Nhạc trưởng Lê Phi Phi - con trai nhạc sĩ Hoàng Vân đang sinh sống làm việc ở Macedonia cho biết: “Bố tôi qua đời vào sáng 4.2 trong lúc bố tôi ngủ. Đây là tin buồn của gia đình, tôi sẽ có mặt ở Việt Nam trong 2 ngày tới để lo chuyện cho bố".
Bàng hoàng trước hung tin nhạc sĩ Hoàng Vân vừa rời cõi tạm, Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha nói trong xúc động: “Tôi rất thương tiếc một tài năng lớn đã ra đi. Nhạc sĩ Hoàng Vân qua đời để lại một chỗ trống, mà chỗ trống ấy không ai có thể bù đắp được. Giống như sự ra đi của Phan Huỳnh Điểu, Hoàng Hiệp... và của nhiều nhạc sĩ tên tuổi của nền âm nhạc Cách mạng Việt Nam”.
Nhạc sĩ Hoàng Vân, tên thật là Lê Văn Ngọ, bút danh là Yna. Ông sinh ngày 24.7.1930 trong một gia đình trí thức nho học tại Hà Nội. 15 tuổi, Hoàng Vân đã có những tác phẩm đầu tiên. Cuộc đời, sự nghiệp của nhạc sĩ Hoàng Vân gắn liền với những biến động của lịch sử dân tộc, qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Năm 1954 với tác phẩm Hò kéo pháo, đã ghi tên tuổi của nhạc sĩ Hoàng Vân trong sự nghiệp âm nhạc nước nhà. Rồi hàng loạt những tác phẩm ghi đậm dấu ấn trong lòng công chúng yêu nhạc như: Tôi là người thợ lò, Nhớ (thơ Nguyễn Đình Thi), Bài thơ gửi Thái Nguyên... Sau này, những chuyến đi thực tế đã tạo cảm hứng thôi thúc ông viết nhiều và đang dạng ở mọi thể loại, đề tài và hình thức thể hiện như: Hai chị em, Nổi trống lên rừng núi ơi, Hà Nội - Huế - Sài Gòn, Người chiến sĩ ấy, Chào anh giải phóng quân – Chào mùa xuân đại thắng, Bài ca xây dựng, Quảng Bình quê ta ơi, Tình ca Tây Nguyên...
Bên cạnh sáng tác ca khúc ông còn viết nhiều tác phẩm khí nhạc như: Fugue cho piano, Tổ khúc cho hautboy và piano, Rhapsodie cho violon, độc tấu kèn basson, Hành khúc con voi, độc tấu flute “Vui được mùa”, “Hoa thơm bướm lượn”, âm nhạc cho vũ kịch “Chị Sứ”, Concerto cho piano và dàn nhạc, thơ giao hưởng số 1 “Thành đồng Tổ quốc”, concerto TS và tình yêu, Đại hợp xướng Điện Biên Phủ...
Ngoài ra, ông còn viết nhạc cho rất nhiều bộ phim truyện, phim tài liệu, phim hoạt hình, kịch nói, phối khí và còn là một nhạc sĩ của thiếu nhi, trong đó có những tác phẩm có tên trong danh sách 50 ca khúc thiếu nhi hay nhất thế kỷ 20 như: Mùa hoa phượng, Con chim vành khuyên, Em yêu trường em...
Nhạc sĩ Hoàng Vân cùng các cháu thiếu nhi: Ảnh Nguyễn Đình Toán
Đối với nhạc sĩ Hoàng Vân: âm nhạc là tất cả lẽ sống của cuộc đời. Cả cuộc đời ông luôn đi tìm, sáng tạo và thể nghiệm chưa khi nào ngơi nghỉ, ngay cả khi nằm trên giường bệnh.
Nói về cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Hoàng Vân, nhà lý luận phê bình âm nhạc, nhạc sĩ Thụy Kha khẳng định: Nhạc sĩ Hoàng Vân là một tài năng âm nhạc Việt Nam, trưởng thành trong quân ngũ từ thời kháng chiến chống Pháp. Trong chiến dịch Điện Biên, Hoàng Vân là người đã phát kiến đưa ra một điệu Hò độc đáo và lạ - đó là Hò Kéo pháo. Sau khi tu nghiệp ở nước ngoài trở về, nhạc sĩ Hoàng Vân sáng tác, làm việc rất “đa di năng”. Ông ấy vừa chỉ huy dàn nhạc, vừa phối khí cho dàn nhạc và sáng tác. Ông cũng là người Viết chữ Hán rất giỏi, viết chữ thảo đẹp lắm và ông thường viết tặng bạn bè. Trong văn phòng của tôi hiện có treo 4 câu thơ trong Kinh Thi mà nhạc sĩ Hoàng Vân viết tặng. Tất cả đóng góp của ông trong kháng chiến chống Mỹ cực kỳ rực rỡ, nó mang lại cho con người miền Bắc trong kháng chiến niềm tin đánh giặc, nhưng cũng mang lại cho họ khát vọng xây dựng tương lai.
Tất cả những tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Vân từ: Chào anh Giải phóng quân – Chào mùa xuân đại thắng đến Bài ca xây dựng như quyện vào nhau, đưa nhạc sĩ Hoàng Vân đến vị trí hết sức đặc biệt trong âm nhạc Việt Nam. Ông là người làm mới tất cả mọi cấu trúc, hòa thanh, hòa điệu và luôn tìm tòi, sáng tạo không ngừng nghỉ. Giải thưởng Hồ Chí Minh mà Đảng và Nhà nước trao tặng năm 2000, là phần thướng xứng đáng cho những đóng góp to lớn của nhạc sĩ Hoàng Vân vì sự nghiệp âm nhạc nước nhà”- nhạc sĩ Thụy Kha cho biết.