Dân Việt

Điểm yếu khiến Su-25 Nga không phát hiện được tên lửa phiến quân

Nguyễn Hoàng 06/02/2018 20:30 GMT+7
Chiếc cường kích Su-25 đời cũ không được trang bị tổ hợp Vitbska để có thể phát hiện và vô hiệu hóa tên lửa phòng không vác vai.

img

Hiện trường máy bay Su-25 bị bắn ở Idlib. Ảnh: Reuters.

"Radar của cường kích Su-25 Nga không thể phát hiện một cuộc tấn công bằng tên lửa phòng không vác vai (MANPAD) như Stinger hoặc Igla bởi chúng được trang bị đầu đạn tự dẫn thụ động", Sputnik ngày 4.2 dẫn tuyên bố của chuyên gia quân sự Konstantin Sivkov.

Theo Sivkov, đây là lý do phi công cường kích Su-25 Nga không thể phát hiện được mình đang bị tên lửa nhắm bắn để có các biện pháp phòng ngừa như phóng mồi bẫy và cơ động vòng tránh.

Máy bay Su-25 Nga bị các tay súng nổi dậy bắn rơi bằng MANPAD ở tỉnh Idlib, Syria hôm 3.2. Sau khi máy bay trúng tên lửa, phi công đã nhảy dù để thoát ra ngoài, nhưng sau đó thiệt mạng khi chiến đấu với phiến quân trên mặt đất.

Theo các chuyên gia quân sự, mẫu cường kích Nga gặp nạn là Su-25 đời cũ, không phải phiên bản Su-25SM3 được trang bị tổ hợp phòng thủ điện tử Vitbsk do Viện nghiên cứu Samara phát triển.

Vitbsk gồm một radar cảnh báo sớm, cụm cảm biến tử ngoại để phát hiện tên lửa tiếp cận (MAWS) và một thiết bị gây nhiễu mạnh, có thể gây nhiễu radar và làm mù tên lửa hồng ngoại. Vitbsk được thiết kế để bảo vệ cường kích Su-25SM3 khỏi nhiều mối đe dọa trên chiến trường, từ tên lửa vác vai FIM-92 Stinger cho đến tên lửa Patriot PAC-3 hiện đại. Sau sự cố này, Nga đã triển khai Su-25SM3 tới Syria.

Sivkov cho rằng sự chủ quan khi thực hiện nhiệm vụ trên vùng trời khu vực giảm xung đột, nơi Nga cho rằng phiến quân Syria không sở hữu các hệ thống phòng không hiện đại ngoại trừ một vài khẩu pháo cỡ nhỏ, cũng là lý do khiến phi công Nga gặp nạn.

Các mẫu MANPAD có tầm bắn tương đối thấp, chẳng hạn như tên lửa Igla chỉ có tầm bắn tối đa 3 km. Việc trúng tên lửa cho thấy phi công cường kích Su-25 Nga đã chủ quan khi bay ở độ cao thấp để quan sát mục tiêu và thực hiện đòn không kích. Việc bay quá thấp cũng khiến phi công gần như không có thời gian để phản ứng khi bị bắn bằng tên lửa.

Khoảnh khắc phi công Nga nhảy dù khỏi máy bay bị bắn rơi ở Syria

Hiện vẫn chưa rõ phiến quân đã sử dụng hệ thống MANPAD nào để bắn hạ máy bay Nga. Đặc nhiệm Syria đang hoạt động tích cực ở khu vực này nhằm truy lùng nhóm phiến quân, đồng thời thu giữ tổ hợp MANPAD để xác định nguồn gốc của nó.

Các nghị sĩ Nga đang kêu gọi tổ chức cuộc điều tra kỹ lưỡng về xuất xứ của tên lửa, cho rằng nó có thể có xuất xứ từ phương Tây và được chuyển lậu sang Syria từ một nước láng giềng. Nghị sĩ Nga Frants Klintsevich hy vọng sẽ có bằng chứng thu được từ máy bay không người lái và thiết bị giám sát không gian trong khu vực.