Dân Việt

Từ người đứng "ngoài lề", Nga bắt phương Tây phải nhảy theo nhạc của mình

Đông Triều 12/02/2018 07:00 GMT+7
Từ một kẻ “ngoài lề”, Nga đang bắt phương Tây phải “nhảy theo nhạc” của mình trong một trật tự thế giới mới.
Phương Tây bị dắt mũi?

Tờ Neue Zürcher Zeitung của Thụy Sĩ vừa có bài bình luận về quan hệ của Nga với phương Tây. Trong bài viết “Trật tự thế giới mới của ông Putin ngày càng hiện thực”, tác giả Stefan Meister cho rằng Tổng thống Nga đang buộc phương Tây “phải nhảy” theo điệu nhạc của mình.

Meister cho rằng nếu như ông Putin từng là người “bên lề” thì giờ đây mọi chuyện đã thay đổi khi nhà lãnh đạo Nga đang thể hiện được sức mạnh.

Tác giả người Thụy Sĩ cho rằng Nga giờ đây đã trở lại vũ đài quốc tế với những hành động ở Ukraine và Syria. Tổng thống Putin được đánh giá là một nhà lãnh đạo khôn ngoan, nắm được những điểm yếu của đối thủ và tạo ra uy tín quốc tế một cách hiệu quả dù có những nguồn lực thua kém NATO.

img

Ảnh minh họa trong bài viết của tờ Neue Zürcher Zeitung

Nước Nga khác biệt với EU bởi đang xây dựng và theo đuổi các mục tiêu chiến lược một cách có ý thức, trong đó buộc Mỹ phải coi trọng và không thể bỏ qua.

Tại Hội nghị An ninh Munich 2017, Ngoại trưởng Nga đã đề cập tới một trật tự hậu phương Tây. Theo cách hiểu của tác giả bài báo thì đối với các nhà lãnh đạo Nga thế giới đang trong giai đoạn chuyển sang một trật tự mới mà ở đó việc thực thi luật pháp quốc tế yếu thế hơn so với quyền lực của sức mạnh.

Theo nghĩa này thì Nga được đánh giá đã chuẩn bị tốt hơn so với Đức và EU bởi Moscow đã từng có trải nghiệm về sự “hỗn loạn” và thiếu chắc chắn. Nga thậm chí còn được đánh giá là có khả năng thực thi chính sách “kiểm soát bất ổn” như trong trường hợp đối với miền Đông Ukraine nhằm hóa giải ảnh hưởng của phương Tây.

Nga cũng được nhìn nhận là nước sẵn sàng hành động một cách lạnh lùng, sẵn sàng sử dụng quân đội cũng như kết hợp thông minh sức mạnh quân sự với khả năng kiểm soát không gian mạng.

Đây là điểm vượt trội của Nga bởi phương Tây bị lùng bùng trong việc ra quyết định cũng như chậm chạp trong việc tăng cường nguồn lực để tự bảo vệ mình.

Riêng với tình hình ở miền Đông Ukraine, Meister đánh giá Nga sẽ không có lý do gì để thay đổi hiện trạng cho tới khi các quyền lợi của mình được thực thi bởi Moscow “sống tốt” với tình hình hiện tại.

img

Phương Tây không thể phủ nhận sức mạnh của một nước Nga có truyền thống

Phản ứng trước sự tấn công của phương Tây như các cuộc cách mạng màu hay sự can thiệp của các tổ chức phi chính phủ và truyền thông gắn mác tự do, Nga đã khai thác được các lỗ hổng của phương Tây và khiến đối thủ vấp ngã. Một ví dụ điển hình là châu Âu vẫn tiếp tục phụ thuộc vào Nga về năng lượng, trong đó có khí đốt.

Trong khi Nga đang làm rất tốt để khôi phục lại hình ảnh của một “đối thủ” phương Tây (tương tự như việc phương Tây xây dựng hình ảnh của Nga thành một mối đe dọa - ND), châu Âu và Mỹ lại đang có những mối quan tâm khác nhau, nhất là dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Meister kêu gọi EU phải xem xét lại chiến lược và cần đối sách để ngăn chặn một nước Nga đang được “nâng cấp” về mặt quân sự, cũng như “đóng cửa căn phòng” mà Tổng thống Nga đang “chơi trò quyền lực thế giới”.

Tầm nhìn của ông Putin

Bài phân tích của tờ báo Thụy Sĩ được đưa ra trong bối cảnh người dân Nga sẽ tham gia bỏ phiếu bầu tổng thống mới vào tháng 3 tới đây. Đây là sự kiện quan trọng nhất trong đời sống chính trị xã hội của Nga hiện nay, cuộc bầu cử này vừa quyết định phương hướng và đường lối phát triển của Nga trong tương lai, vừa ảnh hưởng ở mức độ nhất định sự thay đổi của tình hình quốc tế và sự phát triển của cục diện thế giới.

Cho đến nay, hầu hết các ý kiến đều nhận định đương kim Tổng thống Nga Putin sẽ tái đắc cử. Từ khi lần đầu tiên tiết lộ ý định tái tranh cử tổng thống tại nhà máy ô tô GAZ ngày 6.12.2017 đến nay, ông Putin đã nhân một số dịp tham gia hoạt động lớn, để lần lượt phát đi tín hiệu mạnh mẽ ông sẽ dốc sức tham gia và giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.

Tại Đại hội Mặt trận nhân dân toàn Nga ngày 19.12.2017, Tổng thống Putin đã nhìn lại tình cảnh của Nga năm 2000 khi ông vừa được bầu làm Tổng thống, khi đó chia rẽ sắc tộc nghiêm trọng, dân số giảm mạnh, quốc gia gần như sụp đổ, không tìm được con đường giải quyết đối với rất nhiều vấn đề xã hội và thoát khỏi khó khăn kinh tế, và càng đối phó một cách bị động hơn trong cuộc đấu tranh tấn công khủng bố quốc tế.

Ông nói “Khi đó tình hình rất phức tạp, cũng rất nguy cấp. Nhưng chúng ta không những đã bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Nga, mà còn quá độ con đường phục hồi khó khăn, đồng thời đã thực hiện cuộc đại nhảy vọt trên các lĩnh vực phát triển quan trọng”.

Mục tiêu của Nga trong tương lai, theo Tổng thống Putin, không chỉ là vấn đề không được lạc hậu so với phương Tây, mà còn cần đi đầu trên nhiều lĩnh vực như tri thức, trí tuệ nhân tạo, phát triển xã hội và văn hóa.

Tổng thống Putin cũng nhìn thấu một loạt thách thức liên quan đến vận mệnh của Nga hiện nay và tương lai, trong đó có làm cho dân số tăng, xây dựng nền kinh tế mới, phát triển Bắc Cực, Viễn Đông và Siberia

img

Sức mạnh của Nga ở Syria không chỉ để phô diễn

Ngày 23.12.2017, tại Đại hội đại biểu lần thứ 17 đảng Nước Nga Thống nhất, ông Putin đã nêu rõ nhiệm vụ quan trọng mà Nga phải giải quyết trong thời điểm hiện nay và sau này, về cơ bản là dốc sức bảo đảm phát triển, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đối với việc làm thế nào để bảo đảm phát triển, ông Putin đã nêu ra 3 điểm: Một là phải tăng cường bảo vệ quyền lợi và tự do của người dân, mở rộng hơn nữa nền dân chủ; hai là hoàn thiện lập pháp và tăng mức độ tự do của lập pháp; ba là kiên trì nguyên tắc không tìm cách đối đầu trong quan hệ đối ngoại, tái khẳng định Nga muốn trên cơ sở bình đẳng tin cậy lẫn nhau phát triển quan hệ với các nước phương Tây và phương Đông, nhưng Nga cũng không bao giờ lấy hy sinh an ninh của nước Nga và lợi ích quốc gia làm cái giá phải trả để phát triển quan hệ.

Giới phân tích quốc tế cho rằng tầm nhìn trên thể hiện sự tự tin của Tổng thống Putin khi uy tín của ông rất cao.

Về tỷ lệ ủng hộ đối với Tổng thống Putin, các phương tiện truyền thông và cơ quan thăm dò dư luận của Nga luôn có những nghiên cứu theo dõi và đưa tin. Cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông Putin đạt 83,8%. Có 39% số người được hỏi cho rằng nếu ông Putin không tham gia tranh cử, họ không biết nên bỏ phiếu cho ai. Một thống kê khác cho thấy tỷ lệ ủng hộ của Putin trong thanh niên từ 18-23 tuổi đạt 65%.

Trước tình hình này, Mỹ và EU đang có hàng loạt hành động nhằm “quấy rối” Nga tiến hành thuận lợi cuộc bầu cử tổng thống. Mỹ và EU sẽ tiếp tục liên kết với nhau trên các phương diện như chính trị, kinh tế, ngoại giao… để liên tục đưa ra các biện pháp tấn công nhằm vào Nga.

img

Phương Tây đang nỗ lực tuyệt vọng nhằm ngăn cản Tổng thống Putin tái cử?

Ví dụ, ngày 12.12.2017, Tổng thống Donald Trump đã công bố dự thảo ngân sách quốc phòng của Mỹ năm 2018, trong đó có một loạt biện pháp nhằm chống lại Nga. Cụ thể, dự thảo này xác định rõ sẽ chuyển 4,6 tỷ USD hỗ trợ các đồng minh ở châu Âu, để đáp trả các hành vi “xâm lược” của Nga.

Ngày 14.12, EU tuyên bố một lần nữa kéo dài sự trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga, với lý do là tiến trình hòa bình ở miền Đông Ukraine chưa có tiến triển gì.

Ngày 18.12, ông Donald Trump đã đưa ra báo cáo chiến lược an ninh quốc gia lần đầu tiên sau khi lên cầm quyền. Báo cáo cho rằng: “Nga đang đầu tư năng lực quân sự mới, trong đó có hệ thống vũ khí hạt nhân, đây vẫn là mối đe dọa lớn nhất đối với Mỹ hiện nay”. Báo cáo còn chỉ trích Nga sử dụng nguồn lực để phá hoại sự ổn định của không gian mạng.

Ngày 19.12, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cho rằng “Tôi không tin khả năng ‘tái khởi động’ quan hệ với Nga mà trước kia Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đưa ra sẽ diễn ra”.

Ngày 20.12, báo cáo tình báo và an ninh do 3 cơ quan tình báo lớn của Anh (Cơ quan tình báo nội địa Anh, Cơ quan tình báo bí mật Anh và Cơ quan thông tin Chính phủ Anh) cùng thực hiện cho rằng Nga tạo thành mối đe dọa lớn cho Anh, phải tiếp tục trở thành trọng điểm quan tâm của cơ quan tình báo.

Ngày 22.12, Mỹ tuyên bố bán vũ khí sát thương cho Ukraine, trong đó có vũ khí chống tăng, đồng thời cho rằng hành động này là để giúp Ukraine xây dựng năng lực phòng ngự lâu dài của nước này, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, đề phòng sự xâm phạm hơn nữa.