Ông là vị TBT của Đảng ta trong cả 3 giai đoạn lịch sử với 3 tên gọi khác nhau của Đảng , rất đặc biệt. Đó lại là những lúc Cách mạng đang gặp vô vàn gian khó, đòi hỏi cần những người xuất chúng.
Ông Trường Chinh, tên thật là Đặng Xuân Khu (1907-1988), là người thuộc dòng tộc họ Trần của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.
Cố Tổng Bí thư Trường Chinh.Ảnh: T.L
1. Theo cuốn” Trường Chinh, Tiểu sử”, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật thì ông Trường Chinh thuộc đời thứ 11 của cụ Đặng Chính Pháp, người thuộc dòng tộc Đặng Trần Lâm (tức Trần Lâm) ở Chương Mỹ, Hà Nội. Tìm hiểu thêm thì được biết, cụ Đặng Trần Lâm là con trai của tiến sĩ Trần Văn Huy, cháu Trần Quốc Hiệu, (tức Hưng Trí Vương) là người con trai thứ tư của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.
2. Ông nội cố TBT Trường Chinh, cụ tiến sĩ Đặng Xuân Bảng (1828-1910), năm 28 tuổi đã đỗ đầu hàng Tam giáp tiến sĩ (1856) dù cụ chỉ học từ cha mà không được cắp sách đến trường . Cụ từng làm Bí thư Văn phòng nội các của Triều đình, làm Tri phủ ở vài địa phương thuộc Thanh Hoá, Tuyên Quang, làm Án sát tỉnh Quảng Yên, rồi thì Tuần phủ tỉnh Hưng Yên và Hải Dương. Nhà cụ là địa chỉ hy hữu của cả vùng Bắc kỳ xưa kia vì có thư viện gia đình, thư viện lớn nhất ở các vùng nông thôn. Thư viện mang tên Hy Long nổi tiếng. Đây cũng là lý do mà cụ xin cáo quan khi mới 51 tuổi để về quê nghiên cứu viết sách về sử học, văn học, thiên văn học, ngôn ngữ học , triết học và giáo dục học mà chưa nói đến mảng sáng tác thi ca cũng rất đặc biệt. 7 năm sau khi về quê, triều đình lại vận động, vậy là cụ ra làm quan Đốc học tỉnh Nam Định (chức như giám đốc Sở Giáo dục bây giờ).
3. Không chỉ ông nội của ông là người học rộng tài cao, làm quan lớn nhưng nổi tiếng sống thanh liêm, trung thực, ghét thói xiểm nịnh. Khi thấy những gì có lợi cho dân, cho nước thì dù khó mấy cũng tìm cách hiến kế để được thi hành mà đến thân phụ của ông Trường Chinh cũng vẫn giữ nếp nhà như thế. Cụ Đặng Xuân Viện (1880-1958) cũng rất thông thái. Cụ từng viết nhiều sách, báo và để lại cho đời nhiều tác phẩm dù cụ không đỗ đạt cao.
Gia đình cụ Đặng Xuân Viện là mẫu gia đình gia phong nền nếp, nhân hậu, có truyền thống giáo dục, học hành và sống có lỷ cương, phép tắc. Cụ ủng hộ con trai là ông Đặng Xuân Khu tiếp xúc với tư tưởng của Chủ nghĩa Mác nhằm giải phóng nhân loại khỏi bị áp bức bóc lột.
Cố Tổng Bí thư Trường Chinh trong lần về thăm quê nhà năm 1981. Ảnh: T.L
4. Vì thế, gia đình ông Trường Chinh chính là môi trường tốt lành góp phần xây dựng nên nhân cách và trí tuệ cho chàng trai Đặng Xuân Khu có được một chí khí hơn người sau này khi được tiếp cận với không khí học thuật của gia đình. Lúc nhỏ, được cha dạy chữ Nho nên ông Trường Chinh cũng đã ít nhiều làm quen với “Tứ thư Ngũ kinh”. Ông thuộc thơ Đường, thơ Tống rồi mới đến với chữ quốc ngữ, đến với trường Cao đẳng Thương mại của Pháp được dạy chủ yếu bằng tiếng Pháp.
Nhân cách ấy, ngay từ thời thơ ấu đã dần dần hun đúc nên một con người yêu nước nồng nàn. Tham gia cách mạng, ông trung thành tuyệt đối trước tổ chức Đảng, hết lòng phụng sự Tổ quốc và phụng sự nhân dân .
5. Anh em ruột của ông Trường Chinh có 12 người. Ít ai có thể hình dung nổi trong nội tộc của ông, với tư cách là anh cả trong gia đình, lại có chức cao trong xã hội nhưng không một ai được nhờ anh mình để cầu vinh, thăng tiến. Thậm chí , trong thời kỳ cải cách ruộng đất trước 1954, một người em trai ông là Đặng Xuân Quát còn bị đưa ra đấu tố ở làng vì bị quy là địa chủ mặc dù thân mẫu của ông ( bà hai của cụ Viện) là người rất yêu nước, bảo vệ ông Trường Chinh thoát khỏi sự truy lùng của địch. Mãi sau đó ông Quát mới được minh oan.
Năm ông Trường Chinh sắp rời cương vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, bà Đặng Thị Uẩn, người em gái gần gũi với ông nhất nhà mới được duy nhất một lần cho đi cùng chuyến máy bay vào miền Nam thăm họ hàng. Đó cũng là do ông biết em mình quá nghèo, lận đận theo cách mạng cả đời mà không có tiền đi xa. Bà Uẩn nghèo đến mức ở chi bộ bà sinh hoạt đảng lúc nghỉ hưu ở khu tập thể Thành Công, Hà Nội, cả chi bộ đó không một ai nghĩ rằng bà lại là em gái Chủ tịch nước Trường Chinh. Họ ngỡ ngàng vì ngày ngày vẫn thấy bà lão tuổi đã ngoài bảy mươi gõ cửa nhà họ xin nước gạo về nuôi lợn...
Nền nếp gia phong và nguồn gốc thánh hiền là những nét rất đáng trân trọng và đáng quý để tạo nên một nhân cách lớn như cố TBT Trường Chinh, cả một đời vì dân vì nước, sống thanh bạch, liêm chính thật đáng nể trọng. Ông xứng đáng là một nhà lãnh đạo kiệt suất của Đảng và dân tộc Việt Nam.