Dân Việt

Rưng rưng buổi chiều ở nghĩa trang Mai Dịch

Khánh Gia 09/02/2018 19:00 GMT+7
Tại nghĩa trang Mai Dịch, TP.Hà Nội, nơi an nghỉ của nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng, nhà nước và cả những liệt sĩ chưa tìm được thấy tên tuổi, những ai đã vào đây thắp hương một lần đều có chung một cảm nhận: họ đang quây quần bên nhau, một cách khiêm nhường nhưng ấm cúng.

Câu chuyện về những ngôi mộ

Khi nhắc tới nghĩa trang Mai Dịch, nhiều người vẫn nghĩ rằng, nơi đó chỉ dành cho những cán bộ cấp cao, với những tiêu chuẩn hiếm hoi, nhưng khi vào đây tôi mới khám phá ra một điều: Đây không chỉ là nơi an nghỉ của nhiều lãnh đạo mà ta đã học trong sử sách như: Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Tổng Bí thư Trường Chinh, Tổng Bí thư Lê Duẩn... mà còn có nhiều liệt sĩ thời kỳ Hà Nội kháng chiến chưa biết hết tên. Nhiều ngôi mộ chỉ có hai từ “Liệt sĩ” khắc trên tấm bia thờ.

img

Ông Nguyễn Chí Hòa, con nhà cách mạng Nguyễn Chánh, đang viếng người thân của mình.

Lặn lội từ quận Đồ Sơn, Hải Phòng lên nghĩa trang Mai Dịch, bà Ngô Thị Liên (78 tuổi), đứng chắp tay trước ngôi mộ trước ngôi mộ chú ruột - liệt sĩ Ngô Văn Vươn (SN 1920, hy sinh  đầu năm 1947). Bà xúc động kể: “Tìm được chú tôi ở đây là mừng lắm rồi. Trước kia gia đình tôi vẫn bị mang tiếng là phản động đi theo giặc Pháp. Đến năm 1997 bà Xuyến - vợ chú tôi mới tìm về quê Đồ Sơn kể chuyện. Thì ra bà Xuyến được cách mạng tổ chức cưới ông Vươn trong kháng chiến, khi đó ông là tiểu đội trưởng của tiểu đội tự vệ thành Hà Nội".

Theo bà Liên, ông Vươn và bà Xuyến mới cưới nhau được 4 ngày thì quân Pháp quay lại đánh chiếm Thủ đô. Khi đó ông Vươn đã chỉ huy tiểu đội của mình đánh nhau với giặc. Ông hy sinh ở chùa Kim Mã và được đồng đội an táng ngay trong chùa. Sau ngày hòa bình lập lại, những đồng đội của ông Vươn còn sống, khi nhà nước xây dựng nghĩa trang Mai Dịch đã tìm và quy tập tiểu đội trưởng của mình về nơi này.

Bà Liên chia sẻ thêm, phải đến năm 1998, sau hơn 50 năm, gia đình bà Liên mới nhận được bằng Tổ Quốc Ghi Công của liệt sĩ Ngô Văn Vươn. 

“Bố tôi là ông Ngô Văn Vườn trước kia thường kể về chú Vươn là một người gan góc, can trường và học giỏi. Lúc hy sinh chú tôi mới 27 tuổi, chú nói được 3 tiếng nước ngoài là Pháp, Trung Quốc và Anh. Hiện trong  chùa Kim Mã vẫn còn khắc bài thơ thề quyết tử cho Tổ quốc của chú tôi”, bà Liên tự hào kể về người chú liệt sĩ.

Bà Liên chia sẻ tiếp: “Chúng tôi tuy là con cháu nhưng cũng gần 80 tuổi. Từ ngày biết chú tôi được nằm trong nghĩa trang Mai Dịch, năm nào gia đình tôi cũng lên thắp hương cho chú 2 lần. Sau này, thế hệ chúng tôi già yếu hay mất đi thì trăm sự gửi lại cho nhà nước chăm sóc chú tôi”.

Sáng 7.2, hòa trong dòng người lặng lẽ đến thắp hương cho người thân của mình có ông Nguyễn Chí Hòa, con nhà cách  mạng Nguyễn Chánh (quê Quảng Ngãi, mất năm 1957 khi 43 tuổi).

img

Những ngôi mộ tại nghĩa trang Mai Dịch được chăm sóc cẩn thận.

Ông Hòa cho biết: “Tôi là con út trong gia đình 6 anh em, mẹ tôi là cụ Phạm Thị Trinh, năm nay 104 tuổi, là người còn sống có tuổi Đảng cao nhất 88 tuổi. Trước kia gia đình tôi ở phố Lý Nam Đế, bố tôi là trưởng ban cán bộ tập kết miền Nam ra Bắc. Sở dĩ chúng tôi đều có tên đệm là Chí vì bố tôi Nguyễn Chánh và ông Nguyễn Chí Thanh  đều bị giam cùng một xà lim tại nhà tù Buôn Ma Thuột. Các cụ quyết chí đi theo cách mạng nên sau này đều đặt tên con có chữ đệm là Chí. Tôi cùng lứa tuổi với tướng Nguyễn Chí Vịnh, con trai Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, trước kia  cũng theo học thiếu sinh quân, sau đi bộ đội giải phóng tôi về học Tổng hợp Sử, và làm ở Viện Sử cho đến khi về hưu”.

Ông Hòa cho biết thêm, mỗi năm vào viếng bố, ông còn viếng người bác ruột - anh trai mẹ ông, là Trung tướng Phạm Kiệt, trước kia là Thứ trưởng Bộ Công an kiêm Tư lệnh và Chính ủy Bộ đội Biên phòng.

Ông Hòa cho biết, mẹ ông là bà Phạm Thị Trinh cũng có tiêu chuẩn được an nghỉ tại nghĩa trang Mai Dịch này. Mẹ ông nguyên là Hội trưởng Phụ nữ Liên khu V (1946 - 1954); Trưởng ban tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (1955 - 1976). Nguyện vọng của gia đình là mong cụ Trinh được an táng ở Mai Dịch, để đi lại thăm viếng gần hơn. Tuy là cán bộ cao cấp nhưng cụ Trinh có lối sống giản dị. Cụ không muốn nhà nước phải tốn kém lo cho phần hậu sự của cụ nên chỉ cần một phần mộ khiêm nhường trong nghĩa trang cho gần chồng, gần anh trai trong gia đình.  

Các mộ phần đều được chăm sóc như nhau

Hiện nay tại nghĩa trang Mai Dịch, đang có 1224 liệt sĩ được an nghỉ ở đây và hàng trăm phần mộ cán bộ cấp cao, được phân ra các khu vực. Thẳng cổng chính vào là những phần mộ của các vị nguyên Ủy viên Bộ Chính trị như Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Hoàng Quốc Việt, Tố Hữu… Theo quan sát của PV, những ngôi mộ này không to hơn phần mộ của những cán bộ khác, được bố trí hài hòa và khá khiêm nhường. Trên mộ của những vị lãnh đạo này đều có hình ảnh và một tấm bia ghi rõ vị trí và nhiệm kỳ công tác của các cán bộ.

Theo sơ đồ của nghĩa trang, các nhóm mộ được phân ra các khu vực: Nhóm mộ các tướng lĩnh trong quân đội - công an, khu vực các văn nghệ sĩ như nhà văn: Nguyễn Đình Thi, Huy Cận, Phạm Huy Thông, Trần Hoàn...

Theo chị Dương Thanh Thủy (52 tuổi, công nhân chăm sóc nghĩa trang Mai Dịch), từ tổ trưởng đến những công nhân đều nhận thức rằng tất cả những người đang an nghỉ trong nghĩa trang này đều là người có công với cách mạng và nhà nước, mộ phần phải được chăm sóc một cách tỉ mỉ, chu đáo. Tất cả các ngôi mộ đều được cắt tỉa cỏ, quét dọn cẩn thận và làm lần lượt theo định kỳ.

img\

Công nhân chăm sóc nghĩa trang.

Chị Thủy cho biết thêm, tuy cả tổ chăm sóc chỉ có 24 người nhưng khối lượng công việc khá lớn. Đặc biệt là vào những ngày lễ tết của dân tộc, đội của chị phục vụ nhiều đoàn của Đảng và nhà nước cùng đông đảo nhân dân tới thắp hương.

“Chúng tôi ở đây phải ý thức từ lời ăn tiếng nói, cử chỉ hành động và công việc để giữ nghĩa trang luôn xanh, sạch đẹp, tôn nghiêm, xứng đáng với những gì các anh hùng liệt sĩ, cán bộ đã đóng góp cho đất nước”, chị Thủy nói.