Sau khi Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) “tuýt còi” về việc chậm trễ công bố thông tin, mới đây nhất, HVG đã công bố Báo cáo tài chính (BCTC) quý I.2018 (niên độ từ 1.10.2017 đến 31.12.2017). Tuy nhiên, một lần nữa, nhà đầu tư lại cảm thấy thất vọng trước “sức khỏe” tài chính của doanh nghiệp này.
"Vua cá tra" vẫn đang trong cơn bĩ cực bởi gánh nặng nợ vay. (Ảnh: IT)
Thoát lỗ nhờ bán... “con”
Theo BCTC được công bố, doanh thu thuần quý I.2018 của HVG đạt 2.700 tỷ đồng, giảm 53% so với cùng kỳ (quý I.2017). Trong đó, doanh thu hàng xuất khẩu đạt 1.064 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số hơn 1.940 tỷ đồng của quý 1.2017. Đồng thời, doanh thu hàng nội địa cũng chỉ đạt 1.636 tỷ đồng, giảm hơn 50% so với con số hơn 3.846 tỷ đồng cùng kỳ.
Nguyên nhân khiến chỉ tiêu doanh thu hàng nội địa giảm hơn 50% là do doanh thu nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi chỉ đạt 182 tỷ đồng (bằng 16,3% so với quý I.2017); doanh thu thủy sản chỉ đạt 649 tỷ đồng (bằng 43,7% so với quý I.2017 khi đạt tới 1.484 tỷ đồng); doanh thu thức ăn chăn nuôi đạt 750 tỷ đồng (quý 1.2017 đạt 954 tỷ đồng); doanh thu phụ phẩm chế biến đạt hơn 29,5 tỷ đồng (cùng kỳ đạt 275 tỷ đồng)...
Bên cạnh đó, do chi phí giá vốn hàng bán quý I.2018 chỉ đạt hơn 2.699 tỷ đồng đã làm cho lợi nhuận gộp của HVG chỉ đạt vỏn vẹn 0,37 tỷ đồng, bằng...0,12% so với lợi nhuận gộp quý I.2017 (hơn 306 tỷ đồng).
Theo đó, biên lợi nhuận gộp quý I.2018 của HVG cũng chỉ còn... 0,014% (quý I.2017 là 5,3%).
Tất cả các nguyên nhân trên khiến cho mức lãi gộp của HVG chỉ còn chưa đến 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu trừ đi các khoản chi phí tài chính (125,3 tỷ đồng), chi phí quản lý doanh nghiệp (32 tỷ đồng) và chi phí bán hàng (83,6 tỷ đồng)... thì lợi nhuận quý I.2018 vẫn sẽ là con số âm.
Dù vậy, nhờ vào khoản doanh thu tài chính quý I.2018 tăng mạnh lên 216,5 tỷ đồng (so với 15 tỷ đồng của quý I.2017) khiến kết quả kinh doanh của HVG trong quý “may mắn” thoát lỗ với con số ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 7 tỷ đồng, giảm khoảng 80% so với cùng kỳ 2017.
Nguyên nhân dẫn đến doanh thu tài chính trong quý 1.2018 tăng mạnh là do trong kỳ HVG ghi nhận khoản lãi từ thanh lý đầu tư vào công ty con là 213 tỷ đồng. Đây có thể là khoản lãi từ việc HVG thoái toàn bộ 54% vốn (tương đương 21,16 triệu cổ phần) tại Công ty Thực phẩm Sao Ta cho Công ty Quản lý quỹ SSI và Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre trong năm 2017 được ghi nhận.
“Vua cá tra” có trở lại được đường đua?
Năm 2017 đánh dấu một năm đầy biến động của HVG khi lần lượt thoái vốn, bán đất vàng... tại các doanh nghiệp con. Giới đầu tư vì thế cũng kỳ vọng về một “vua cá tra” sẽ nhanh chóng trở lại đường đua nhưng dường như kỳ vọng này còn quá xa xăm. Liên tục thời gian gần đây, HVG bị HoSE “tuýt còi” vì chậm báo cáo số liệu tài chính, bị “lỗ bất ngờ” sau kiểm toán... Chính vì vậy, cổ phiếu HVG liên tục “đỏ sàn” và tới thời điểm hiện tại (chiều 7.2), cổ phiếu HVG chỉ còn ở mức giá 4.720 đồng/CP - chỉ tương đương... 1 ly trà đá.
Liệu “vua cá tra” có trở lại? Một câu hỏi rõ ràng không dễ trả lời với giới đầu tư. Hiện tại, thời điểm 31.12.2017, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của HVG dù đã giảm 22% so với thời điểm 1.10.2017 nhưng vẫn còn hơn 6.036 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn là hơn 5.287 tỷ đồng, giảm 1.782 tỷ đồng (tương đương 25%). Còn nợ dài hạn là hơn 748 tỷ đồng, tăng 11%.
Đáng nói, nguyên nhân chính dẫn đến gánh nặng nợ vay của Hùng Vương giảm mạnh là do HVG không còn phải hợp nhất các khoản nợ của Thực phẩm Sao Ta trong báo cáo tài chính (Tại thời điểm 31.12.2017, tổng nợ vay (nợ ngắn hạn) của Thực phẩm Sao Ta là gần 976,5 tỷ đồng).
Ngay lúc này, những nhà đầu tư nắm cổ phiếu HVG cũng đang kỳ vọng sắp tới, việc HVG tiếp tục thực hiện thoái trên 50% vốn tại Công ty CP Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng (dự kiến hoàn tất trước ngày 15.2.2018) sẽ là thông tin tốt với cổ phiếu HVG.
Điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu khi tại thời điểm 31.12.2017, Việt Thắng còn gần 1.597 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và 528,8 tỷ đồng nợ vay dài hạn. Đây cũng là “khối u” còn nặng nề nhất của “vua cá tra” cần cắt bỏ ngay lập tức nếu muốn trở lại đường đua. Bởi, nếu thoái vốn thành công, HVG có thể loại toàn bộ số nợ lên tới 2.125 tỷ đồng ra khỏi BCTC của mình.
Dù vậy, thương vụ này khả năng sẽ gặp khó rất lớn do kết quả kinh doanh của Việt Thắng thời gian gần đây cũng cực kỳ u ám.
Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của năm tài chính 2017 (1.10.2016 – 30.9.2017) của Việt Thắng ghi nhận bị âm tới 375,7 tỷ đồng, còn lợi nhuận sau thuế quý I.2018 âm 62,6 tỷ đồng. Kết quả này đã làm cho tổng lỗ lũy kế tính đến thời điểm 31.12.2017 của Việt Thắng là hơn 292 tỷ đồng.