Dân Việt

Chùm ảnh: Tết dưới mái nhà Việt

Phóng Sự ảnh: Chu Đạt 18/02/2018 07:38 GMT+7
“Tết là sum họp, Tết là đoàn viên” nên những ai xa quê đều mong Tết để trở về với không khí đầm ấm dưới một mái nhà...

“Tết là sum họp, Tết là đoàn viên” nên những ai xa quê đều mong Tết để trở về với không khí đầm ấm dưới một mái nhà. Những nếp nhà giới thiệu trong phóng sự trên số báo Xuân này là hình ảnh những ngôi nhà Việt ở các vùng miền, đại diện phong cách “kiến trúc nhà ở” của cả 3 miền Bắc - Trung - Nam.

Mỗi bức ảnh trong phóng sự không mang tính biểu tượng cho một ngôi nhà Việt mà mang phong cách “kiến trúc nhà ở” ở nhiều vùng miền khác nhau.

Dong nhà truyền thống của đồng bằng Bắc Bộ có mái lợp ngói vảy âm dương, nối dài với nhau như một đoàn tàu mà mỗi toa là một nếp nhà năm gian, hai buồng với những hàng cột gỗ lim đen bóng.

img

Nét nổi bật nhất trong ngôi nhà của người Việt là nơi thờ tự tổ tiên, ghi nhớ cội nguồn và công lao sinh thành của cha mẹ.

Một khung cửa sổ phủ vàng hoa mướp, nơi có cậu bé tuổi thơ gắn với làng quê. Em có thể sẽ lập nghiệp ở nơi nào đó khi trưởng thành nhưng khung cửa tưởng chừng không thể giản dị hơn sẽ mãi là niềm nhớ thương.

Ở bậu cửa khác cũng trổ giữa hông gian buồng, thời gian còn lùi xa hơn trên những mảng tường xây gạch đã mòn vẹt nhưng vẫn giữ nguyên màu son đỏ. Đó là cửa sổ căn buồng hạnh phúc thời trai trẻ của lão ông Hoàng Văn Nam, 70 tuổi ở Bắc Giang…

Dù ngôi nhà hiện nay đã có nhiều thay đổi, từ nếp nhà tranh đến những tòa cao ốc, đó là cả một chặng đường dài nhưng ngôi nhà Việt Nam không chỉ là nơi che mưa, che nắng mà còn là biểu trưng của nếp nhà.

Đó cũng chính là lý do mà mỗi người luôn thiết tha có một nếp nhà và mong muốn nếp nhà đó của mình luôn được lưu truyền cho con cháu.

img

 Đại gia đình trong ngày đầu tiên của năm mới.

img

 Nhà trên sông ở miền Tây Nam Bộ.

img

img

     Huyện đảo Vân Đồn ôm trọn Vịnh Bái Tử Long với 600 hòn đảo và những ngôi nhà bè kết liền với nhau chạy men theo rìa các đảo đá.

img

img

Một gia đình ở xã Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) gói bánh tét nơi bậc thềm ngôi nhà truyền thống.