Dân Việt

Đốt bằng: có nên “thà là bỏ đi hết ta làm lại từ đầu”?

Diệu Thuỳ  03/02/2018 06:18 GMT+7
Bị ép buộc làm việc không đúng với ngành đã học, hoặc tốt nghiệp xong không tìm được việc làm thích hợp, cuối cùng tấm bằng đại học trở nên vô nghĩa. Nhưng liệu, việc đốt bằng có phải là hành động đúng?

Ngày 21.1, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh một cựu sinh viên đốt tấm bằng cử nhân của chính mình. Ngay lập tức, đoạn clip trên được hàng ngàn lượt chia sẻ và bình luận trái chiều.

img

A.T nói lý do đốt bằng cử nhân là do bị gia đình ép làm công việc không đúng với ngành học của mình.

Cựu sinh viên nói trên được xác định là P.A.T, quê Tiền Giang, tốt nghiệp đại học hệ chính quy khoá K36 (2014) của trường đại học Kinh tế TP.HCM, xếp loại trung bình khá. Lý giải cho hành động bất thường này, chủ nhân đoạn clip chia sẻ: “Cảm giác không còn gì để làm chỗ dựa sẽ khiến người ta cố gắng nhiều hơn. P/s: Từ bỏ mọi thứ để đến với ước mơ”.

Đại diện trường đại học Kinh tế TP.HCM cũng xác nhận và thông tin lý do đốt bằng của A.T là do bị gia đình ép làm công việc không đúng với ngành học của mình.

Trước đó, vào năm 2015, một cử nhân của trường đại học Bách khoa Hà Nội cũng đăng tải thông điệp trên Facebook rằng sẽ đốt bằng để “thức tỉnh và thay đổi suy nghĩ về việc học đại học của các bậc phụ huynh và các em học sinh”. Người này cho rằng: “Đa số chúng ta đang sai lầm cơ bản về việc học, đặc biệt là học đại học! Học mà không biết học để làm gì, học chỉ để thi đỗ, thi đỗ chỉ để lấy bằng...”. Những hành động của các cử nhân kể trên nhận được hàng ngàn like và chia sẻ của nhiều người trên mạng xã hội, thiết nghĩ cũng là điều dễ hiểu. Có người bình luận rằng: “Có bằng đại học mà không xin được việc, học xong đại học lại không biết làm gì, thì cũng nên đốt bằng đi để làm lại từ đầu”.

Trước tiên, dù với bất cứ lý do gì, hành động đốt bằng cho thấy những thanh niên này đang hoang mang trước ngưỡng cửa cuộc đời, không tự tin vào bản thân mình. Ngay cả xem thường đến mức huỷ hoại, hay trân quý như một chiếc vé thông hành lên “chuyến tàu” tương lai, cũng chỉ là hệ quả của tâm lý quá trọng bằng cấp, một căn bệnh trầm kha của xã hội Việt Nam hiện tại.

Đốt bằng cử nhân để thức tỉnh phụ huynh, đốt bằng để phản đối ngành giáo dục, hay đốt để cắt đứt chỗ dựa “qua cầu rút ván”, tựu trung đều là một cách thức phản ứng tiêu cực. Điều đó cho thấy các chủ nhân bằng cấp này chưa bao giờ thấy rõ bản thân mình. Trước khi đổ cho hoàn cảnh, đổ cho xã hội, cho giáo dục, hãy tự hỏi lại mình: Bạn đã học như thế nào?

Rất nhiều người trẻ mới ra trường, cầm tấm bằng cử nhân trong tay ghi ngành học hẳn hoi nhưng phân vân không biết mình có thể làm gì. Con số hàng trăm ngàn cử nhân mới ra trường thất nghiệp hàng năm, chưa đủ để những sinh viên nhìn lại sự lựa chọn và động cơ học đại học của chính mình.

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, phó hiệu trưởng đại học Sư phạm TP.HCM có lần nói rằng, đừng nghĩ rằng bằng đại học là của riêng mình. Đó không chỉ mang giá trị chứng nhận, mà là kết quả nhiều năm lao động của bản thân, thầy cô, bạn bè, và cả mồ hôi nước mắt của ba mẹ. Ông Sơn cho rằng, bằng cấp không có giá trị chỉ đối với những người không tốn công sức trong học tập.

Chỉ những người biết trân trọng sự học, học với hoài bão và niềm đam mê sẽ tự biết điều chỉnh hướng đi của mình, cho dù anh ta đã đi sai đường.

Bởi không một nhà tuyển dụng chuyên nghiệp và khôn ngoan nào chỉ tuyển chọn nhân viên mà chỉ căn cứ vào bằng cấp cả. Ngay cả những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cũng rất cần có những nhân sự giỏi trong ngành khoa học nhân văn. Ngược lại, những đơn vị  làm những việc liên quan đến con người không hẳn là không cần kiến thức khoa học kỹ thuật.

Đào tạo và đào tạo lại, nếu không phải là việc làm bắt buộc, thì cũng là chuyện bình thường trong thời đại kinh tế toàn cầu hoá như hiện nay.

Nói như ông Nguyễn Anh Nguyên, CEO của một công ty đa quốc gia trong lĩnh vực sản xuất và phân phối tại TP.HCM, một người mà dù đã 49 tuổi vẫn một tuần hai buổi tối xách máy tính đi học môn đại số tuyến tính và xác suất thống kê, đã chia sẻ với các bạn trẻ tại cuộc hội thảo gần đây: “Khi còn đang học đại học, các bạn phải gắng học cho thật tốt. Nhưng ngay cả khi ra trường 5 – 7 năm, thậm chí 15 – 20 năm, các bạn vẫn phải tiếp tục học. Trong thế giới luôn biến đổi ngày nay, người không học sẽ mãi mãi tụt hậu và đói nghèo”.