Dân Việt

Nếp nhà và những ký ức không rời xa

PGS.TS Lưu Khánh Thơ 15/02/2018 10:57 GMT+7
Gia đình, bắt đầu bằng chữ gia, tức là nhà, gia – nhà, quốc – nước. Hiếm có khái niệm nào có nhiều chữ ghép như chữ gia. Đó là gia tiên, gia tộc, gia thế, gia pháp, gia giáo, gia huấn, gia đạo, gia phong, gia phả…

Gia đình, bắt đầu bằng chữ gia, tức là nhà, gia – nhà, quốc – nước. Hiếm có khái niệm nào có nhiều chữ ghép như chữ gia. Đó là gia tiên, gia tộc, gia thế, gia pháp, gia giáo, gia huấn, gia đạo, gia phong, gia phả… Nội hàm của mỗi khái niệm trên có khác nhau, nhưng tất cả đều nhằm vào một phẩm tính, một gắn kết chung, đó là gia đình. Gia đình, khi mọi nền nếp, mọi quy ước đã được tuân thủ qua rất nhiều đời và gây được tiếng vang trong công luận thì đó là gia phong. Đến được với gia phong, là sự kết tinh những truyền thống tốt đẹp của một dòng họ qua nhiều đời, với sức lan tỏa của nó, mà làm nên những nền tảng tinh thần, văn hóa, đạo đức cho xã hội.

img

 Gia đình nhà viết kịch Lưu Quang Thuận năm 1976. Ảnh: L.K.T

Gia phong - nếp nhà, đó là một cách nói gọn những truyền thống ưu tú của một gia hệ. Từ xa xưa, trong tồn tại của cộng đồng dân cư Việt đã xuất hiện những gia hệ gắn với tên tuổi các danh nhân văn hóa, lịch sử của dân tộc, được người đời ngưỡng mộ và đem lại sự hãnh diện cho các thành viên con cháu nhiều thế hệ.

Ngày nay khái niệm nếp nhà được hiểu một cách đơn giản là thói quen, cách ứng xử của các thành viên trong một gia đình đối với nhau, là cách thế hành xử và sự hiện diện của các thành viên trong gia đình đối với xã hội. Gia đình có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với con người. Nhân loại dù có văn minh đến đâu, con người có thay đổi đến mấy, vẫn không thể cắt rời với “cuống nhau” gia đình, nó là hạt nhân, là gốc rễ cho sự hình thành và phát triển một nhân cách xã hội.

Dưới mỗi mái nhà đều có một nếp nhà thân thuộc mà người tạo dựng nên nó không ai khác là cha mẹ chúng ta – những người chủ gia đình ấy đã tiếp thu từ các bậc tiền bối, gìn giữ, phát huy và truyền lại cho con cháu.

Với tôi nếp nhà, hay như cách nói quen thuộc, truyền thống gia đình đã thấm vào chúng tôi ngay từ thời thơ bé và luôn song hành cùng năm tháng.

“Con nhớ sông Thao, rừng cọ bạt ngàn/ Cái làng nhỏ tuổi thơ/ Chiều mịt mù mưa núi/ Cha ở mặt trận về/ Gọi vang từ bên suối/ Con ngựa trắng mình lấm lem đất bụi/ Vai áo cha ướt đẫm trận mưa chiều/ Chiếc mũ nan, tấm khăn dù, lưng gạo trong bao/ Đã lâu lắm mẹ và chúng con chỉ ăn ngô cùng sắn/ Chiều ấy khói nồi cơm toả nắng/ Cha kể chuyện trận Đoan Hùng/ Chuyện một vùng bưởi chín khắp triền sông…”. Đây là những câu thơ anh Lưu Quang Vũ viết về kỷ niệm với cha tôi từ tuổi nhỏ ở chiến khu Việt Bắc. Chiều ấy khói nồi cơm toả nắng/ Cha kể chuyện...; Vâng, đó không chỉ là ký ức một thời của anh tôi mà là phần quan trọng trong đời sống của gia đình chúng tôi. Hơi ấm và dư vị của những bữa cơm gia đình, với những món ăn đơn sơ mà tinh tế của Mẹ, những câu chuyện giản dị, nhưng sâu sắc, đầy ý nghĩa của Cha đã đi theo chúng tôi suốt đời…

img

 Khung cảnh sinh hoạt gia đình nhà viết kịch Lưu Quang Thuận một tối năm 1961: Bố ngồi làm việc trong khi mẹ và các con ngồi chơi ngay bên cạnh. Ảnh: L.K.T

Gia đình chúng tôi đông anh em, sống bằng đồng lương công chức của cha mẹ. Gạo, mỳ, dầu hỏa bán theo sổ. Đường, thịt, cá, đậu phụ, nước mắm… bán theo tem phiếu. Vào mùa đông, mẹ tôi hay làm món nước mắm chưng. Rất đơn giản, chỉ là cho nước mắm vào một cái chảo nhỏ, cô đặc lại. Vậy mà thứ nước mắm  mặn chát, bỗng thơm phức, trở nên ngon lạ lùng. Ngay như món rau muống luộc, mẹ tôi yêu cầu rau phải xanh, nước luộc dầm me hoặc sấu phải trong và có vị chua dịu. Mẹ dậy tôi từ cách muối cà, sao cho quả cà trắng, giòn, để lâu không bị váng, đến những món ăn cầu kỳ hơn theo khẩu vị của người Hà Nội. Mẹ đã truyền cho chúng tôi nếp sống tinh tế, thanh lịch, giàu tình cảm của người Tràng An.

Những bữa ăn không chỉ đơn thuần là việc nạp năng lượng, mà còn là nơi gắn kết các thành viên trong gia đình và không ít những câu chuyện về phép đối nhân xử thế, những bài học đạo lý nhẹ nhàng mà thấm sâu chúng tôi đã thu nhận được từ đây. Cha tôi có những quy ước riêng là trong bữa ăn không được nói những chuyện không vui. Cha mẹ không được trách mắng con cái. Anh em không được tranh giành, cãi cọ nhau. Xoay quanh bữa cơm gia đình chủ yếu là những câu chuyện vui, thường là về một cuốn sách hay, một vở diễn, một bộ phim đang chiếu ngoài rạp, các di tích lịch sử trong nước và thế giới, các mẩu chuyện về những người bạn văn nghệ sĩ của cha mẹ tôi.  Có khi bưng bát cháo lên ăn cha tôi nói: “Nếu như có bát cháo này cụ Vitali đã không chết đói”(cụ Vitali là nhân vật chính trong cuốn truyện Không gia đình của nhà văn Pháp Hecto Malo). Trong những câu chuyện hàng ngày, ông thường răn dạy chúng tôi không bao giờ được làm điều ác, phải biết thông cảm và chia sẻ với nỗi đau của người khác. Cha tôi luôn mong muốn rằng sau này khi lớn lên chúng tôi dù mỗi đứa có thể làm một nghề khác nhau, nhưng làm nghề gì thì cũng phải giữ được tâm hồn nghệ sĩ, biết yêu nghệ thuật, yêu cái đẹp.

Truyền thống hiếu học được coi trọng và đề cao trong gia đình tôi. Học ở trường lớp, ở sách vở, ở bạn bè. Cha tôi luôn là tấm gương sáng của tinh thần tự học, lao động không ngừng nghỉ, say mê sáng tạo. Nếp nhà xưa đã ngấm vào chúng tôi từ trong huyết quản. Những ký ức thiêng liêng, đầy thương nhớ luôn là hành trang tinh thần của chúng tôi trên đường đời xa lắc…