Dân Việt

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Lãnh đạo T.Ư không chúc Tết địa phương

Lương Kết 02/02/2018 19:25 GMT+7
“Thủ tướng yêu cầu việc tổ chức đón Tết Nguyên đán cần thực hiện tiết kiệm, không được để diễn ra việc cấp dưới lợi dụng đi chúc Tết cấp trên, cấp trên không được lợi dụng để bắt cấp dưới đến chúc Tết”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói.

Chiều tối 2.2, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ. Tại buổi họp báo, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, người phát ngôn của Chính phủ đã thông tin một số nội dung liên quan đến cuộc họp thường kỳ tháng 1.2018 của Chính phủ.

img

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng.

Liên quan đến vấn đề tổ chức đón Tết Nguyên đán Mậu Tuất, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết: Tại cuộc họp Thủ tướng đã yêu cầu lãnh đạo các bộ ngành Trung ương không tổ chức đi chúc Tết địa phương. Chỉ tổ chức đi thăm hỏi lực lượng vũ trang, những người dân có hoàn cảnh khó khăn. “Thủ tướng yêu cầu việc tổ chức đón Tết Nguyên đán phải tiết kiệm, không được để diễn ra việc cấp dưới lợi dụng đi chúc Tết cấp trên, cấp trên lợi dụng để bắt cấp dưới chúc Tết. Không dùng xe công, ngân sách vào việc đón Tết”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.

Vẫn theo người phát ngôn Chính phủ, tại cuộc họp Thủ tướng cũng nhắc nhở để chấn chỉnh các lễ hội đầu Xuân được dư luận quan tâm. Trong dịp Tết các bộ ngành, địa phương cần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội đảm bảo cho mọi người dân có Tết. “Thủ tướng đặc biệt chú ý đến việc bố trí Tết cho đội ngũ công nhân ở khu công nghiệp làm sao ấm áp, đầm ấm, việc chuẩn bị phương tiện cho công nhân về quê đón Tết”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng.

Theo người phát ngôn Chính phủ, tại cuộc họp Thủ tướng cũng chỉ đạo trong dịp Tết Nguyên đán cần đảm bảo an ninh trật tự, lực lượng Công an đẩy mạnh tấn công trấn áp tội phạm, nhất là tội phạm có vũ khí nóng, ngăn chặn tình trạng cờ bạc…

Liên quan đến vấn đề quản lý lễ hội dịp đầu năm, trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, do năm 2017, vấn đề lễ hội có nhiều việc gây bức xúc nên ngay từ đầu năm 2018, Bộ đã có văn bản chỉ đạo các địa phương kịp thời chấn chỉnh các vấn đề liên quan.

"Ngoài các vấn đề thường xuyên của lễ hội như an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, quản lý đổi tiền lẻ, người ăn xin, ăn mày, an toàn giao thông... thì năm nay, Bộ đã chỉ đạo các địa phương có vấn đề nổi cộm trong lễ hội năm 2017 phải có giải pháp triệt để giải quyết các vấn đề đó.

Ngay sáng nay, Bộ cũng đã tổ chức một hội nghị và yêu cầu các địa phương báo cáo, đề xuất giải pháp cũng như cam kết giải quyết vấn đề nổi cộm. Bộ yêu cầu Hà Nội, các tỉnh như Yên Bái, Tuyên Quang, Nam Định, Bắc Ninh... phải có cam kết trực tiếp với Bộ để giải quyết những vấn đề nổi cộm đã được nêu trong dịp lễ hội 2017.

Trong năm nay, Bộ cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra, thanh tra để kịp thời nắm bắt, xử lý kịp thời các vấn đề, không để phát sinh những vấn đề nổi cộm trong lễ hội", bà Thủy nói.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong năm nay, Bộ đang xây dựng Nghị định về công tác quản lý lễ hội và sẽ sớm trình Chính phủ.