Dân Việt

Ông Trần Đình Long trở thành tỷ phú USD

Nguyên Hằng 05/02/2018 11:06 GMT+7
Sự tăng trưởng ngoạn mục của Tập đoàn Hòa Phát năm 2017 đã đưa ông Trần Đình Long, Chủ tịch tập đoàn trở thành tỉ phú USD thứ 4 trên sàn chứng khoán VN.

Thanh Niên đã có cuộc trò chuyện với "Vua thép" ngay sau khi ông đạt thứ hạng này.

"Đi với Hòa Phát thì không phải lo"

Cảm xúc của ông thế nào khi được gọi là tỉ phú USD?

Về cá nhân thì tôi thấy cũng bình thường thôi. Nhưng ghi nhận giá trị tài sản của tôi cũng có nghĩa là ghi nhận giá trị tài sản của tập đoàn, tôi nghĩ cái này quan trọng hơn rất nhiều. Tôi vẫn nói với anh em trong tập đoàn, cái tự hào nhất là Hòa Phát đã đóng góp cho xã hội. Năm nay là năm chúng tôi nộp ngân sách nhà nước trên 5.000 tỉ đồng. Tất nhiên mình làm vì mình, vì gia đình, vì anh em trong tập đoàn nhưng thực sự thì chúng tôi tự hào khi thành quả của mình đóng góp cho xã hội ngày càng nhiều hơn.

img

Chiếm đa số trong top 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán VN nhiều năm qua là các doanh nhân bất động sản, nếu Hòa Phát cũng lấn sân sang lĩnh vực này không biết chừng ông đã trở thành tỉ phú USD lâu rồi. Có khi nào ông cảm thấy sốt ruột hay lung lay vì sự "chung thủy" với thép không?

Tôi rất thích câu "Đừng thấy người ta ăn khoai vác mai đi đào". Định hướng chiến lược của chúng tôi nhất quán, xuyên suốt trên cả con đường phát triển là trở thành một tập đoàn sản xuất công nghiệp hàng đầu VN. Trong tâm khảm, tôi cũng mê sản xuất hơn.

Nhưng thật lòng là cũng phải rất kiên định vì có nhiều thời điểm và ngay cả hiện tại, bất động sản cứ ngủ dậy là tăng gấp đôi, gấp 3, quá hấp dẫn. Nhưng thôi thì mỗi người một chí hướng...

Không biết có phải quy luật không nhưng tôi thấy con đường phát triển của hầu hết các tập đoàn lớn trên thế giới cũng như ở VN là đa ngành, liệu Hòa Phát có thể "kiên định" mãi với thép?

Đúng là các tập đoàn lớn sớm muộn gì cũng sẽ phát triển đa ngành. Hòa Phát cũng đã từng đa ngành nhưng trong quá trình đó chúng tôi tìm ra mũi nhọn là thép và tập trung vào đấy. Thế nhưng đã là quy luật thì không thể đi ngược được. Nếu Hòa Phát lớn nữa thì cũng không thể đi chệch con đường đó được. Tôi khẳng định như thế luôn. Tuy nhiên vì nguồn lực có hạn, quan điểm của Hòa Phát lại là không vay nhiều nên trong ngắn hạn chúng tôi vẫn chỉ tập trung vào thép. Thật ra Hòa Phát so với trong nước là lớn nhưng so với thế giới vẫn rất nhỏ. Chúng tôi đang phấn đấu năm 2020 nằm trong top 50 công ty thép lớn nhất thế giới với sản lượng dự kiến 8 triệu tấn/năm.

Có trở lại với bóng đá?

Đã từng sở hữu đội bóng từ cách đây hơn chục năm rồi giải thể, với sự hứng khởi từ U.23 VN vừa rồi, ông có kế hoạch trở lại đào tạo bóng đá?

Thời điểm này thì chưa nhưng vì là người ham mê bóng đá nên có thể đóng góp gì thì chúng tôi sẽ làm. Thực ra đến thời điểm này, toàn bộ "lứa" đầu của VFF như anh Đức (ông Đoàn Nguyên Đức), anh Thắng (Võ Quốc Thắng) đều nghỉ hết rồi, nhường cho thế hệ thứ hai.

Trong các môn thể thao ông mê gì nhất?

Bóng đá là số 1, tất nhiên rồi. Tôi vẫn thức đêm để xem giải ngoại hạng.

Vậy ông vẫn đá bóng chứ?

Không, giờ tôi chơi golf thôi, vì nó phù hợp với lứa tuổi. Giờ thì không thể chạy hùng hục được nữa rồi.

Tôi có thấy một số dự án bất động sản và khu công nghiệp trong chiến lược phát triển của Hòa Phát, có phải để chuẩn bị cho một Hòa Phát đa ngành đó không, thưa ông?

Tài sản người giàu trên sàn chứng khoán tăng gấp đôi Đó chỉ là những dự án tồn tại cũ, vì thủ tục giấy tờ bị chậm lại chúng tôi làm nốt thôi. Một câu nói nổi tiếng trong tập đoàn và cũng là nguyên tắc kinh doanh của tôi là "Đi với Hòa Phát thì không bao giờ phải lo". Dù thế nào thì việc đầu tiên là phải lo công ăn việc làm cho anh em, kể cả công ty đó lỗ tí cũng được nhưng đời sống của anh em phải được đảm bảo. Còn chủ trương là không mở rộng.

Nghe có vẻ hơi bảo thủ?

Tôi còn ngồi đây (chủ tịch HĐQT) thì còn như vậy. Tôi rất thích câu nói của Tổng thống Donald Trump "Nước Mỹ là trên hết". Thay vì nước Mỹ là trên hết thì "VN là trên hết", doanh nghiệp (DN) trong nước, người lao động trong nước, kinh tế trong nước là trên hết.

Cụ thể "VN là trên hết" với ngành thép là thế nào thưa ông?

Không phải riêng ngành thép mà với tất cả các ngành, mong mỏi lớn nhất của DN là chính sách ổn định. Điều này cực kỳ quan trọng. Thép là ngành có đặc thù đầu tư rất lớn nhưng vòng quay vốn rất chậm. Nếu chính sách thay đổi mà đang đầu tư giữa chừng là chết. Nên chúng tôi mong muốn chính sách về công nghiệp, môi trường, thuế, các khuyến khích đầu tư... phải ổn định để DN yên tâm đầu tư, yên tâm làm ăn.

"Nước Mỹ là trên hết" vì Mỹ có vai trò và vị trí lớn, quan trọng trên thị trường thế giới còn VN đang hội nhập, vai trò và vị trí của chúng ta rất khó để áp đặt cuộc chơi?

Tất nhiên, chúng ta đang hội nhập nên chính sách cũng phải phù hợp. Chính sách nước nào cũng thế thôi, phải bảo vệ ngành công nghiệp thép của nước mình vì đó là ngành công nghiệp xương sống và then chốt. Nhưng đó không phải là việc của chúng tôi. Đó là việc của các bộ, ngành khi xây dựng chính sách.

Thép sẽ vẫn phát triển tốt

Tôi nhớ năm ngoái ông có lo ngại và cảnh báo về việc dư thừa công suất của ngành thép Trung Quốc, thế giới và VN nhưng năm vừa rồi cả sản lượng, lợi nhuận của Hòa Phát đều lập kỷ lục, giúp tài sản của ông cán mốc 1 tỉ USD? Sự lo ngại của ông là "chiêu" hay có điều gì đã xảy ra với ngành thép?

Tôi không có "chiêu" gì cả (cười lớn) mà năm 2017 có 2 bất ngờ với ngành thép toàn thế giới và VN. Đó là sự thay đổi chính sách rất lớn của ngành thép từ cấp trung ương của Trung Quốc, dẫn đến thay đổi trong ngành thép thế giới. Thứ nhất là việc Trung Quốc đã kiên định đi theo con đường cắt giảm công suất dư thừa. Thứ hai là cắt giảm các nhà máy công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm bởi vì họ bị áp lực về vấn đề môi trường quá lớn. Mọi người đều có thể thấy, có những ngày không khí ở Bắc Kinh đen kịt lại. Họ đã đến cái điểm không thể thỏa hiệp về môi trường nữa rồi vì nó đã trở thành quá nặng nề.

Thực ra Trung Quốc đã có kế hoạch cắt giảm từ nhiều năm nay nhưng không thực hiện vì "thương" DN, thương người lao động, vì quyền lợi quá lớn của các địa phương. Năm 2017 là năm đầu tiên họ làm được. Họ có hẳn một bộ phận, gần giống như các đội "xung kích" để kiểm tra, phát hiện làm thép lậu, những dự án gây ô nhiễm môi trường. Thậm chí thưởng cho những phát hiện. Kết quả là họ đã giảm được khoảng 50.000 - 70.000 tấn thép các lò trung tần, những dự án thép lạc hậu. Cung thép giảm đi trong khi cầu lại tăng lên vì năm 2017 Trung Quốc cũng có một số giải pháp kích cầu để nền kinh tế không bị hạ cánh cứng dẫn đến nhu cầu xây dựng cơ bản tăng, nhu cầu thép tăng lên. Các yếu tố này đã tác động rất mạnh đến ngành thép vì Trung Quốc đang sản xuất hơn 50% tổng sản lượng toàn cầu. Nên mọi chính sách của nước này liên quan đến thép về giá cả, sản lượng sẽ ngay lập tức tác động đến thế giới. Nó làm cho nhận định về tương lai u ám năm vừa rồi của ngành thép không còn chính xác nữa.

Vậy năm nay và những năm tới, theo ông ngành thép sẽ thế nào?

Có nhiều yếu tố thuận lợi cho ngành thép sẽ tiếp tục phát triển tốt. Về khách quan, quan điểm "Nước Mỹ là trên hết" của Tổng thống Donald Trump đã và vẫn sẽ khiến kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục phát triển. Ở VN, Chính phủ đã và đang tạo rất nhiều điều kiện khiến cho không khí làm ăn, tinh thần của người dân, DN... tốt lên. Rồi chiến lược phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn khiến xây dựng cơ bản tăng lên... Thép là ngành "ăn theo" nên kinh tế tốt lên là thép tốt lên. Nhưng như tôi nói trên, riêng với ngành thép Trung Quốc là thế giới và ngược lại. Vì vậy một điều kiện cơ bản để ngành này phát triển tốt là chính phủ Trung Quốc tiếp tục kiên định với chính sách họ đang thực hiện.

Nhưng "nước Mỹ là trên hết" với chính sách thuế vừa mới ban hành của Tổng thống Donald Trump cũng đang khiến nhiều nước xuất khẩu vào Mỹ, trong đó có VN lo ngại về vấn đề đánh thuế chống bán phá giá mà thép được dự báo sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên, thưa ông?

Đó là ngành thép không cơ bản. Còn ngành thép cơ bản như Hòa Phát thì lại rất mừng. Ví dụ với mặt hàng tôn mạ màu, nếu nhập nguyên liệu từ Trung Quốc sẽ bị Mỹ đánh thuế 20% là hết cửa luôn. Nhưng nếu các DN tôn mạ màu của VN mua thép của Hòa Phát làm thì tránh được thuế đó và xuất khẩu bình thường vào Mỹ. Nên quyết định về áp thuế tạm thời và tới đây sẽ có kết luận điều tra cuối cùng mà áp thuế chính thức vô hình trung sẽ tạo điều kiện cho các DN đầu tư bài bản, sản xuất từ gốc. Cái này là rất tốt cho Hòa Phát chúng tôi.

img

Không điều hành, không nhận lương

Tại đại hội cổ đông năm 2016, nhiều cổ đông của Hòa Phát đã "choáng" vì mức lương khá cao của lãnh đạo tập đoàn, khi đó lợi nhuận của Hòa Phát là 3.504 tỉ đồng. Năm 2017 lợi nhuận của tập đoàn đã tăng hơn gấp đôi, lên tới 8.000 tỉ đồng, ông có thể tiết lộ mức lương của ông?

Từ khi công ty niêm yết, tôi không trực tiếp điều hành và không nhận lương. Đến giờ vẫn vậy. Còn về việc trả lương cao thì quan điểm của tôi rất rõ. Năm 2015 thù lao 35 tỉ cho ban điều hành năm 2015 nhưng chúng tôi làm ra 3.500 tỉ. Thời điểm đó hiếm có công ty nào vừa đầu tư, vừa rút ra cả nghìn tỉ để trả cổ tức như Hòa Phát. Đừng nhìn vào lương, hãy nhìn vào kết quả mà họ mang lại.

Không trực tiếp điều hành, ông làm gì mà bận đến mức "mặc cả" cả thời gian phỏng vấn?

Nói vậy thôi nhưng cũng rất nhiều việc. Chiến lược phát triển, các dự án, đào tạo lớp kế cận... đặc biệt là Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát ở Dung Quất (Quảng Ngãi) với vốn đầu tư 3 tỉ USD đang ở giai đoạn triển khai rất quyết liệt. Khu liên hợp nên có rất nhiều thứ chứ không chỉ thép. Nào là hạ tầng, giao thông... tất cả đều phải đọc, học, nghe, gặp gỡ, trao đổi. Một tháng tôi phải bay vào đó ít nhất 2 lần. Chúng tôi là DN tư nhân, cầm đồng vốn của cổ đông nên lao vào làm ngày làm đêm. Mình phải "lăn" vào với anh em chứ. Chúng tôi cũng đang kết hợp với một số tập đoàn của Ý nghiên cứu sản xuất thép không gỉ. Đây là thép kỹ thuật cao nên rất khó và nếu làm thì Hòa Phát là tập đoàn đầu tiên của VN sản xuất thép không gỉ. Nói thật, tại thời điểm này, tôi có muốn đi đâu một vài ngày cũng rất khó.

Ông Trần Đình Long sinh năm 1961 tại Hải Dương. Ông tốt nghiệp cử nhân kinh tế Đại học Kinh tế quốc dân vào năm 1986. Từ năm 1992 - 1996: Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH thiết bị phụ tùng Hòa Phát. 1996 - 2005: Chủ tịch HĐQT các công ty thuộc nhóm Hòa Phát. Hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát.

Ông Trần Đình Long là người ít xuất hiện trên truyền thông. Ông được nhắc đến nhiều nhất sau sự kiện mua sắm máy bay 6 chỗ trị giá khoảng 5 triệu USD vào năm 2010. Sau hơn một năm sử dụng ông Long tiếp tục tậu thêm cho mình chiếc trực thăng 12 chỗ ngồi nhưng đến giờ ông đã bán hết với lý do ít sử dụng. Năm 2016, ông Long xếp thứ 3 trong bảng xếp hạng 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán. Năm 2017, cổ phiếu Hòa Phát tăng trưởng mạnh, đưa tài sản trên sàn của ông chủ Trần Đình Long vượt mốc 1,1 tỉ USD và trở thành tỉ phú USD thứ 4 trên sàn chứng khoán VN.