Cuối cùng, thành quả không có gì ngọt ngào hơn, sản phẩm của HTX vinh dự là 1 trong 2 món quà của Thái Nguyên gửi tặng Hội nghị cấp cao APEC diễn ra tại TP.Đà Nẵng trong năm 2017.
“Ăn, ngủ” với chè
Bước chân lon ton theo mẹ lên đồi chè từ khi còn nhỏ, mẹ đi mua chè cũng theo, dần dần những bí quyết thử chè ngon ngấm vào đầu lúc nào không biết. Tình yêu với cây chè cứ thế lớn dần theo năm tháng…
Bà Nguyễn Thị Hải - Giám đốc Hợp tác xã chè La Bằng. Ảnh: A.T
Món quà cho APEC Bà Hải tự hào cho biết, sản phẩm “Đinh tâm trà” của HTX Chè La Bằng” đã trở thành 1 trong 2 món quà của Thái Nguyên gửi tặng hội nghị cấp cao APEC, bà Hải vẫn nghĩ rằng điều đó “đẹp như một giấc mơ”. “Cho đến giờ tôi vẫn chưa tin có ngày chè La Bằng được đi xa đến thế”. Bước sang tuổi 54, các con đã trưởng thành, có cháu nội, ngoại đề huề, giờ là lúc bà Hải dành trọn tâm huyết cho sản vật quê hương. Chia tay bà, tôi tin, với “giấc mơ đẹp” này, chè La Bằng sẽ còn đi xa hơn nữa. Hiện, HTX có 12 xã viên và 40 hộ liên kết trồng chè với diện tích khoảng 20ha. Nhờ chất lượng thơm ngon, giá chè bình quân HTX bán ra thị trường là 200.000 đồng/kg. Năm 2016, HTX tiêu thụ được khoảng 10 tấn chè, con số khá ấn tượng so với một HTX còn non trẻ. |
Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, không thi đỗ đại học, bà Hải ở nhà gắn bó với đồng ruộng, đồi chè. Lập gia đình, cuộc sống của cả nhà bà cũng dựa vào cây chè.
“Nhưng ngày đó, do chưa áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, sao sấy hoàn toàn bằng thủ công nên năng suất chè thấp, cuộc sống rất khó khăn”- bà Hải nhớ lại.
Lần đầu tiên bà cảm nhận được giá trị của một tên gọi ấy là vào năm 2001 – 2002. Lúc đó, bà và một vài hộ trồng chè tiêu biểu ở La Bằng được tham gia vào Liên hiệp Hợp tác xã chè Tân Cương – Thái Nguyên do một tổ chức phi chính phủ của Canada tài trợ hoạt động. Bà mang chè của La Bằng về hội chợ nông nghiệp ở Hà Nội, bán hàng trong gian hàng của tỉnh dưới cái tên chè của Liên hiệp Hợp tác xã chè Tân Cương, sản xuất ở La Bằng.
Lúc đó, ai cũng tấm tắc khen chè ngon. Sau đó, chè Tân Cương được cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý, những sản phẩm chè khác không thuộc đất Tân Cương không được phép mang tên gọi này, chè La Bằng phải trở lại với cái tên của mình.
Thắc mắc với thầy giáo ở lớp tập huấn IPM, bà nhận được câu trả lời: Là do đặc sản chè của quê hương bà chưa xây dựng được thương hiệu. “Lúc đó tôi rất trăn trở, tại sao chất lượng chè của quê mình không thua kém những nơi khác mà giá bán luôn thấp hơn. Phải làm thế nào để cái tên La Bằng đi vào lòng người tiêu dùng một cách tự nhiên và bền vững” - bà Hải nói.
Tâm sự với người bạn học cùng lớp, đồng thời là Chủ tịch UBND xã lúc đó, bà nhận được sự ủng hộ hết mình của lãnh đạo xã, với điều kiện, hợp tác xã mới thành lập phải do bà làm quản lý. Sau khi suy nghĩ thấu đáo, bà đồng ý, và không hề biết chặng đường gian nan đang đợi chờ mình phía trước.
Đi tìm tên cho… chè
Sau nhiều nỗ lực thuyết phục của bà Hải và vị lãnh đạo xã có tâm, năm 2006, Hợp tác xã Chè La Bằng cũng được thành lập với 13 thành viên, chủ yếu là đội ngũ cán bộ xã cộng với 4 nông dân, trong đó có bà Hải, mục tiêu trước mắt là xây dựng cho được thương hiệu chè La Bằng và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Sản phẩm chè La Bằng được chọn làm quà tặng tại APEC 2017. Ảnh: A.T
“Năm 2007, ra Cục Sở hữu trí tuệ làm thủ tục, tôi không biết bắt đầu từ đâu, phải nhờ cán bộ của Sở Khoa học và Công nghệ Thái Nguyên giúp đỡ, nhưng khi trình hồ sơ, cái tên La Bằng không được chấp nhận vì cái tên đó đại diện cho cả một địa danh, trong khi HTX chỉ là một nhóm hộ”- bà Hải kể.
“Sau đó, bà làm thế nào để hóa giải điều này?”, tôi hỏi – “Thú thực là chúng tôi phải lách luật một chút, chúng tôi lấy tên tiếng Anh là La Bang vì không muốn từ bỏ cái tên đã gắn bó như máu thịt mỗi người”.
Tháng 10.2008, đánh dấu thời điểm cái tên chè La Bang ra đời, cũng từ đấy, bà cùng các thành viên HTX, anh em công nhân miệt mài sản xuất, miệt mài tham gia khắp các hội chợ trong Nam ngoài Bắc để giới thiệu sản phẩm. Bà Hải nhớ lại: “Chúng tôi đóng gói thành các gói nhỏ, làm quà tặng cho những khách hàng tâm huyết với chè. Các hội chợ ở Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng đến TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng,… chúng tôi đều có mặt, tốn kém không biết bao nhiêu mà kể vì kinh phí phải tự túc”.
Mấy năm trời ròng rã, tiền cũng đã cạn mà không thu được kết quả, sức tiêu thụ sản phẩm vẫn chậm, La Bang vẫn chìm nghỉm trên thị trường chè Việt. Năm 2009, bà Hải cảm thấy bất lực, nhiều xã viên đã nản chí, bỏ cuộc, HTX chỉ còn lại 4 thành viên. Câu hỏi: “Nên buông hay giữ?” lúc nào cũng canh cánh trong lòng.
Bà Hải tìm cách vận động thêm 4 người nữa để đảm bảo 7 thành viên, đủ điều kiện giữ lại HTX và tiếp tục cố gắng giữa bộn bề gian khó. Rất may, “ánh sáng cuối đường hầm” đã bắt đầu le lói khi một cơ duyên tuyệt vời đến với La Bằng, chương trình “Làng Việt” của Đài Truyền hình Việt Nam chọn La Bằng là địa điểm tổ chức cuộc thi giữa 3 làng chè nổi tiếng Thái Nguyên là La Bằng, Tân Cương, Trại Cài.
Cuộc thi thu hút rất đông người đến La Bằng, phát rộng rãi trên sóng truyền hình. “Sau cuộc thi đó, chè La Bằng được nhiều người biết đến, lượng đơn hàng tăng đột biến”- bà Hải vui vẻ khoe.