Dân Việt

Tết, để nhớ nhà

nhà thơ vi thùy linh 15/02/2018 09:54 GMT+7
Tháng 12 Tây mưa phùn mấy ngày ngồi trong nhà ấm, mấy cuốn lịch treo, lịch bàn, block đang năm 2017 và 2018 vây quanh, lại nhẩm sắp Chạp Ta - Tết về. Càng cuối năm, càng nhớ nhà, dù vẫn đang gần nhà, gần cha mẹ.

Tết - thanh âm vang lên như reo, không chỉ trong lời hát trẻ con: “Tết Tết Tết Tết đến rồi!/Tết đến trong tim mọi người!” (Ngày Tết quê em - Từ Huy) , mà thành mốc phấn đấu, đợi chờ, mong ngóng và hoài niệm. Tết thời điểm mà bất cứ con người nào, dù ở đâu, hoàn cảnh, tính cách ra sao đều nhớ nhà, nhớ ký ức, cần sum họp. Và chắc chắn, nếp nhà được hiển thị, chú trọng vào ngày giỗ, Tết, nhất là dịp Tết cổ truyền.

img

Gói bánh chưng. Ảnh: T.L

Nếp nhà, nền nếp gia phong của mỗi gia đình chịu ảnh hưởng từ đại gia đình, dòng họ. Nhỏ, là ý ăn nết ở, lời ăn tiếng nói, dáng đi kiểu ngồi, “học ăn học nói học gói học mở” - đòi hỏi đầu tiên của tiết khí “công - dung”. Nếp nhà được truyền lưu, bồi đắp, củng cố qua từng thế hệ, nhà thì giữ được uy phong, nhà lại mai một buông tuồng. Xã hội Việt Nam hầu hết vận hành theo chế độ phụ hệ, song vẫn đề cao Mẹ, thờ đạo Mẫu. Cha thường là trụ cột, gia trưởng, cha mẹ là rường cột trong nhà để nuôi dạy con. Cách thức giáo dục, răn dạy của người Việt thường theo trực quan, hình mẫu, tấm gương. Các con noi theo gương cha mẹ, người đi trước trong gia đình, dòng họ. Nếp nhà giữ bằng gia phong, gia quy. Từ mỗi gia đình nền nếp, sẽ có phố xóm trật tự, yên vui, tỉnh/thành phong quang, thanh lịch. Gia quy của gia đình, dòng họ làm nên bản sắc làng, lệ làng truyền qua hương ước, phong tục tới ngàn năm.

 Dù ai đó chẳng thể về nhà, về quê dịp Tết, thì tâm trí, hoài niệm cũng về. Nhớ nhà là nhớ nếp sống gia đình, những tập quán thành lệ - mỹ tục mà các thành viên nương giữ, tuân theo. Nếp nhà gắn kỷ niệm riêng và chung, thành ký ức của mình, của chúng mình, chúng ta luân chuyển, lưu truyền khiến hoài niệm thành tài sản tinh thần quý báu. Trật tự tôn ti trong mỗi gia đình, chi - ngành - dòng họ, sắp đặt trên dưới, thứ bậc theo phả hệ, thoạt đầu tưởng có gì hơi khiên cưỡng, bất tiện. Ví dụ một ông/ bà lão xưng “cháu” rất ngọt, lễ phép với một thanh niên kém tuổi con mình, thậm chí đáng tuổi cháu mình. Luật tục, tôn nghiêm ấy tạo nên cố kết phả hệ, giữ cho dòng tộc bền vững, khiến người ta gắn mật thiết quê làng, họ mạc, vào những dịp giỗ, lễ, hội hè... Sợi dây máu mủ gần xa chằng níu ràng buộc con người vào nề nếp. Nếp nhà tập hợp kinh nghiệm nghề nghiệp được truyền dạy, gia truyền, cha truyền con nối làm nên đặc trưng, uy tín của các gia đình, dòng họ. Ảnh hưởng từ môi trường, không khí gia đình, con hiểu biết, nối nghiệp cha mẹ. Con có cha trụ cột, chèo lái thì gia đình mẫu mực, khác con không cha. Con có mẹ bảo ban, uốn nắn từ mỗi điều nhỏ nhặt, công dưỡng dục nuôi nếp nhà, được người đời khen, đánh giá “con nhà có giáo dục”. Con nỗ lực khẳng định mình đạt vị thế ở lớp hậu bối, chưa nói “con hơn cha nhà có phúc”. Nhà vững là do nếp nhà truyền lưu, vun vén qua lịch sử dòng họ - lịch sử phả hệ, để danh thơm lan tỏa, được tiếng “cha nào con nấy”, “hổ phụ sinh hổ tử”, “phúc đức tại mẫu” trong lời tấm tắc, trầm trồ hay đối nghịch - chịu chê cười đàm tiếu. Nếp nhà trui rèn nếp người, đạo đức, danh dự. Chữ tín, nhân cách cũng từ đây. “Giấy rách phải giữ lấy lề”, “Đói cho sạch, rách cho thơm” do nếp sống biết giữ gìn cốt cách.

Chút nôn nao, háo hức có được khi tóc tôi tăng sợi bạc, tuổi gần ngưỡng 40, mỗi khi trải những đợt lạnh nhật của mùa Đông, biết Xuân sắp đến, là nhớ những cái Tết ngày thơ bé, Tết có đông đủ người thân sum họp; nay có thêm hứng khởi đưa hai con du Xuân. Chính sự hoài niệm, ký ức làm nên phong vị Tết. Ý nghĩa của nếp nhà đoàn viên âm dương hội tụ dịp Tết cổ truyền đến kẻ lạnh nhất khó lãnh cảm, vô tình. Nhà, bởi thế, thành hình ảnh chủ đề, biểu tượng đại diện của quê. Quê nhà - quê hương cụ thể của mỗi người còn là quê hương lớn của tất cả. Tàu, xe, máy bay... mọi phương tiện vận tải tăng chuyến, hoạt động hết công suất sao đáp ứng hết, đúng ý mọi hành khách. Muốn đúng ý thì phải mua vé từ xa, lại vướng lịch công việc, tiền bạc, nên có khách muốn đi máy bay lại phải chuyển sang tàu, kẻ thích ngồi tàu lại phải đi xe khách, lại có ai rủi ro hơn: không mua được vé, hoặc không đủ tiền mua vé để về nhà, về quê. Trong nước còn được an ủi phần nào bởi bối cảnh chung quanh đều cùng ngôn ngữ, tập tục. Kẻ xa xứ mà lâu năm không về nước, Tết đến tủi thân xa xót, cô đơn thấu buốt. “Bên nhà”, “Về nhà”, thành từ chỉ chung của kiều bào, người Việt ở nước ngoài khi nói về đất Mẹ, đâu chỉ nhà riêng, người thân của họ, mà là quê hương xứ sở, đồng bào: Ngôi nhà lớn Việt Nam.

Nỗi nhớ nhà, nếp nhà là di sản tinh thần, văn hóa của tôi, của chúng tôi, chúng ta, là cộng hưởng cấp số nhân của nuối tiếc thời gian và những dĩ vãng vô giá cứ từng năm, từng Tết, lại xếp vào tâm trí ta trong lời chúc tân xuân có mộng ước âm thầm được gặp lần 2, sống lần nữa, một lần nữa thôi... Tết của ngày xưa ấy...