chưa đặt tên của hãng Medical Microinstruments (Ý) dự kiến sẽ “một mình một chợ” trong lĩnh vực vi phẫu tái tạo. Robot giúp bác sĩ sửa chữa những mạch máu và thần kinh bị tổn thương bằng cách thao tác hai cổ tay có đường kính 3mm. Nhà sản xuất cho biết robot này hoàn toàn có thể sử dụng để phẫu thuật các em bé.
Robot chữa bệnh trong tương lai cũng sẽ thông minh hơn. TS Metin Sitti cho biết, robot mà nhóm ông nghiên cứu có thể thực hiện những dạng chuyển động khác nhau để di chuyển trong các môi trường phức tạp của cơ thể. Độc đáo hơn, người ta sẽ chế tạo chúng bằng chất liệu tự phân huỷ sinh học. Khi xong nhiệm vụ, robot sẽ tan biến, không gây tác dụng phụ và không để lại bất kỳ chất liệu nào trong cơ thể.