Dân Việt

Đường về nhà

Tản văn: Đỗ Bích Thúy 15/02/2018 06:53 GMT+7
Nhà là gì? Là nơi cất giữ trái tim và tâm hồn mỗi người. Hẳn là thế rồi, nhất là khi vì lý do nào đó, vì những khúc ngoặt của cuộc đời, mà từng người, từng người một phải rời xa nó.

Tôi rất thích cụm từ này. Đặc biệt thích.

Nhà là gì? Là nơi cất giữ trái tim và tâm hồn mỗi người. Hẳn là thế rồi, nhất là khi vì lý do nào đó, vì những khúc ngoặt của cuộc đời, mà từng người, từng người một phải rời xa nó.

Khi bắt đầu để lại sau lưng cái thung lũng xanh biếc với dòng nước rí rách chảy như đã triệu năm, tôi đã biết, cho đến tận những ngày cuối cùng trên con đường phía trước, trong sâu thẳm, mình sẽ luôn đau đáu hai từ “về nhà”. Và mỗi khi trở về, gần đến khúc quanh, xe vẫn chạy, tôi chỉ ước tốc độ xe giảm xuống 5km/h. Chậm, thật chậm, để có thể hít vào ngực trọn vẹn mùi của cỏ cây, hơi của nước, khói của những mái bếp lợp cọ, hít vào toàn bộ những ngọt ngào của ký ức vừa thật xa xôi vừa vô cùng gần gũi…

img

Điều này tôi chưa hề nói với Hoàng A Sáng, trong suốt những cuộc café lươn khươn không màng ngày tháng. Thế mà lúc này, tôi lại nhìn thấy ở Sáng, trọn vẹn trái tim và tâm hồn u buồn, thiết tha và phóng khoáng của một người miền núi, ngay giữa một đô thị toàn người là người, toàn đường là đường, toàn xe là xe. Và có lẽ, tất cả những người - miền - núi như tôi, như Hoàng A Sáng, đều luôn muốn trở về. Luôn muốn tìm lý do nào đó, căn cớ nào đó, duyên phận nào đó, để trở về. Chúng tôi, đôi khi cảm thấy mình giống như một bụi cây với những sợi rễ rất dài, dài vô cùng tận, và cho dù bị nhổ khỏi mảnh đất mà mình đã nảy mầm thì những sợi rễ ấy vẫn cứ nối mãi với đất mẹ, với những mạch nước ngầm chảy li ti bên dưới, với ánh nắng từ trên trời cao rót xuống, với ngọn gió từ trong khe núi thổi ra.

Hoàng A Sáng là một người đàn ông Tày, với tâm hồn của một nghệ sĩ, khi được nhúng vào đời sống đô thị, lẽ thường, bằng vào sự thích nghi để tồn tại, con người ta dễ mai một cái phần tâm hồn cha sinh mẹ đẻ đi, thay vào đó là những cảm xúc rộn ràng nơi vùng đất mới. Nhưng A Sáng chẳng mai một gì hết. Còn nguyên đó một người đàn ông xù xì, thô mộc, thẳng thắn nhưng lại dung chứa một trái tim mẫn cảm, tinh tế, đôi khi yếu mềm. Cái sự có thể gọi là mâu thuẫn ấy càng lúc càng bộc lộ rõ nét trong tranh A Sáng. Những đường nét vừa mềm mại vừa quyết liệt, khi lạnh lẽo u sầu khi rực rỡ đào hoa. Tôi thường nghĩ, ngắm một bức tranh giống như đọc một bài thơ. Đừng bao giờ cố lý giải nó chứa đựng nội dung gì. Hội hoạ có lẽ là thứ nghệ thuật duy nhất không cần đến một thứ ngôn ngữ cụ thể nào. Đứng trước một bức tranh, cho dù bạn thuộc dân tộc nào, bạn nói thứ tiếng gì, bạn nằm ở giai tầng thấp hay cao trong xã hội... cũng có thể cảm thấy vẻ đẹp của nó, hoàn toàn không cần chuyển ngữ, không cần phiên dịch, không cần phụ đề.

“Đường về nhà” của A Sáng, mảnh khảnh, buồn bã, tĩnh lặng, và cô đơn. Màu vàng của ánh trăng, tôi nghĩ thế (mặc dù A Sáng nói đó là ánh mặt trời), hơi lạnh lạnh, khía những vết xước vào hồn vía đứa con xa nhà. Một người một ngựa, lặng lẽ trước sau, cắm cúi. Ngôi nhà ở phía cuối đường. Một ngôi nhà cũ. Cũ kỹ như cuộc đời của một con người đã trải qua bao dâu bể thăng trầm trồi sụt. Nhưng nó là điểm đến cuối cùng, điểm đến của mọi thân phận, của mọi linh hồn.

Làng của người Tày thường nằm ở dưới chân núi, trong các thung lũng, sau lưng là rừng, trước mặt là cánh đồng. Người Tày trồng lúa nước là chính nên luôn chọn nơi ở gần sông suối. Điều đáng kể nhất trong cách dựng nhà của người Tày, có lẽ là việc những cây cột gỗ được nối với nhau bằng những cái mộng khít như kẻ chỉ, và chúng hoàn toàn chỉ dựng trên mặt đất chứ không hề chôn xuống. Vậy mà những ngôi nhà ấy có thể tồn tại hàng nửa thế kỷ, thậm chí hàng thế kỉ trên những cái chân cao lênh khênh mà để đi lên sàn người ta phải bước qua chín bậc cầu thang. Trong nhà, gian giữa là bếp lửa. Bếp lửa giống trái tim của ngôi nhà, không bao giờ tắt. Kể cả khi đi làm đồng, làm nương thì cũng luôn có một khúc củi to, ngun ngún cháy cả ngày. Chiều về, chỉ cần cời tro ra, thổi khẽ một hơi, là than lại đỏ rực lên. Đối diện với bếp là ban thờ gia tiên. Một tấm phản to, dày, nguyên khối được kê ở phần chính diện, sát bếp, và vị trí này chỉ dành cho người đàn ông lớn tuổi nhất trong nhà. Chính là người duy nhất được ngồi quay lưng lại ban thờ. Còn tất cả đám đàn bà, trẻ con chỉ được ngồi ở ba phía còn lại. Mặc kệ là để sưởi ấm hay để bắc nồi lên lấy nồi xuống, xào nấu gì gì đi nữa.

Tôi muốn nói với A Sáng khi ngắm đến bần thần bức “Đường về nhà”, rằng những người miền núi chúng ta rồi sẽ về những ngôi nhà như thế, và yên ả ngồi trong nó, nhìn qua ô cửa, phía sau lưng là bếp lửa đang cháy, rất ấm áp, trên bếp lửa có một ấm nước đang sôi. Trên gác bếp, một tảng thịt mà mẹ chúng ta đã sấy từ rất lâu, ám đầy muội khói. Một bó mùi già. Một bó hoa của bụi hành. Một bó ngọn cải có đầy những quả bé xíu căng mẩy... Chúng ta sẽ pha một cốc trà thật nóng, ấp nó trong hai bàn tay gầy guộc lạnh giá, và phảng phất ngửi mùi khói bay lên từ cốc nước. Có một điều tôi chưa bao giờ lý giải nổi, đó là trong tất cả các loại nước từng uống trên đời, thứ nước tôi thích uống nhất là nước suối, đun trên bếp củi, trong những chiếc ấm đen thui mà tuổi đời của nó có thể nhiều hơn cả tuổi đời của mình. Nước ấy thật ngọt, và luôn có mùi khói.

Lâu lắm rồi không được ngửi mùi khói bếp. Ngọn khói màu xanh, nhẹ bẫng như tơ, quẩn trên mái lá cọ. Cái mái lá thật cũ, màu nâu thẫm, những búi cỏ đã mọc ở trên đó, mùa đông lụi đi, mùa xuân lại mọc lên. Ngọn khói len qua đầu hồi, vương vít mãi ở ngọn cây hồng nằm sát mái nhà, bị gió thổi cho loãng đi, tan đi. Nhưng cái mùi của khói thì quẩn mãi. Khói có mùi của những hạt ngô còn sót lại trên những lõi ngô khô bị đốt cháy, mùi của gộc củi gỗ dẻ, mùi của tinh dầu vỏ cam, mùi của vỏ cây sẹ bị tước dùng thay lạt, có cả mùi của lông chú mèo tam thể nằm sưởi, mải ngủ, lửa bén sém cả một khoảng...

Tôi luôn nghĩ rằng, thật là hạnh phúc khi chúng ta được sống một cuộc sống khoẻ mạnh về thể chất và giàu có về tâm hồn. Sự giàu có ấy đôi khi không phải do chúng ta nhọc nhằn kiếm tìm có được mà lại do chúng ta bắt gặp những vẻ đẹp lung linh từ chính sự nhọc nhằn của người khác. Tôi sẽ không bao giờ biết được để đi đến đoạn vẽ được những tranh khiến người ngắm nó cảm thấy bần thần, cảm thấy lòng dạ mình chùng xuống thật thấp, cảm thấy nhớ da diết một nơi mà mình đã tự nhổ mình đi... thì A Sáng đã phải hi sinh những gì. Ít nhất, ít nhất, như tôi hình dung, thì anh đã như tôi, chấp nhận một cuộc sống luôn khát thèm quay về, luôn nhớ nhung đến đau buồn cái nơi mà mình đã từng chân trần chạy nhảy lội suối leo rừng và từng ngày lớn lên trong vòng tay mẹ.

Đứng trước “Đường về nhà” -  một cảm giác cô đơn buồn bã đã ngập tràn tâm hồn. Nhưng cũng chính cô đơn buồn bã ấy khiến tôi thấy lấp lánh một niềm hạnh phúc bé nhỏ. Nhà, ký ức, là những yêu thương và tha thiết với người, với đời luôn đầy ắp mỗi khi được trở về.

Ra đi, trở về, rồi lại ra đi. Luôn là mang theo trong lòng một nỗi u buồn da diết, để rồi mỗi khi thức dậy ở thành phố xa lạ trong thân phận của kẻ ngụ cư lại chợt hình dung một ngọn khói sớm quẩn lên trong sương mờ, và mùi thơm của ấm nước vừa lục bục sôi đang toả ra, toả ra...