57.175 người là số biên chế dư thừa tại các cơ quan năm 2017 được lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước đưa ra trong lễ tổng kết hoạt động năm 2017 hôm 15.1. Nhiều năm qua, tình trạng ngân sách phải nặng gánh trả lương thường được nói đến khi nhắc về bộ máy cồng kềnh, về nguồn thu ngân sách ngày một eo hẹp, và cải cách tiền lương để bộ máy làm việc hiệu quả hơn. Cả nước có 11 triệu người hưởng lương và mang tính chất lương, trong đó có 2,8 triệu cán bộ công chức, viên chức.
TP.HCM đề xuất chi 380 tỷ đồng để tinh giản biên chế.
Biên chế thừa nhiều là vậy, nhưng đi hỏi bất cứ đơn vị sư nghiệp nào (có thu hay không thu), ai cũng dễ dàng nhận được câu trả lời: việc nhiều lắm, giảm người, làm sao xuể! Không lấy bằng chứng đâu xa, hãy lấy “chứng cứ” từ ngay trong lĩnh vực truyền thông là thấy rõ ràng. Ở một kênh truyền hình “tư”, bộ máy vô cùng gọn nhẹ. Hay ở một trang tin điện tử “tư” chỉ cần một vài người “chạy” là đủ, nhưng trang tin do Nhà nước quản, hàng chục người vẫn bị cho là thiếu. Quả là bi hài.
Một ông bạn làm trong lĩnh vực báo chí kể câu chuyện vui rằng: hồi cơ quan anh, trong lúc đợi điều động nhân sự chủ chốt về, dù khuyết đến ba nhân sự chủ chốt (cơ quan anh bạn có tổng cộng bốn nhân sự chủ chốt) nhưng mọi hoạt động cứ gọi là chạy “êm ru bà rù”, nếu không muốn nói là báo ngày càng hay hơn, vì đỡ bị chi phối bởi các mối quan hệ “trời ơi” từ các sếp. Anh bạn rút ra kinh nghiệm rằng: quả là lãng phí, số tiền lương và trách nhiệm trả cho các sếp hàng tháng, đủ trả cho vài chục lính. Rõ là đông người thì loãng trách nhiệm. Vì vậy, biên chế khó xẹp là điều dễ thấy.
Trở lại câu chuyện thừa 57.175 biên chế, chắc chắn dư luận sẽ hỏi xử lý thế nào? Lỗi là ở ai? Xin thưa, không thể kết luận xong là có thể đưa hơn 57.000 con người rời chỗ làm, như vậy là trái luật, trái đạo lý. Bởi lỗi chính gây ra sự việc này chính là những người tiếp nhận, điều động, bổ nhiệm công tác cho 57.175 cán bộ công chức, viên chức. Nói chung, trách nhiệm tiếp tục là chung chung, là lỗi của thời cuộc, là lỗi của tập thể… và cuối cùng chẳng cá nhân nào gánh trách nhiệm.Để dẹp nghịch lý, ngân sách eo hẹp biên chế phình to, không có cách nào khác là phải chỉ rõ địa chỉ trách nhiệm. Có vậy việc xử lý mới trở nên rốt ráo, và khi bị xử lý thì rõ ràng những con số dôi dư mới dần teo tóp lại; còn bằng cứ như bây giờ dù cả nước có la toáng lên thì những người làm cho biên chế “phình bụng” cứ vẫn ngồi rung đùi và cười khẩy mà thôi.