Nhà chồng tôi rất đông con cháu, mười ba đứa cháu cả thảy. Ngoài cái chuyện vui cửa vui nhà thì Tết đến đó còn là nỗi vất vả của vợ chồng tôi khi phải lo chuyện mừng tuổi. Lương của chúng tôi, cả hai vợ chồng mới vẻn vẹn hơn 10 triệu.
Mà Tết nhất thì đủ thứ phải chi tiêu, hết biếu bên nội lại biếu bên ngoại, hết đi sếp vợ lại đi sếp chồng, hết đào quất lại bánh chưng, hết lợn gà lại măng miến hoa quả, ôi thôi đủ thứ trên đời phải chi tiêu cho cái Tết mà quỹ chi tiêu cũng chỉ có ngần ấy. Của đáng tội, thưởng tết của cả hai vợ chồng có dăm triệu bạc thì đã sắm sửa quần áo, giầy dép cho hai đứa con, chồng thêm cái áo mới, vợ nhuộm lại màu tóc là cũng hết tiền.
Lì xì là phong tục tốt đẹp nhằm cầu may mắn, chúc phúc cho trẻ nhỏ, người già (Ảnh minh họa: IT)
Chính vì thế, khoản mừng tuổi cho các cháu xa, cháu gần, cháu bên nội cháu bên ngoại cũng là việc mà hai vợ chồng đưa lên đặt xuống trong mỗi lần bàn bạc chi tiêu. Chúng tôi quyết định mừng tuổi các cháu trong nhà mỗi đứa 100 nghìn, các cháu họ hàng 50 nghìn và các cháu xa là 20- 30 nghìn tùy từng trường hợp có thể linh hoạt. Như thế, đối với việc mừng tuổi một dòng họ ở quê là đã chiếm kha khá số tiền, tính ra đã mấy triệu bạc. Vả lại trong gia đình tôi, các chị em chồng đi buôn bán kinh tế có khấm khá hơn nhà tôi cũng chỉ chi như thế.
Yên tâm với mức mừng tuổi tuy không nhiều nhưng không ít so với đời sống ở quê, ngày tết, tôi lựa những chiếc lì xì xinh xắn rồi cho tiền mừng tuổi vào mỗi bao, không quên lựa những đồng tiền mới, đẹp phẳng phiu để các cháu lấy may và thích thú.
Sớm mùng 1 Tết, sau khi cả nhà vui vẻ gặp gỡ và chúc nhau những lời hay ý đẹp là phần mà mấy đứa trẻ háo hức nhất: mừng tuổi. Yên tâm với những chiếc bao lì xì rực rỡ đã chọn, tôi tới gần và đưa cho các cháu để chúc Tết, chúc đứa lớn thì sớm lấy chồng, đứa bé thì chăm ngoan học giỏi, đứa bé nữa thì hay ăn chóng lớn…
Thế là, khi vừa nhận bao lì xì trên tay tôi xong là chúng xúm xít vào bóc và xé. Nhưng lạ là không chỉ các cháu mà các chị chồng, em chồng tôi cũng rất quan tâm đến số tiền mừng tuổi của tôi dành cho các cháu. Dường như trong thâm tâm mọi người đều nghĩ, chúng tôi làm nhà nước thì dịp Tết lắm “lộc lá” nên chắc chắn sẽ lì xì các cháu xông xênh, mà mọi người đâu biết và hiểu cho vợ chồng tôi là cũng xoay sở đủ thứ với đồng lương eo hẹp, thưởng tết lèo tèo.
Nụ cười trên gương mặt tôi chưa kịp rạng rỡ khi thấy bọn nhóc háo hức xem tiền mừng tuổi, thì bỗng tắt lịm khi tôi thấy chị cả và cô em chồng hơi nghiêng đầu ngó vào cái lì xì của bọn trẻ vừa xé, và khi thấy chúng lôi ra tờ 100 nghìn thì cả hai đều thở dài, vẻ mặt đầy mai mỉa, châm biếm.
Thoáng tai tôi nghe thấy tiếng cô em chồng đang ghé tai chị chồng to nhỏ: “Úi giời, tưởng gì ghê ghớm, cũng chỉ như đứa đi buôn rau như mình thôi”. Tiếng nói nhỏ, nhưng đủ cho tôi nghe thấy và đủ làm cho tôi đau đáu, ngại ngùng.
Canh cua để cả con, nồi cơm cháy đen sì… sản phẩm của cô gái vụng về khiến người xem “cười ra nước mắt”.