Dân Việt

Tổ ấm người Việt ở Australia

 Kim Nhũ 04/02/2018 08:05 GMT+7
Gặp gỡ định mệnh và kết hôn để về chung một nhà, cùng nhau xây dựng tổ ấm…chuyện tình của những người Việt xa xứ đã tạo nên những cái kết ngọt ngào…

img

Mina Tran và Robert Lrwin ngập tràn hạnh phúc trong ngày hôn lễ.

Đám cưới của Mina Tran và Robert Lrwin là sự hòa trộn giữa nền văn hóa Việt và Mỹ. Mina sinh ra và lớn lên tại Úc. Cô làm nghề dạy học, chú rể Robert là luật sư người Mỹ. Họ gặp nhau tình cờ trong một dịp nghỉ lễ của Mina trên đất Mỹ rồi nên vợ nên chồng.

Đám cưới của họ thực hiện được hầu hết các nghi thức của phong tục Việt: Ăn hỏi, rước dâu, thắp hương gia tiên, lễ dâng trà cho các bậc cao niên hai họ...Nghi thức nào cũng diễn ra một cách chuẩn chỉ mà những đám cưới trong nước cũng chưa chắc đã bằng. Nhìn Mina xinh đẹp, dịu dàng trong tà áo dài truyền thống, không ai ngờ đây là một đám cưới ở một đất nước cách xa Việt Nam tới cả chục giờ bay. Một khách Tây nhận xét: Tà áo dài Việt Nam có sức quyến rũ đến ma mị...Khi nhìn thấy cô dâu, ai cũng phải thốt lên trầm trồ.

img

Đón rước dâu là tục lệ của người Việt, nhưng thực hiện nó như thế nào thì hoàn toàn theo phong cách Mỹ. Trước khi vào được nhà để đón cô dâu, chú rể Robert phải đối mặt với rất nhiều thử thách do họ nhà gái đưa ra. Đội phù dâu làm khó chủ rể bằng cách: Yêu cầu chú rể phải ăn hết chùm nho được treo trên mái nhà, phải làm các quả bóng bay buộc quanh mình nổ mà không được dùng tay...Chưa hết, chú rể phải chuẩn bị một số phong bao với những đồng Dola có mệnh giá từ nhỏ đến lớn để “hối lộ”đội phù dâu, hầu mong qua được cửa ải. Rồi phút bất ngờ cũng tới, chiếc bì thư cuối cùng cũng được mở ra, và có thể ai đó nghĩ: Trong bì thư sẽ là những tờ Dola có mệnh giá cao nhất? Nhưng không! Đó là một bức thư tình đúng nghĩa. Nội dung của nó thì ai nghe được cũng phải rưng rưng dù chỉ vỏn vẹn: “Không gì có thể sánh bằng tình yêu của anh dành cho em” Cô dâu nghe chú rể đọc mà nước mắt chảy tràn vì xúc động.

Nguyễn Mỹ Linh quê Hải Phòng. Cô theo gia đình sang định cư ở Australia từ lúc mới 9 tuổi, nay đã tròn 17 năm. Vì vậy, những kí ức về quê hương, nguồn cội đối với cô rất mờ nhạt. Tuy nhiên, do được sống trong một đại gia đình từ ông bà ngoại đến mẹ và các anh chị em của mẹ đều giữ được nề nếp gia phong thuần Việt nên cô nói và viết tiếng Việt khá tốt.

img

Cô dâu Mỹ Linh và chú rể  Pauly.

Linh quen Pauly, người New Zealand nhưng lại là một chàng trai mang trong mình dòng máu của người Samoan nên có thể nói, anh là thổ dân chứ không phải người da trắng di cư từ châu Âu sang. Khách mời phân nửa là người Việt, còn lại là người New Zealand và người châu Âu. Đám cưới có bảng tên cho từng khách mời. Linh tâm sự: Nghi thức giới thiệu hai họ, cắt bánh cưới...thì đám cưới nào trên thế giới cũng làm. Tuy nhiên, cô là người Việt nên đã đưa thêm nội dung múa lân vào chương trình để chào mừng khách dự vì, kí ức về đội múa lân trong những đêm rằm trung thu ở quê hương còn rất đậm sâu trong tâm trí của cô. Hơn nữa, tiệc trong đám cưới Tây bao giờ cũng chỉ có 3 món: Món khai vị, món chính và món tráng miệng. Nhưng, vì khách mời có nhiều người Việt nên cô đã bổ sung một số món ăn quen thuộc với người Việt trên bàn tiệc cưới.

img

Đám cưới của họ thật sang trọng bởi màn bắn pháo hoa rực rỡ thực hiện trong 10 phút, nhưng không thiếu đi sự ấm cúng, gần gũi mà đôi trẻ muốn mang lại cho những người đến dự.

Nghĩ về các đám cưới ở trong nước và đám cưới ở đây, sao thấy nó khác nhau quá xa. Khác nhau từ nội dung cho tới hình thức. Tuy nhiên, sự khác nhau căn bản nhất chính là ở mục đích. Ở Việt Nam ta, liệu có mấy đám cưới mà không tính toán đến “lời, lỗ”? Còn ở đây, mục đích chính chỉ để chung vui, chia sẻ hạnh phúc.