Dân Việt

Mạnh tay rót tiền tỷ nuôi tôm công nghệ cao

Vy Nguyễn 09/02/2018 06:05 GMT+7
Vài năm trở lại đây, mô hình nuôi tôm VietGAP ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong nhà kính với vốn đầu tư lên đến hàng tỷ đồng đang được nhiều hộ nông dân huyện Nhà Bè và Cần Giờ áp dụng.

Thành công ban đầu khi nuôi tôm thẻ chân trắng trên đất phèn huyện Cần Giờ không bền vì dịch bệnh, anh Nguyễn Hoài Nam quyết định vay vốn chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh 2 giai đoạn trong nhà kính. Mô hình hiện đại này có thể nuôi mật độ cao từ 200 – 350 con/m2. Tôm sau 90 – 105 ngày nuôi có thể thu hoạch, đạt kích cỡ 30 – 40 con/kg, năng suất đạt khoảng 60 tấn/ha - tương đương các tỉnh thành duyên hải Tây Nam Bộ.

img

  Mô hình nuôi tôm công nghệ cao với vốn lớn ngày càng được mở rộng. (Ảnh nhỏ: anh Nguyễn Hoài Nam giới thiệu quy trình kỹ thuật tại trại nuôi).  Ảnh: Đặng Kiệt

Tính chi phí bình quân cả năm, anh Nam đã đầu tư khoảng 2,3 tỷ đồng; sản lượng thu hoạch là 33 tấn. Với giá bán 140.000 đồng/kg, tổng thu 4,62 tỷ đồng, lợi nhuận 2,31 tỷ đồng. 

Cuối năm 2017, anh Nam lập dự án xin vay vốn tiếp tục đẩy mạnh sản xuất trong nhà kính theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 1,5 ha, tổng kinh phí đầu khoảng 5,1 tỷ. Anh Nam tính toán lợi nhuận sau 1 vụ (3 tháng) sẽ đạt khoảng 2,8 tỷ đồng. Thời gian hoàn vốn sau 2 vụ nuôi.

Trước đó, từ giữa năm 2016, anh đã vay 2 tỷ đồng theo Quyết định 04 của UBND TP.HCM để đầu tư giai đoạn 1, đến nay đã giải ngân 1 tỷ đồng. Giai đoạn 2, anh đề nghị được tiếp tục hỗ trợ theo Quyết định 21 để đẩy mạnh sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Hầu hết các công ty chế biển thủy sản đông lạnh đều thu mua các sản phẩm VietGAP để xuất khẩu với giá cao; khi tiêu thụ nội địa lại có giá bán tốt và uy tín. Anh Nam cho biết, bước đầu anh sẽ cung cấp cho hệ thống nhà máy đông lạnh C.P Food. Hiện anh đã chuẩn bị mặt bằng để chuẩn bị đầu tư nâng cấp mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Trần Ngọc Hổ - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM cho biết, nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh trong nhà kính thành công sẽ góp phần hình thành phương thức sản xuất mới, khai thác ưu thế địa phương, nâng cao hiệu quả sản xuất trên một diện tích mặt nước.

“Ngoài vấn đề kỹ thuật, Sở NNPTNT sẽ tiếp tục làm việc với Ngân hàng Nhà nước nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn để hỗ trợ mở rộng sản xuất” - ông Hổ chia sẻ.