Chỉ bảy ngày tết nguyên đán Đinh Dậu 2017 các bệnh viện TP.HCM phải cấp cứu 44 ca ngộ độc nặng rượu, bia, thực phẩm, chưa kể gần 300 ca rối loạn tiêu hoá khác.
Rửa tay kỹ trước và sau khi chế biến thực phẩm làm giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm phẩm trong ngày tết.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nguyên nhân chính gây ngộ độc thực phẩm trong dịp tết là việc bảo quản thức ăn không đúng. Người cao tuổi có thói quen tiết kiệm những thực phẩm dư thừa, không dùng hết bằng cách cất vào tủ lạnh, sau đó lấy ra hâm lại để ăn tiếp, thậm chíviệc hâm thức ăn diễn ra nhiều lần.
ThS Trương Nhật Khuê Tường, khoa Dinh dưỡng tiết chế, bệnh viện đại học Y dược TP.HCM, cho biết việc hâm đi hâm lại thức ăn thừa là không an toàn cho sức khoẻ, rất dễ gây ngộ độc. ThS Tường nói: “Thực phẩm rất dễ mất chất, biến chất khi bị nấu quá lâu, nấu đi nấu lại nhiều lần. Ngoài ra, một số loại vi khuẩn có thể phát triển trong nhiệt độ thấp, nên dù thực phẩm có được bảo quản trong ngăn đá, việc hư hỏng vẫn có thể xảy ra”.
Theo ThS Tường việc bảo quản thực phẩm vào dịp tết cần tuân thủ những lưu ý sau: thực phẩm khi cất vào tủ lạnh nên được chia thành những phần vừa đủ một lần ăn, phải được đựng trong hộp có nắp hoặc bọc thực phẩm, khi lấy ra nên đun nóng lại ngay và sử dụng hết phần thực phẩm đó. Không cho thức ăn còn nóng vào tủ lạnh, vì sẽ làm cho nhiệt độ tủ lạnh tăng cao, ảnh hưởng đến các thức ăn xung quanh. Sau khi nấu chín, các thực phẩm dễ hỏng như thịt, gia cầm, cá, trứng, đậu cần làm nguội nhanh và không để ở nhiệt độ phòng quá hai giờ. Khi hâm nóng thức ăn, hãy đảm bảo thức ăn thừa được đun sôi. Nếu hâm bằng lò vi sóng, hãy đảo trộn thức ăn lúc hâm để nhiệt độ được phân bổ đều. Sau khi hết thời gian hâm, đừng vội lấy ra ngay, hãy để chúng trong lò khoảng 3 phút rồi mới lấy.
Chọn mua thực phẩm và chế biến sai cách cũng gây hại cho sức khoẻ. Tuần qua đơn vị nghiên cứu lâm sàng đại học Oxford (OUCRU) Việt Nam công bố một nghiên cứu cho thấy, hơn 2/3 các mẫu thịt bày bán ở TP.HCM được kiểm tra có chứa vi khuẩn Salmonella. Trong nghiên cứu này, người ta mua ngẫu nhiên 117 mẫu thịt gà, bò và heo từ các siêu thị và chợ truyền thống trong TP.HCM từ tháng 10.2016 đến tháng 3.2017. Sau khi phân tích, có đến 80 mẫu (68,4%) bị nhiễm vi khuẩn Salmonella loại không gây bệnh thương hàn.
Bà Nguyễn Thị Nhung, nhà vi sinh học của OUCRU, và tác giả chính của đề tài nghiên cứu, nói: “Kết quả này không khác lắm so với các nghiên cứu đã đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế về Việt Nam, nhưng so với châu Âu lại cực kỳ cao”. Thật vậy, số liệu giám sát từ Liên minh châu Âu năm 2014 cho thấy tỷ lệ các mẫu thịt gà, heo và bò (mỗi mẫu 25g) nhiễm Salmonella là 2,26%, 0,62% và 0,23%. Trong khi đó, tỷ lệ tương ứng trong đề tài do OUCRU thực hiện với mẫu thịt lấy từ TP.HCM, là 71,8% (gà), 70,7% (heo) và 62,2% (bò).
Thịt nhiễm vi khuẩn Salmonella, theo bà Nhung, nếu không nấu chín kỹ, có thể khiến người ăn bị viêm dạ dày – ruột. Người nhiễm Salmonella loại không gây thương hàn hầu hết đều tự khỏi, nhưng một số trường hợp sẽ chuyển bệnh nặng, tuỳ vào lượng Salmonella mắc phải. “Đáng lo ngại là sự có mặt của Salmonella với số lượng lớn trong một vài loại thịt, nhất là thịt gà mua ở chợ truyền thống”, bà Nhung nhận định. “Ước tính có 1.500 khuẩn Salmonella trong mỗi gram thịt gà ở chợ truyền thống được khảo sát, vì thế cần có thêm các nghiên cứu để giải thích độ nhiễm khuẩn cao như vậy”.
Theo TS James Campbell, trưởng nhóm nghiên cứu vi sinh của OUCRU, thịt mua về cần được chế biến đúng cách. Ông nói: “Thịt này cần được xử lý ở khu vực sơ chế thực phẩm, bàn tay người và dụng cụ sơ chế phải được rửa kỹ sau khi xử lý, tránh tiếp xúc tay bẩn vào các vật dụng khác trong nhà, vì có thể làm nhiễm vi khuẩn cho người”.
Một số đối tượng đặc biệt cũng cần phải lưu ý khi ăn uống trong ngày tết. Đối với trẻ em, ThS Tường lưu ý phụ huynh cần duy trì chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hợp lý. Cần bảo đảm giờ giấc sinh hoạt và ăn uống của trẻ không bị xáo trộn nhiều. Tuyệt đối không nên để trẻ quên giấc, thức quá khuya hoặc ngủ đến trưa. Luôn cho trẻ ăn đúng giờ và không bỏ bữa, nên bổ sung rau củ, trái cây tươi, nước lọc, men tiêu hoá cho trẻ trong những ngày này. Không cho trẻ ăn nhiều chất ngọt, thực phẩm nhiều dầu mỡ.
Trong khi đó người cao tuổi cần được ăn uống đúng giờ, đủ chất và tuyệt đối không bỏ bữa. ThS Tường khuyến cáo: “Người cao tuổi nên hạn chế món ăn chứa nhiều mỡ động vật và chất béo no (thịt đông, lạp xưởng, bánh chưng, bánh tét…), hạn chế muối và các món nhiều muối (thịt ngâm, dưa muối, dưa món…), cũng như các loại bánh kẹo, đồ ngọt; vì họ thường mắc bệnh cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch, tiêu hoá”.
Nghiên cứu của OUCRU còn cho thấy tồn dư kháng sinh trên các mẫu thịt khảo sát. Trong 357 mẫu thịt gà, heo, bò mua từ chợ truyền thống và siêu thị ở TP.HCM, Hà Nội và Đồng Tháp, qua phân tích có 7,3% mẫu chứa tồn dư kháng sinh, cụ thể tỷ lệ mẫu thịt có chứa kháng sinh ở chợ truyền thống là 9,6% còn tỷ lệ ở siêu thị là 2,6%. Tồn dư kháng sinh trong thực phẩm có nguồn gốc động vật có thể ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ người dùng, như gây dị ứng, ngộ độc, làm rối loạn hệ vi sinh đường ruột và hình thành vi khuẩn kháng kháng sinh. |