Như đã đưa tin, UBND TP Hà Nội phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức lễ công bố Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Nghĩa trang Yên Trung, huyện Thạch Thất, Hà Nội.
Theo Quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, nghĩa trang Yên Trung sẽ phục vụ nhu cầu an táng cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước; các anh hùng, danh nhân của đất nước.
Những cán bộ nào sau khi mất được an táng tại nghĩa trang Mai Dịch (trước đây) hoặc sẽ được mai táng tại nghĩa trang Yên Trung sau này?
Trước đó, Nghị định 105/2012/NĐ-CP về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức đã có quy định chi tiết về nơi an táng của các cán bộ cấp cao.
Phối cảnh nghĩa trang Yên Trung sẽ xây dựng tại huyện Thạch Thất, TP Hà NộiCụ thể, cán bộ được tổ chức Lễ Quốc tang và Lễ tang cấp Nhà nước sẽ được an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội; Nghĩa trang thành phố Hồ Chí Minh hoặc hỏa táng, điện táng, an táng tại quê hương hay nghĩa trang địa phương khác theo nguyện vọng của gia đình.
Cán bộ đang giữ hoặc thôi giữ một trong các chức vụ sau đây khi từ trần được tổ chức Lễ Quốc tang: Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ; Chủ tịch Quốc hội.
Các cán bộ đang giữ hoặc thôi giữ một trong các chức vụ sau đây khi từ trần sẽ được tổ chức Lễ tang cấp Nhà nước: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Phó Chủ tịch nước; Phó Thủ tướng Chính phủ nước; Phó Chủ tịch Quốc hội nước; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Chánh án Toà án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Đại tướng lực lượng vũ trang nhân dân; Thượng tướng lực lượng vũ trang nhân dân là cán bộ hoạt động cách mạng trước Tháng 8.1945.
Bên cạnh đó, một số cán bộ sau khi từ trần được tổ chức Lễ tang cấp cao cũng sẽ được an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch hoặc Nghĩa trang TPHCM.
Đó là các trường hợp: Cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị quản lý; Cán bộ hoạt động cách mạng trước ngày 1.1.1945 (lão thành cách mạng) hoặc cán bộ hoạt động ở miền Nam suốt thời kỳ chống Mỹ (1954 - 1975) được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất trở lên; các nhà hoạt động xã hội, văn hóa, khoa học tiêu biểu (được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh - giải thưởng cá nhân) và được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất trở lên; Các nhà hoạt động xã hội, văn hóa, khoa học tiêu biểu (được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh - giải thưởng cá nhân) là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động.
Được biết, nghĩa trang Mai Dịch (quận Cầu Giấy) là nơi an táng các lãnh đạo cấp cao đã được khai thác từ năm 1982 đến nay, nghĩa trang 5,9 ha này đã hết diện tích sử dụng.
Nghĩa trang Yên Trung (huyện Thạch Thất, TP Hà Nội) sẽ được xây dựng mới để phục vụ nhu cầu an táng cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước; các anh hùng, danh nhân của đất nước.
Nghĩa trang Yên Trung nằm dưới chân núi Ba Vì, cách trung tâm Hà Nội 40 km về phía tây. Phía bắc và phía tây giáp Vườn quốc gia Ba Vì; phía đông giáp đồi núi và đường cao tốc Hoà Lạc - Hoà Bình; phía nam giáp đồi núi và khu dân cư.
Tổng diện tích nghĩa trang là 120 ha, gồm khu an táng 72 ha và khu đệm cây xanh cảnh quan trên 47 ha. Nghĩa trang Yên Trung sẽ có 2.200 - 2.500 ngôi mộ; mỗi ngôi có khuôn viên 25 - 35m2. Khu vực cảnh quan có sức chứa 5.000 người.
Thời gian thực hiện dự án khoảng 36 tháng, trong đó, giai đoạn một xây dựng đường kết nối, khu dịch vụ, nghỉ lễ, khu tưởng niệm và an táng. Các khu còn lại sẽ được đầu tư khi có nhu cầu.
Nguồn vốn dự kiến hơn 1.400 tỷ đồng sẽ lấy từ ngân sách nhà nước. Dự án cũng xác định khu tái định cư rộng 9,38 ha, đáp ứng chỗ ở cho 105 hộ thuộc diện di dời.