“Vua chuối” và công nghệ tưới tiền tỷ
Sau hơn nửa năm tham gia chuyến xuất ngoại sang xứ Kim chi học làm nông nghiệp công nghệ cao đến thời điểm này cuộc sống, công việc của nhiều nông dân Việt Nam xuất sắc đã có nhiều thay đổi tích cực. Điển hình như anh Phạm Năng Thành, người được mệnh danh là “vua chuối” đất Bắc. Sau chuyến đi Hàn Quốc trở về, anh Thành đã không ngừng tìm tòi, cải tiến công nghệ, quy trình sản xuất chuối sạch, mới đây, “vua chuối Phạm Năng Thành” đã mạnh dạn áp dụng đưa công nghệ tưới tiết kiệm trị giá gần chục tỷ đồng vào trồng và chăm sóc chuối tại các khu vườn trồng chuối của đơn vị mình.
Công nhân sơ chế đóng gói chuối xuất khẩu tại Công ty TNHH Thuận Tâm Thành của anh Thành
ở Khoái Châu (Hưng Yên). Ảnh: T.Q
Hiện, Công ty TNHH Thuận Tâm Thành đã mở rộng quy mô trồng chuối ra 6 tỉnh thành với diện tích lên đến 250ha, trong đó sản phẩm chính là chuối tiêu hồng. Do áp dụng quy trình trồng chuối sạch công nghệ cao nên sản phẩm chuối 3T của anh Thành luôn bán được giá tốt. Thông thường, với loại chuối xấu mã trên thị trường chỉ có giá 5.000 - 6.000 đồng/kg, nhưng chuối 3T loại 3 của anh Thành bán được 8.000 đồng/kg. Chuối loại 1, 2 chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, được thị trường Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc ưa chuộng.
“Vua chuối miền Bắc” Phạm Năng Thành khoe sản phẩm chuối của gia đình bên một siêu thị bày bán nông sản tại Hàn Quốc. Ảnh: Trần Quang
“Trung bình, mỗi năm công ty tiêu thụ 1.500 tấn chuối tại thị trường trong nước như tại các siêu thị lớn như BigC, Vinmart, một số cửa hàng bán nông sản an toàn, các khu công nghiệp lớn. Bên cạnh đó, đơn vị của tôi còn xuất khẩu 1.500 tấn chuối sang thị trường chính là Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, một số nước Trung Đông” - anh Thành tiết lộ.
Diễn giả “bất đắc dĩ”
Bên cạnh các công việc làm ăn thay đổi theo hướng tích cực, cuộc sống, sinh hoạt của các nông dân xuất sắc sau chuyến đi học tập ở Hàn Quốc trở về cũng có nhiều xáo trộn, nhiều nông dân đã trở thành diễn giả “bất đắc dĩ”.
Sau hơn 6 tháng xuất ngoại trở về, ông Trần Quang Hiên, nông dân Việt Nam xuất sắc ở Cà Mau luôn là tâm điểm của các câu chuyện, các buổi liên hoan. “Từ hôm về đến giờ, tôi liên tục được mọi người mời lên phát biểu, chia sẻ các kiến thức về con người, văn hóa, sản xuất nông nghiệp ở Hàn Quốc. Có hôm đi ngủ còn có người gọi điện chức mừng và hỏi chuyện khiến tôi bị xoay như chong chóng” - ông Hiên chia sẻ.
Ngoài việc chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức làm giàu về đất nước Hàn Quốc, hai vợ chồng ông Hiên cũng tích cực áp dụng các kiến thức mà mình học được vào công nghệ chăn nuôi tôm tại trang trại của gia đình. “Hiện, con tôm nước ta đang được người tiêu dùng Hàn Quốc rất thích và ăn nhiều. Tuy nhiên để xuất khẩu được thuận lợi và bền vững hơn, vừa làm vợ chồng tôi cũng sẽ động viên bà con cùng làm sản phẩm tôm an toàn, không kháng sinh” - ông Hiên nói.
Các thành viên của đoàn học tập kinh nghiệm sản xuất tại các trang trại của Hàn Quốc. Ảnh: T.Q
Cũng là thành viên trong đoàn nông dân sang Hàn Quốc học tập, đến giờ cuộc sống của ông Cao Xuân Lãng, nông dân Việt Nam xuất sắc ở Bắc Kạn cũng có nhiều thay đổi. Ông Lãng cho biết, sau khi về nước đến thời điểm nay, ông đã nhận được rất nhiều lời mời làm diễn giả tại các lớp học, hội thảo nhưng do điều kiện công việc làm ăn, ông mới chỉ nhận lời tham gia chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm sản xuất tại gần chục lớp dạy nghề cho nông dân tại các xã, huyện trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
“Tôi thấy rất hạnh phúc và tự hào vì được mang kiến thức, kinh nghiệm sản xuất hiện đại mà mình học được bên Hàn Quốc để chia sẻ cho bà con, qua đó vừa là để đông viên mọi người thay đổi thói quen sản xuất cũ và vừa để khích lệ người dân phấn đấu thi đua sản xuất giỏi để có cơ hội xuất ngoại như tôi” - ông Lãng nói.
Dù rất tự hào vì mình đã nổi tiếng sau chuyến xuất ngoại, song theo ông Lãng, cái mà ông thấy tâm đắc hơn cả là bản thân ông đã đưa được kiến thức mà mình học được về áp dụng vào công việc sản xuất của gia đình và HTX của mình.
“Ngay sau khi về, tôi đã cùng con trai của mình là Cao Mạnh Hà (hiện là Giám đốc HTX Đại Hà) triệu tập các thành viên trong đơn vị để họp và đưa ra biện pháp nhằm cải tổ lại bộ máy và thay đổi thói quen sản xuất, kinh doanh. Đến giờ chúng tôi đã phấn đấu hoàn thiện được 2 chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với sản phẩm cam, quýt, 2 sản phẩm chủ lực của HTX Đại Hà. Qua đó khẳng định được thương hiệu, chất lượng sản phẩm với người tiêu dùng cả nước” - ông Lãng nhớ lại.
Ông Lãng cho hay: Hiện, HTX của chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu để áp dụng thêm kênh phân phối nông sản của Hàn Quốc đầu tiên là từ các trang trại, sau đó là các trung tâm sơ chế nông sản do các hợp tác xã đứng ra tổ chức.
“Dần dần chúng tôi sẽ hình thành Trung tâm sơ chế phân loại nông sản, đóng gói tại các thùng theo tiêu chuẩn nhất định. Sau đó có 2 kênh phân phối là chợ bán buôn và trung tâm phân phối nông sản của HTX. Những người mua sau đó đưa vào hệ thống siêu thị bán lẻ, hoặc các nơi chế biến thực phẩm… các kênh phân phối nông sản HTX đi từ các bên có nhu cầu như siêu thị, khách hàng lớn đơn hàng lớn và họ đặt hàng ngược trở lại các trang trại” - ông Lãng khẳng định.