Em Zhao Jinbao, 7 tuổi ở Cam Túc, với thông điệp: “Bố ơi, bao giờ bố về?”. Theo ông Ren, bố của cậu bé đã đi làm việc ở thành phố Bạch Ngân được 1 năm còn mẹ cậu bé thì nấu ăn và làm việc ngoài đồng. Ảnh: Ren Shechen
Thế giới nội tâm
Theo ông Ren, những đứa trẻ bị bỏ rơi – dù được ông bà chăm sóc, cho ăn mặc đầy đủ - vẫn cảm thấy lạc lõng và bị hắt hủi do thiếu đi sự thương yêu, ở bên của cha mẹ.
“Nhiều cha mẹ đã rời khỏi nhà khi con mới chỉ 1-2 tuổi. Vì thế khi họ gọi về nhà, những đứa trẻ thường không bắt máy bởi chúng không hề có tình cảm gì với những người đã sinh ra mình”, ông Ren cho biết.
Em Wang Zixuan với thông điệp "Con nhớ bố mẹ. Bố mẹ đã đi làm xa. Đã 3 năm rồi con chưa được gặp bố mẹ". Ảnh: Ren Shechen
Một trường hợp điển hình là em Wang Zixuan, 8 tuổi ở tỉnh Cam Túc (Trung Quốc). Cha mẹ em đã gửi con cho ông bá và thường xuyên đi làm việc xa đến mức khoảng 3 năm nay, cả gia đình vẫn chưa hề gặp mặt nhau. Trong một trường hợp khác đau lòng hơn, Ren đã gặp 1 cậu bé có tâm sự đến lạnh gáy: em không muốn mẹ mình có mặt trên đời nữa do bà đã rời bỏ bố em khi ông làm việc ở xa làng!
Bị bỏ lại
Theo số liệu hồi năm 2016, Trung Quốc hiện đang có hơn 9 triệu trẻ em dưới 16 tuổi ở các vùng quê phải sống xa bố/mẹ hoặc cả hai. Còn theo một cuộc điều tra dân số trước đó vào năm 2010, khoảng 60 triệu trẻ em dưới 18 tuổi là “những đứa trẻ bị bỏ rơi”.
Theo CNN, tốc độ phát triển kinh tế nhanh là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng này. Theo đó, nhiều cặp cha mẹ đã chọn cách lên các thành phố lớn để làm việc kiếm sống bởi cơ hội ở những nơi này cao hơn là các vùng quê xa xôi nơi họ sinh ra. Tuy nhiên, hầu hết những người này – do luật quy định - lại không thể thay đổi hộ khẩu của mình và gia đình khi thay đổi nơi sống, dẫn tới việc khó khăn hoặc không thể tiếp cận các dịch vụ công cộng như trường công. Do đó, cha mẹ buộc phải để con ở nhà với ông bà hoặc họ hàng và gửi tiền về hàng tháng để con cái mình có cuộc sống vật chất đầy đủ.
Bé Gou Lingyu, 6 tuổi với thông điệp "Mẹ ơi, mẹ đâu rồi? Mẹ đã đi làm lúc con được 6 tháng tuổi. Bố nấu cơm cho con ăn, đưa con tới trường và làm việc ngoài đồng hàng ngày". Bên trái bảng ghi một thông điệp khác là "Mẹ ơi, bao giờ mẹ sẽ về?". Ảnh: Ren Shechen
Được biết, các cuộc nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc thiếu đi tình thương yêu của bố mẹ khiến trẻ có nguy cơ cao bị bạo hành, gặp các vấn đề tâm lý hoặc vấn đề hành vi và thậm chí là tự tử. Hiểu được điều này, vào năm 2016, chính phủ Trung Quốc đã ban hành nhiều hướng dẫn nhằm bảo vệ “những đứa trẻ bị bỏ rơi”, trong đó bao gồm việc yêu cầu các quan chức địa phương phải thường xuyên nắm bắt tình hình các em cũng như thúc giục các bậc cha mẹ thường xuyên liên lạc với con thông qua điện thoại hoặc ứng dụng gọi video chat.
“Ngày này, các công nghệ như gọi điện trực tuyến giúp cha mẹ liên lạc với con cái dễ dàng hơn. Tuy nhiên, những đứa trẻ vẫn cần ‘hơi’ của cha mẹ chúng”, ông Ren khẳng định.
Tại Trung Quốc, vấn đề “trẻ bị bỏ rơi” không quá mới. Thế nhưng, câu chuyện về Vương Phú Mãn - “Cậu bé băng giá” 8 tuổi với mái tóc và lông mày bị phủ trắng bởi tuyết sau khi đi bộ hơn một tiếng trên quãng đường dài 4,5 km để đến trường trong buổi sáng mùa đông khắc nghiệt lạnh âm 9 độ C – một lần nữa lại dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng này. |