Tìm gặp chú Nguyễn Văn Năm (55 tuổi) người đã hơn 40 năm gắn bó với nghề rèn trong một ngày cuối năm Đinh Dậu, hơi ấm của lò rèn như xua tan cái giá lạnh khắc nghiệt tràn về. Bên ánh lửa bập bùng, chú Năm đang rèn chiếc dao quắm, loại dao phổ biến mà người dân quê tôi hay dùng để lên rẫy phát cỏ. Dù đã ngoài 50 nhưng đôi tay ấy vẫn nhanh nhẹn, dẻo dai lạ thường, chú vung búa lên rồi nện xuống đe chính xác, mạnh mẽ, cứ thế lặp lại hàng chục lần mới nghỉ tay. Đối với người đàn ông đó, tiếng quai búa vang rền, tiếng máy mài réo inh đã trở nên quen thuộc, đều đặn trong cuộc sống thường ngày.
Chú Năm đã theo nghề rèn từ năm 14-15 tuổi.
Chú Năm chia sẻ, nghề rèn vất lắm, giờ chẳng còn mấy ai theo nghề này nữa. Chú đã theo nghề này từ năm 14-15 tuổi. Khi được hỏi về gốc tích theo nghề, mặt chú trầm tư: “Đói quá, khổ quá nhìn người ta làm rồi học làm theo thôi”.
Khách hàng chủ yếu đến "hiệu" chú Năm lò rèn là nông dân, công nhân xây dựng.
Năm 1984, chú tham gia nhập ngũ với nhiệm vụ sản xuất nông cụ phục vụ cho sinh hoạt, lao động của bộ đội. Qua 3 năm lao động trong quân ngũ, năm 1987 chú trở về quê hương sau đó tham gia HTX rèn Đồng Tiến. Sau này khi HTX giải thể chú về nhà mở lò rèn và tiếp tục gắn bó với nghề rèn cho tới nay.
Sức khỏe đã kém nên chú không còn rèn được nhiều như thời trai trẻ nữa.
Chú năm cho biết: Để rèn được một sản phẩm phải trải qua nhiều công đoạn mà chủ yếu là làm thủ công nên rất cực. Người không biết rèn thì có đánh mãi cũng không thể biến thanh nhíp từ dày thành mỏng. Thợ rèn ngoài sức khỏe, chăm chỉ thì phải có tố chất và đam mê mới có thể theo nghề lâu dài. Nhiều người phải mất vài năm mới thành thạo nhưng có người trẻ tuổi chịu khó học hỏi, yêu nghề và có một chút năng khiếu thì có thể tự đứng riêng lò.
Nghề rèn cần sức khỏe, sự tỉ mỉ và kiên trì cao.
Theo chú Năm, công đoạn khó nhất trong nghề rèn là tạo phôi và tôi sản phẩm. Miếng nhíp sau khi nung đỏ, dùng búa đập mỏng để tạo phôi thì phải bỏ vào tôi cho cứng lại. Đây là công đoạn quan trọng nhất. Người thợ phải tôi vừa lửa bởi nếu tôi non sẽ không đủ cứng, tôi già sẽ bị giòn. Kì công là vậy nhưng mỗi vật dụng nhà chú rèn có giá chỉ từ 100.000 - 200.000 đồng tiền công tùy loại.
So với dao sản xuất công nghiệp, giá bán dao nhà chú đắt hơn nhưng lại bền và sắc hơn. Nhiều khách hàng quen của “hiệu” chú Năm lò rèn cho biết dao làm tại đây nhẹ, lưỡi sắc mà bền, dùng lâu dao bị sứt mẻ thì lại mang cho chú tôi lại. Hiện lò rèn nhà chú Năm có thêm 2 công nhân phụ việc, hàng tháng thu nhập từ 4-5 triệu đồng. “Vất vả chút nhưng là của mình, không phải đi làm thuê cho người khác”, chú Năm vui vẻ.
Những vật dụng được rèn tại "cửu hiệu'"chú Năm đều nhẹ, bền và rất sắc.
Trong thập niên 70, 80 thế kỷ trước, rèn là nghề quan trọng, khắp phố huyện bấy giờ đều có tiếng quai búa. Tuy nhiên, hiện nay dọc các con phố chỉ vang tiếng khoan cắt nhôm, sắt, i-nox, nghề rèn đã mai một. Khi được hỏi đã bao giờ chú nghĩ sẽ bỏ nghề không, chú Năm đáp: "Bao giờ không làm được nữa thì mới thôi”.