Đó là hình ảnh em bé nhường chiếc bánh trung thu cho mẹ, là bà con vùng lũ bẻ đôi bánh lương khô tặng lại đoàn từ thiện, hay em bé dân tộc tặng đoàn bông hoa vào ngày 20.11... và tất cả những việc làm đó chúng tôi vẫn gọi là trao yêu thương để nhận tấm lòng.
Ấm lòng bánh trung thu dành cho mẹ
Đoàn từ thiện Báo NTNN trao quà cho bà con vùng lũ. Ảnh: Đàm Duy
Những việc làm của chúng tôi có lẽ vẫn còn bé nhỏ so với những hoàn cảnh đang khó khăn ngoài kia... Các câu chuyện trong hành trình thiện nguyện lại được chia sẻ để những nhà hảo tâm tiếp tục lên đường để rồi vào mùa xuân này, những em bé vùng cao, và những người dân vùng lũ... sẽ có một cái tết đoàn viên, ấm áp. |
Tháng 8 âm lịch là tháng trung thu dành cho các em thiếu nhi. Thế nhưng với những học sinh miền núi thì Tết Trung thu là một điều gì đó lạ lắm. Một chiếc bánh trung thu, những chiếc đèn ông sao hay cả vương miện công chúa cũng là những thứ quà xa xỉ với các em trong đêm hội trăng rằm. Và điều đó thôi thúc chúng tôi mang trung thu về với các em bé tại thôn Lao Chải, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.
Như thường lệ, bên cạnh những phần quà dành tặng cho học sinh, nhà trường, các thầy cô, chúng tôi luôn dành một phần đặc biệt nhất cho các em nhỏ vùng cao nơi đây: Phá cỗ trung thu.
Vượt qua hơn 20km đường rừng với nhiều đoạn bị sạt lở nghiêm trọng cuối cùng chúng tôi cũng đặt chân được đến điểm Trường Lao Chải (thuộc Trường Tiểu học Trịnh Tường) thì cũng là lúc trời tối sầm chẳng còn nhìn thấy mặt người. Ở nơi đó, thứ ánh sáng mạnh mẽ nhất là ánh bếp lửa và thi thoảng một vài ngọn đèn điện cũng nhấp nháy sáng theo nhờ dòng điện được người dân tự tạo nên từ chiếc máy tuabin và sức nước suối.
Chặng đường vào với bà con vùng khó chưa khi nào dễ dàng nhưng đổi lại những người làm chương trình luôn nhận được những tình yêu thương nồng hậu.
Giữa một bầu trời tối om và ánh sáng yếu ớt đó thì những chiếc đèn ông sao mà đoàn mang theo để tặng cho những em bé nơi đây trở nên lung linh hơn bao giờ hết. Điểm trường này được dựng trên bản của người Hà Nhì, nhưng bữa cỗ trung thu đã thu hút được rất nhiều các bạn nhỏ người Mông, Dao ở các bản thôn bên cạnh. Không những thế, các phụ huynh thậm chí cả các cụ già cũng đến chung vui. Mỗi người 1 cây đèn ông sao không kể người lớn trẻ nhỏ, mỗi bé được một vương miện đội đầu, hay chiếc mặt nạ cùng với chiếc bánh trung thu... đã làm nên 1 đêm Trung thu giữa đại ngàn không bao giờ quên.
Sáng hôm sau, chúng tôi vào thăm bản, thời tiết khá lạnh và chúng tôi gặp lại những cô bé, cậu bé hôm qua. Tôi không biết đêm về các em có tháo chiếc vương miện trên đầu kia xuống không nhưng chúng tôi thấy dù chơi hay làm bất cứ việc gì các em vẫn đội chúng.
Nhưng điều đặc biệt là các em đội vương miện nhưng cởi trần. Thấy lạ chúng tôi đã hỏi lý do em trả lời rằng chiếc áo lúc tối mặc đi trung thu là chiếc áo duy nhất đẹp đẽ của em nhưng khi đi chơi về lại bị bẩn nên phải giặt để mai đi học nên giờ em không có áo mặc.
Và khi được hỏi về chiếc bánh trung thu các em ăn có ngon không thì em trả lời rằng em chưa ăn, em đang cất ở trên tủ để phần cho mẹ. Sau khi biết được câu chuyện của em bé chúng tôi đã dành tặng thêm cho các em nơi đây những chiếc áo ấm. Còn với em bé đó dù thích lắm chiếc bánh và áo chưa đủ ấm để mặc nhưng em vẫn nghĩ đến mẹ. Chiếc bánh dành cho mẹ như tặng cả 1 mùa trung thu đoàn viên và đẹp đẽ.
Đi để thấy như được trở về nhà
Năm 2016, Hà Tĩnh chịu ảnh hưởng vô cùng nặng nề bởi thiên tai lũ lụt. Nhà mất, mùa màng mất, bao nhiêu năm gầy dựng giờ họ trở về với đôi tay trắng. Ngay lúc đó, đoàn từ thiện Báo NTNN cũng kịp thời có mặt để san sẻ bớt phần nào những khó khăn người dân gặp phải. Chúng tôi đã chèo thuyền vào tận xóm thôn để trao những phần quà cứu trợ cấp bách là mì tôm, lương khô, nước uống. Hôm đó, nước đã rút, trời nắng như đổ lửa, mải phát quà cho bà con xong thì cũng đã hơn 1 giờ chiều. Quay lại, chúng tôi thấy rằng bụng đói cồn cào, miệng khát cháy họng nhưng không có bất cứ 1 cái gì nữa để ăn uống. Thấy chúng tôi loay hoay bà cụ đứng gần đó lại hỏi với giọng người xứ Nghệ: “Các o, chú ăn chưa?”, chúng tôi cười trả lời cụ là chưa ăn gì.
Cho đi để được nhận lại...
Vậy là các bà, các mẹ, các cô lại góp người 1 miếng lương khô, người được miếng bánh và nhượng lại cho chúng tôi chai nước để tiếp sức cho đoàn. Còn bà cụ cứ nắm lấy tay chúng tôi mà khóc vì thương đoàn đã nghĩ cho họ đến quên ăn.
Đó có lẽ là bữa trưa ngon nhất mà từ trước tới nay chúng tôi được ăn. Bữa trưa chan nước mắt của sự cảm thông, chua xót và cả niềm hạnh phúc được thấu hiểu.
Những việc làm của chúng tôi có lẽ vẫn còn bé nhỏ so với những hoàn cảnh đang khó khăn ngoài kia nhưng nó giúp cho họ có thể nhanh chóng vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Các câu chuyện trong hành trình thiện nguyện lại được chia sẻ để những nhà hảo tâm tiếp tục lên đường để rồi vào mùa xuân này, những em bé vùng cao, và những người dân vùng lũ... sẽ có một cái tết đoàn viên, ấm áp.
Và chính chúng tôi, những người thực hiện trực tiếp những chương trình này cũng đã nhận lại được tình cảm của những đứa em, của những bà, những o, những dì… thương mến như ở trong chính gia đình của mình.
Mọi sự cho đi, đều được nhận lại, nhiều hơn!