Bị cáo Trịnh Xuân Thanh – người 2 lần bị tuyên án chung thân. (Ảnh: TTXVN)
1 hình phạt chung cho nhiều bản án
Hôm qua (5.2), TAND TP.Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam – PVC) tù chung thân về tội “Tham ô tài sản” trong vụ án xảy ra tại Công ty CP Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land).
Trước đó, tại phiên tòa xét xử vụ án “Tham ô tài sản” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và PVC, bị cáo Trịnh Xuân Thanh cũng bị TAND TP.Hà Nội tuyên phạt hình phạt chung là chung thân.
Sau khi bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị tuyên 2 án chung thân tại 2 phiên tòa khác nhau, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi: Các bị cáo 2 lần bị tuyên án chung thân như bị cáo Trịnh Xuân Thanh thì thi hành án như thế nào? Các bị cáo này có được xem xét giảm án, tha tù trước thời hạn không?
Giải đáp thắc mắc của bạn đọc, luật sư Hà Huy Phong (Giám đốc Công ty luật Inteco) và luật sư Lê Văn Kiên (Trưởng văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý) cho biết, Bộ luật Hình sự 2015 và Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung đều quy định, khi một bị cáo hai lần bị tuyên án chung thân trong 2 phiên tòa khác nhau thì hành phạt chung sẽ là chung thân. Những vụ án xảy ra trước thời điểm 1.1.2018 như vụ án có bị cáo Trịnh Xuân Thanh sẽ áp dụng theo Bộ luật hình sự 1999.
“Quy định về tổng hợp hình phạt của nhiều bản án của Bộ luật hình sự 1999 và Bộ luật hình sự 2015 cùng nêu rõ: “Trong trường hợp một người đang phải chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này, thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội đang bị xét xử, sau đó quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 50 (Bộ luật Hình sự 2015 là Điều 55) của Bộ luật này”.
Trong khi điều 50 bộ luật Hình sự 1999 (Bộ luật hình sự 2015 là điều 55) quy định: “Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tù chung thân thì hình phạt chung là tù chung thân”.
Như vậy, theo quy định, HĐXX phiên tòa sau sẽ quyết định hình phạt chung. Nếu ở 1 trong 2 phiên tòa bị cáo bị tuyên án chung thân thì hình phạt chung bị cáo sẽ phải thi hành là chung thân”, luật sư Lê Văn Kiên cho biết.
Án chung thân phải thụ án ít nhất bao nhiêu năm?
Luật sư Hà Huy Phong và luật sư Lê Văn Kiên cho biết thêm, căn cứ theo quy định hiện hành thì các phạm nhân 2 lần bị tuyên án chung thân vẫn được xem xét giảm án, tha thù trước thời hạn.Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi quy định rõ về thời điểm được xem xét giảm thời hạn chấp hành phạt, thời hạn tối thiểu phải chấp hành hình phạt đối với các phạm nhân.
“Điều 63 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi quy địnhvề Giảm mức hình phạt đã tuyên nêu rõ: Người bị kết án cải tạo không giam giữ, phạt tù có thời hạn hoặc phạt tù chung thân, nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định, có nhiều tiến bộ và đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, Tòa án có thể quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt.
Thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là một phần ba thời hạn đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt tù có thời hạn, 12 năm đối với tù chung thân.
Như vậy, người bị kết án chung thân buộc phải chấp hành đủ 12 năm tù giam mới được xem xét giảm án.
Điều 63, Bộ luật hình sự 2015 cũng quy định thêm, với người bị kết án tù chung thân, lần đầu được giảm xuống 30 năm tù và dù được giảm nhiều lần cũng phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 20 năm.
Trường hợp người bị kết án về nhiều tội trong đó có tội bị kết án phạt tù chung thân thì Tòa án chỉ xét giảm lần đầu xuống 30 năm tù sau khi đã chấp hành được 15 năm tù và dù được giảm nhiều lần nhưng vẫn phải bảo đảm thời gian thực tế chấp hành là 25 năm.
Như vậy, những phạm nhân hiện đang thụ án mà trước đó bị kết án chung thân thì phải chấp hành hình phạt tối thiểu 20 năm. Với phạm nhân bị kết án nhiều tội, trong đó có tội bị tuyên án chung thân thì tổng thời gian chấp hành án tối thiểu là 25 năm tù mới được xem xét tha tù trước thời hạn, trừ trường hợp đặc biệt được Chủ tịch nước đặc xá theo quy định của Luật đặc xá”, luật sư Hà Huy Phong cho biết.
Tuy nhiên, theo luật sư Hà Huy Phong, hình phạt của bị cáo có thể áp dụng Bộ luật hình sự cũ nhưng khi xem xét giảm án, tha tù trước thời hạn thì phải căn cứ vào các quy định của Bộ luật hiện hành. Vì vậy, với những bị cáo bị tuyên án vào thời điểm này như bị cáo Trịnh Xuân Thanh thì rất khó để đưa ra nhận định chính xác về việc áp dụng việc giảm án và tha tù trước thời hạn hoặc đặc xá vì sau này những quy định về giảm án, tha tù hoặc đặc xá có thể đã thay đổi.
“10 tới 15 năm nữacó thể sẽ có Bộ luật hình sự mới hoặc Bộ luật hình sự hiện hành sẽ được sửa đổi một số nội dung về giảm án, tha tù trước thời hạn để phù hợp với thực tiễn thời điểm đó. Khi đó, việc xem xét giảm án, tha tù cho các phạm nhân đang thụ án sẽ căn cứ vào quy định hiện hành. Còn nếu Bộ luật Hình sự 2015 và Luật đặc xá không có gì thay đổi thì vẫn áp dụng như các quy định tôi đã nêu ở trên”, luật sư Phong nói.
Sáng nay 5-2, TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Trịnh Xuân Thanh tù chung thân về tội tham ô tài sản (Trịnh Xuân Thanh trước...