Dân Việt

Tin thế giới: Cảnh báo sốc nếu Mỹ xoá sổ Triều Tiên

Duy Anh (Tổng hợp) 03/02/2018 19:30 GMT+7
Mỹ cũng không nên thừa nhận có thể "chiếm ưu thế" bằng cách sử dụng sức mạnh quân sự chống Triều Tiên. 

img

Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên luôn đưa ra những quan điểm cứng rắn với đối phương.


Mỹ ngày 2.2 đã cam kết sẽ xóa sổ chính quyền Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân vào Mỹ hoặc các đồng minh của Mỹ.

Bản đánh giá về tình hình hạt nhân dài 74 trang công bố trước đó cùng ngày cho biết, Mỹ sẽ không nhân nhượng và sẵn sang xoá sổ Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng tấn công hạt nhân. Lần đầu tiên kể từ năm 2010, văn kiện này sẽ công bố chính sách hạt nhân của Mỹ và ngân sách liên quan dự kiến cho 5-10 năm tiếp theo. 

Theo Yonhap, Mỹ nhấn mạnh rănhf, chiến lược răn đe đối với Triều Tiên xác định rõ rằng bất cứ cuộc tấn công hạt nhân nào của Triều Tiên nhằm vào Mỹ hoặc các đồng minh và các đối tác của Mỹ là không thể chấp nhận được và sẽ dẫn đến hồi kết cho chính quyền này. Không có kịch bản nào mà chế độ của ông Kim Jong-un có thể sử dụng vũ khí hạt nhân và tồn tại. Tuyên bố này dựa trên giả thuyết rằng mục đích tối thượng của Triều Tiên là sự tồn tại của chế độ.

Tài liệu cho biết, giới chức Triều Tiên kiên quyết rằng họ sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân, và chỉ vài tháng nữa Triều Tiên có thể có khả năng tấn công Mỹ bằng các tên lửa đạn đạo trang bị hạt nhân. Những chương trình tên lửa và hạt nhân mở rộng của nước này cho thấy tiềm năng sử dụng hạt nhân trước tiên nhằm hỗ trợ cho các hoạt động tác chiến thông thường.

Trước đó, ngày 23.1, một báo cáo dẫn lời giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo cho biết chỉ "còn vài tháng nữa" Triều Tiên có khả năng tấn công Mỹ. Phát biểu trên chương trình "CBS This Morning" của đài CBS, ông Pompeo nói: "Chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đang tiếp tục mở rộng, phát triển, trở nên mạnh mẽ, có khả năng và chắc chắn hơn".

img

Những hình ảnh từ vệ tinh cho thấy Triều Tiên chưa ngừng các động thái thử hạt nhân.

Trong khi đó, Giáo sư về chính trị quốc tế Robert Jervis của Đại học Columbia cho rằng, dù trong một kịch bản chiến tranh giới hạn hoặc tổng lực, Mỹ cũng không nên thừa nhận có thể "chiếm ưu thế" bằng cách sử dụng sức mạnh quân sự chống Triều Tiên. 

Chuyên gia Jervis nhận định: "Thực tế Mỹ có năng lực quân sự và kinh tế lớn hơn Triều Tiên không có nghĩa Mỹ có thể chiếm ưu thế". Ông Jervis cho rằng việc sử dụng sức mạnh "hữu hạn", trong trường hợp xảy ra một "cuộc tấn công chảy máu mũi" và cuộc chiến tranh toàn diện sẽ gây ra "nhiều điều không chắc chắn". 

Bên cạnh đó, Giáo sư Jervis cũng nhận định rằng "có thể sẽ sai lầm" khi đơn thuần quy thất bại về các nỗ lực cho đến nay nhằm dừng chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng cho việc Mỹ thiếu sẵn sàng cứng rắn hơn đối với chế độ Triều Tiên. Ông cho rằng: "Chúng ta cũng phải xem xét đến sự sẵn sàng của Triều Tiên trong việc trả giá và liều lĩnh nhằm duy trì chương trình hạt nhân, điều mà Bình Nhưỡng có thể coi là then chốt”.

Giới chuyên gia cũng dự đoán về một cuộc xung đột quân sự Mỹ- Triều, nếu ở mức bình thường cũng có thể gây thương vong thảm khốc bởi Triều Tiên hiện bố trí hàng nghìn khẩu pháo dọc biên giới, trong số này, 1.000 khẩu có khả năng bắn tới những khu vực đông dân cư tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc với dân số lên tới 25 triệu người.