Dân Việt

30 năm tìm cha và hành trình về nhà Việt của chàng trai Đức

Gia Tưởng - Đăng Thúy 16/02/2018 09:00 GMT+7
Ngay từ nhỏ, cậu bé người Đức Frank Laabs luôn phải sống trong sự trêu chọc của bạn bè vì không biết cha mình là ai. Nỗi đau khắc khoải đó in sâu vào tâm khảm của Frank cho đến khi nhờ một bài báo của báo Điện tử Dân Việt/ Báo Nông Thôn Ngày Nay, ngày đoàn tụ của Frank trong ngôi nhà Việt ấm áp tình thương yêu đã trở thành hiện thực. Một câu chuyện có hậu đẹp lung linh tựa hồ một giấc mơ…

Dòng máu Việt trên nước Đức

Chị Thuy Hang Neuhauser đang sống ở Đức, tình cờ phát hiện người hàng xóm của mình có nhiều nét giống người Việt và câu chuyện buồn của người này được hé lộ khiến chị quyết định, phải tìm bằng được người cha ở Việt Nam cho anh này.

img

Phút giây vỡ òa hạnh phúc của hai bố con. Ảnh: G.T

Trong bức thư gửi phóng viên NTNN, chị Thuy Hang Neuhauser viết: “Một thanh niên người Đức và là hàng xóm của tôi tên là Frank Laabs, sinh ngày 25.5.1986.  Frank Laabs có mẹ người Đức tên là Karin Laabs, năm nay 50 tuổi. Cha của Frank Laabs là người Việt Nam, nhưng từ khi nằm trong bụng mẹ đến nay, Frank chưa một lần được gặp cha ruột của mình”.

 Vợ của Frank  kể với chị Thúy Hằng rằng: “Frank buồn lắm vì không có manh mối tin tức gì để tìm kiếm ba ruột của Frank tại Việt Nam. Mẹ Frank đã  từng nói với Frank rằng: Việt Nam phát triển giao thông, tên đường thay đổi vì thế địa chỉ ba Frank ghi để lại trước khi bay về Việt Nam chắc giờ cũng thay đổi hết rồi, làm sao tìm lại được. Nói xong, Frank đưa cho tôi một mảnh giấy ghi tên họ của cha mình để lại là Đỗ Văn Kính (sinh ngày 8.1.1962, địa chỉ Công ty Bách hoá vải sợi Hoàng Liên Sơn). Tôi nói với Frank rằng, nếu còn hy vọng rồi sẽ tìm được”.

Sau khi biết được câu chuyện của người hàng xóm, chị Thuy Hang Neuhauser đã liên lạc với   Công ty Du lịch tại Sapa để tìm kiếm xem tại Lào Cai hoặc giáp vùng Lào Cai khu núi Hoàng Liên Sơn để tìm kiếm thông tin, nhưng vẫn chưa có kết quả.

Cha mẹ của Frank gặp và yêu nhau tại quán Bar Bodega vào năm 1983, và thỉnh thoảng về chung sống với nhau tại Wohnheim – Karl Marxstadt in de Caol von Ossietsky Strasse –Chemniz. Đúng lúc đó, anh Đỗ Văn Kính hết hạn hợp đồng lao động phải về Việt Nam. Lúc anh Kính trở về nước không hề biết rằng, cô Karin Laabs đã mang thai giọt máu của mình.

Mẹ Frank chỉ còn giữ được 1 tấm ảnh, và 1 mảnh giấy ghi địa chỉ do bố Frank để lại… Ngoài ra, không còn thông tin gì nữa.

Qua chị Thuy Hang Neuhauser, Frank cho biết, nếu tìm được cha ruột, anh sẽ bay ngay về Việt Nam để gặp mặt. Frank chưa bao giờ trách hay oán hận cha ruột  bỏ rơi, không liên lạc tìm kiếm Frank. Cảm xúc của Frank luôn  thốt ra lời bảo vệ che chở cha ruột. Frank luôn nhẹ nhàng lý giải cho ngày trở về Việt Nam của cha anh rằng, “có thể trong gia đình cha có ai đó bị bệnh, hoặc cha hết hạn visa  nên phải đột ngột bay về Việt Nam gấp…”.

Hành trình tìm kiếm

Không lâu sau khi bài báo về Frank được đăng trên báo điện tử Dân Việt, nhiều lá thư và điện thoại của bạn đọc gửi về tòa soạn bày tỏ sự xúc động khi được đọc câu chuyện của Frank, nhiều trong số họ chia sẻ kinh nghiệm tìm kiếm, nhưng thông tin về cha Frank vẫn là dấu hỏi lớn nhất tòa soạn chưa giải đáp được.

img

Frank Laabs cùng gia đình tại Yên Bái. Ảnh:  ĐT

Cho đến tháng 8.2017, tác giả bài viết nhận được một cuộc điện thoại của một bạn đọc ở thành phố Yên Bái. Người này nói ông hoạt động trong Hội Chữ thập Đỏ của tỉnh và có nhiều mối quan hệ, từ đó biết được có “một người có tên là Đỗ Văn Kính, người thành phố Yên Bái ngày xưa đã từng đi xuất khẩu lao động, tại  Đức.”

 Chúng tôi có mặt chứng kiến từ đầu đến cuối cảnh khoảnh khắc tình thân thiêng liêng đó mà không khỏi xúc động chỉ nói được với Frank rằng: “ Chào mừng Frank đã về nhà, nơi đây là nhà của em, và tất cả chúng tôi những người con đất Việt, đều muốn mở rộng vòng tay để đón em về với gia đình đích thực của mình”.

Sau nhiều lần xác minh qua lại, chúng tôi xác định, người đàn ông được nhắc đến chính là ông Đỗ Văn Kính. Nhưng thực tình thì bây giờ ông Kính mới biết mình để lại một giọt máu trên đất nước Đức, ông chia sẻ “hồi đó tôi hết hạn xuất khẩu lao động phải về nước, không biết mẹ Frank đã có mang, đây đúng là một điều bất ngờ ngoài sức tưởng tượng”.

Hình ảnh đầu tiên của ông Kính được gửi sang cho Frank, thật kỳ lạ, tình phụ tử đã cho họ những linh cảm kỳ diệu, chỉ nhìn vào ánh mắt của người đàn ông đó, Frank đã nhận ra đây là cha mình.

Khi biết tin mình có một con trai bên đất Đức, ông Kính cũng chia sẻ về quãng thời gian trai trẻ của mình với bà vợ và hai đứa con hiện tại ở Yên Bái, rất may vợ ông cũng là người biết điều, và không để bụng, nên ông Kính cũng cảm thấy nhẹ nhõm phần nào.

Với điều kiện hiện nay, ngày nào ông Kính và Frank cũng liên hệ với nhau qua facebook.Ông Kính sau nhiều năm không dùng đến tiếng Đức cũng đã quên đi nhiều, nên hai cha con không nói được với nhau nhiều điều. Những chuyện nào phức tạp một chút, Frank đều ghi lại và chuyển qua cho chị Thuy Hang Neuhauser nhờ chị phiên dịch hộ.

Ngược lại, ông Kính cũng vậy, có những điều muốn nhắn nhủ đến con trai cũng phải nhờ qua chị Thuy Hang Neuhauser. Tuy nhiên, bù lại, hai cha con được nhìn thấy nhau mỗi ngày. Frank còn gửi hình ảnh của vợ và cậu con trai nhỏ mới hơn tháng tuổi cho cha mình xem. Nhờ vậy, nỗi nhớ thương và khoảng cách địa lý được phần nào lấp đầy.

Về nhà thôi Frank !

Ở tuổi 30, trong khi rất nhiều thanh niên Đức phải ở nhà thuê và nhận trợ cấp thất nghiệp thì Frank đã làm chủ một gara sửa chữa ô tô với công việc bận rộn. Sau nhiều lần trò chuyện với cha, cuối cùng Frank cũng quyết định sẽ tranh thủ 4 ngày nghỉ lễ ở Đức để trở về mái nhà Việt của mình. Vì vợ và con trai còn quá nhỏ, nên chuyến đi này Frank chỉ về một mình. Sau khi báo cho chúng tôi ngày giờ về, từ thời điểm đó, sống trong tâm trạng náo nức như một đứa trẻ.

img

Frank Laabs tập gói nem. Ảnh: ĐT

Có mặt ở sân bay Nội Bài, chứng kiến cảnh Frank vượt hàng ngìn km, chạy từ phía sau ôm sà vào ông Kính, cậu cười trong hạnh phúc dung dị đến lạ thường. Frank chia sẻ, tìm được cha đúng như là tìm được báu vật, thứ mà cậu thiếu suốt cả một tuổi thơ, những năm tháng đi học của mình, tuy cậu học rất giỏi nhưng thường xuyên phải gồng mình lên đánh nhau, vì những  người bạn ác ý  trêu Frank là người không có bố. Sau bao nhiêu năm chất chứa,  giờ đây ông Kính đối với  Frank  còn hơn  cả là một người cha, mà là một điều giải toả, vỡ oà trong hạnh phúc của một con người tìm được bản ngã về với cội nguồn của mình.

Tuy lần đầu gặp nhau nhưng cha con ông Kính như chưa bao giờ có khoảng cách, họ ôm nhau không khóc  trong nước mắt của sự đoàn tụ, mà họ nắm chặt tay nhau, lắng nghe nhau, và cười  với nhau, những nụ cười như có lửa và đẹp đẽ đến rạng ngời.

Tình máu mủ

Cả quãng đường gần 200km từ Nội Bài đến Yên Bái , Frank  như là một đứa trẻ, cậu cứ nắm chặt tay ông Kính không rời, giống như một đứa trẻ sợ cha mình sẽ đi xa mất, khi xe vừa dừng lại trước cửa nhà ông Kính, Frank thấy một cụ ông 90 tuổi  đang đứng sẵn ở đó. Ông Kính chưa kịp giới thiệu đó là bố mình, là ông nội của Frank thì Frank đã lao tới ôm chầm lấy ông cụ,  cậu rối rít hỏi han sức khoẻ ông, và cảm thấy có lỗi khi bây giờ mới tìm về  với gia đình  của mình. Ai nấy đều có chút ngỡ ngàng, nhưng Frank nói, chỉ cần nhìn vào khuôn mặt ông, Frank đã biết đây là ông nội của mình.

Frank xin được đi thắp hương bàn thờ gia tiên, cậu cũng  biết khấn vái  và cầu xin tổ tiên phù hộ. Frank cho biết,  kể từ khi có nhận thức mình là con của  một người đàn ông Việt, cậu đã tự học về các phong tục của người Việt, Frank biết trong gia đình, người già, và ban thờ là 2 điều quý nhất nên cậu tự hứa với lòng mình là khi nào về được quê cha đất tổ sẽ làm đúng như là một người Việt ở trong mình.

4 ngày ở bên gia đình lớn Frank rất vui vẻ và cậu rất hào hứng với những tình cảm và món ăn Việt Nam. Frank được cha đưa đi giới thiệu với mọi người trong họ hàng, cả gia đình họ ngày nào cũng đông vui và đầy ắp tiếng cười. Frank thường theo cha xuống bếp phụ giúp làm cơm, cậu học cách cuốn nem và đặc biệt thích những món ăn đậm chất quê hương Yên Bái.

Tuy vậy, cậu vẫn chia sẻ với cha mình “là vẫn còn một chút buồn khi chưa biết nói tiếng Việt để bày  tỏ tình cảm của mình đối với những người thân trong gia đình, đặc biệt là 2 người em cùng cha khác mẹ. Frank cho biết thêm sau chuyến đi cậu sẽ về Đức để  gặp mẹ mình, kể chuyện về cha cậu, và lần sau trở về Việt Nam cậu sẽ đưa cả gia đình nhỏ vợ và con của cậu  về Việt Nam và sẽ cố gắng ăn một cái Tết của dân tộc. Một cái Tết đoàn viên đúng nghĩa.

“Tháng 1.2016, qua một người phụ nữ Việt sống ở Đức, tôi bắt đầu viết bài báo về cậu con trai ở Đức hơn 30 năm khát khao tìm cha ở Việt Nam. Đó cũng là bài báo đầu tiên ở Việt Nam viết về câu chuyện của Frank. Hơn 1 năm sau, tháng 7.2017, khi tôi đang có chuyến đi nghỉ ở Nha Trang thì nhận được điện thoại của một người lạ. Ông xưng là độc giả của Dân Việt (danviet.vn), ông làm việc cho Hội Chữ thập Đỏ ở một thành phố. Ông nói, đã đọc bài báo của tôi và thấy có một người quen giống như người đã miêu tả trong bài viết. Lần theo số điện thoại tôi để lại, ông đã gọi báo tin cho tôi.
Qua trao đổi nhiều lần, cả hai chúng tôi đều xác định, người đàn ông kia và cha Frank là một. Tôi đã kết nối sang Đức, chúng tôi đã báo được tin cho Frank...
3 tháng sau, tức chiều 1.11.2017, Frank đã đáp chuyến bay dài từ Đức về Việt Nam gặp cha mình. Hình ảnh người con trai đến bên cha - người phải rời nước Đức khi không hề biết rằng mình đã để lại một giọt máu- thật nhẹ nhàng choàng tay ôm lấy cha mình, khuôn mặt rạng rỡ hạnh phúc. Tôi đã tưởng tượng ra một cảnh gặp gỡ đẫm nước mắt, nghẹn ngào, thậm chí uẩn ức... nhưng không phải, tất cả thật nhẹ nhàng nhưng vô cùng xúc động. Họ gặp lại nhau như đã gặp tự thuở nào, chỉ như một người con đi xa trở về trong vòng tay nhớ nhung của người Cha.
Tình cha con là vậy, tự nhiên từ trong máu thịt!
“Chào mừng cậu đã về nhà Frank! “ Tôi chỉ có thể nói được đến vậy.
Tôi ra về trong cảm xúc thật khó tả, nghĩ về cuộc đời, về những số phận. Cuộc sống này còn nhiều điều kỳ diệu và đẹp đẽ. Tôi đã thấy mình thật hạnh phúc, chí ít là đã giúp tạo nên được một kết thúc có hậu sớm hơn cho Frank”, nhà báo Đăng Thúy chia sẻ.