Dân Việt

“Lời nguyền” ở vùng đất phụ nữ bén mảng vào là chết hoặc phát điên

23/01/2013 07:06 GMT+7
(Dân Việt) - Đã từ lâu lắm, người dân các bản trong xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai và một số vùng lân cận coi mảnh đất này là nơi linh thiêng ẩn chứa một lời nguyền độc địa.

Lời nguyền ấy nghiêm cấm mọi phụ nữ bước chân vào khu vực ngôi đền cổ xưa. Nếu ai trót trái lời nguyền là y như rằng bị phát điên hoặc chết đường, chết chợ.

“Nằm trên đường vào trung tâm xã Nghĩa Đô nơi bản Nà Đình là một rừng vầu hoang vu, rậm rạp. Ít ai biết được, xưa kia nơi đây từng có một ngôi đền linh thiêng phục vụ cho việc sinh hoạt văn hóa tâm linh của đồng bào Tày trong cả vùng sơn cước rộng lớn. Rẽ vào con dốc nhỏ, đến gần trường THCS Nghĩa Đô là vùng đất mà người ta vẫn sợ sệt với lời nguyền cấm đàn bà, con gái.

img
Ông Ma Văn Luồm đang chỉ vùng đất trước kia là đền Nghĩa Đô

Vùng đất bí ẩn

Người dân bản xứ kể rằng, ngày xưa, có một ông buôn thuốc phiện lên Bắc Hà (Lào Cai), khi đi đến bản Trung Đô thì trời tối. Không có chỗ ngủ, ông ta mới chui vào một cái lều bên đường trú tạm. Sáng hôm sau, khi tỉnh dậy, ông thấy một bát hương ngự trên bụng. Thấy lạ, người đàn ông mới mang về với ý định tìm một chỗ nào đó để thờ cúng. Tuy nhiên, mỗi lần ông đặt xuống thì bát hương cứ lăn vòng tròn mãi không thôi.

Thử ở nhiều chỗ không được, ông buôn thuốc phiện mới chán nản cho rằng mình bị thần phạt, khó có thể sống tiếp trên cõi đời này. Tuy nhiên, khi ông lang thang qua khu vực bản Nà Đình thì vô tình bát hương tuột khỏi tay lăn vài vòng rồi dừng lại. Người này mừng quá, vội vàng làm lễ tại chỗ tạ ơn thần linh. Người dân xung quanh biết chuyện cũng đem đèn hương đến thờ cúng. Đền Nghĩa Đô có từ lúc đó.

img Chuyện đàn bà, con gái vào đền bị phát điên hay đột tử chỉ là những câu chuyện người xưa kể lại nói về việc trọng nam, khinh nữ. Hiện tại, người dân và các em học sinh vẫn đi lại qua vùng đất đền cũ nhưng chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Nhiều người vẫn kiêng kỵ thì đấy là việc tín ngưỡng riêng của họ. Sắp tới, đền Nghĩa Đô đã được đưa vào dự án xây dựng nông thôn mới. Chính quyền địa phương cũng sẽ tổ chức tuyên truyền để tránh những lời đồn mê tín dị đoan lan rộng trong nhân dân. img

Ông Nguyễn Văn Quay - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đô

Người ta đồn rằng, ngôi đền gắn với một lời nguyền, nếu đàn bà, con gái đi lạc vào thì sẽ bị báo oán. Chẳng rõ thực hư thế nào, nhưng đến nay lời nguyền đó vẫn ăn sâu vào đời sống của người dân trong vùng và chẳng người phụ nữ nào vi phạm.

Ông Ma Văn Luồm (SN 1948), một người dân sống ở Nà Đình đã lâu năm, cho biết: “Ngôi đền trước đây giờ chỉ còn lại vết tích là các bậc thang lên xuống được kè đá, nền đình lát đá và chiếc giếng cổ. Ngày xưa, chiếc giếng này lúc nào nước cũng trong vắt nhưng không ai dám uống vì sợ thánh thần quở phạt.

Ở đền cũ còn có một cây đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Năm 1962, khi phá đền, người ta cũng chặt luôn cây. Hiện tại, đã có một cây đa hơn chục năm tuổi mọc lên từ vị trí gốc đa cũ. Khuôn viên của đền trước đây khá rộng. Một phần đất đã được lấy để làm đường đi, một phần thuộc vườn nhà tôi, còn phần lớn nhất là khu rừng vầu rậm rạp giáp với Trường THCS Nghĩa Đô”.

Dù ngôi đền đã không còn nữa nhưng người dân nơi đây vẫn khẳng định, phụ nữ mà đi vào khu vực đền là y như rằng gặp chuyện. Nỗi khiếp đảm ấy cứ được thêu dệt, truyền miệng nhau từ thế hệ này qua thế hệ khác. Người ta kể rằng, đàn bà, con gái đi vào đấy người thì điên, người thì bệnh tật, người thì tai nạn chết đường, chết chợ không rõ nguyên nhân.

img
Xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, nơi có vùng đất mang lời nguyền bí ẩn

Sự việc xôn xao dư luận gần đây nhất là vào năm 2006 - 2007 khi Trường THCS Nghĩa Đô được xây dựng. Người ta vô tình làm nhà vệ sinh sang đất cũ của đền. Ngay sau đó, mấy em học sinh nữ của trường đã bị rối loạn tâm thần khiến cho người dân trong vùng hoang mang cực độ. Gia đình những em học sinh này phải mời "thầy phù thủy" cao tay nhất vùng về cúng bái thì các bệnh nhân mới trở lại bình thường (?). Sự việc đó càng khiến cho người ta tin hơn vào một lời nguyền từ hàng trăm năm trước.

Ông Ma Văn Luồm kể thêm, khi chính quyền chia lại đất, phần đất của gia đình ông bao gồm cả phần đất đền trước đây. Khi đến đây ở, gia đình ông cũng gặp phải rất nhiều sự lạ. Mỗi khi trồng cây hay động thổ, trong nhà ông thường xuyên có người ốm đau, khó ở. Gia súc, gia cầm thì thi thoảng lại hoảng loạn hoặc bị bệnh chết không biết vì sao.

Gia đình ông Luồm rất hoang mang liền mời "thầy phù thủy" về trấn yểm. Họ cho biết nhà ông bị động do chạm vào đất thiêng. Sau khi nhờ thầy cúng bái và làm lễ “cắt đất” thì cuộc sống lại bình thường như không có gì xảy ra. Hiện tại, rừng vầu cũng do nhà ông quản lý. Tất nhiên, ông Luồm coi sóc vùng đất đó với sự sùng kính tự đáy lòng.

Giải mã lời nguyền

img
Ông Ma Thanh Sợi kể lại lịch sử ngôi đền

Để hiểu rõ hơn câu chuyện mang đậm màu sắc tâm linh liên quan đến ngôi đền cổ, chúng tôi đã tìm đến nghệ nhân Ma Thanh Sợi (SN 1944) ở chân núi bản Rịa, người được coi là truyền nhân lưu giữ những “trầm tích” của người Tày Nghĩa Đô. Ông Sợi đã miệt mài tìm kiếm và lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử thiêng liêng của người Tày với mong muốn bảo tồn để truyền lại cho thế hệ sau.

Khi hỏi về ngôi đền Nghĩa Đô, nghệ nhân Ma Thanh Sợi kể vanh vách cho chúng tôi nghe về lịch sử hình thành cũng như văn hóa tâm linh của ngôi đền. Ông Sợi cho biết, vào giữa thế kỷ XIX, để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tâm linh của bà con Mường Khuông (tên cũ của xã Nghĩa Đô từ thế kỷ XVII), mường đã cử ba nhóm người đi về ba nơi để xin rước thần về thờ cúng.

Một nhóm đi lên Kho Giàng, một nhóm đi lên Bảo Nhai (Bắc Hà), một nhóm đi Bảo Hà. Sau một tháng tìm kiếm, ba nhóm họp lại và quyết định lên làng Trung Đô thuộc xã Bảo Nhai để xin được rước thánh về thờ. Ba vị thánh gồm Vũ Văn Mật, Vũ Công Kỳ, Vũ Công Ứng, hay gọi chung là Chúa Bầu, có công khai phá đất này từ thế kỷ XVI.

Hành trình đi xin rước thánh cũng lắm gian nan. Phái đoàn ba người được cử đi gồm ông Hoàng Văn Tiếp, ông Lương Văn Thỏi và ông Cổ Văn Nhập. Chuyến đi đầu tiên, ba người lên đặt vấn đề xin rước thánh với người làng Trung Đô không có chuyện gì xảy ra. Tuy nhiên, trong chuyến đi thứ hai, ông Cổ Văn Nhập bị chết do đau bụng. Hai người còn lại nhờ người đưa ông Nhập về rồi tiếp tục hành trình. Tuy nhiên, đến nơi, người Trung Đô hẹn 3 năm sau mãn tang rồi hãy quay lại thì họ mới cho rước.

Năm 1950, tức 3 năm sau cái chết của ông Nhập, các cụ trong mường nhất trí để đoàn gồm hai người đi rước thánh. Tuy nhiên, hai người vợ của ông Hoàng Văn Tiếp và ông Lương Văn Thỏi sợ chồng chung số phận với ông Nhập nên nhất quyết không cho chồng đi. Người có chức quyền lớn nhất Mường Khuông lúc ấy bảo: “Mồm đàn bà chỉ làm hỏng việc lớn, sau này đưa được thánh về thì cấm không cho đàn bà vào đền”. Sau đó khi xây dựng đền thì người ta thêu dệt nên nhiều câu chuyện linh thiêng khiến phụ nữ không ai dám vào đền. Ai vào đều bị sự trừng phạt của thánh như bị điên dại, bị ốm đau hay bị chết đường chết chợ.

Hôm khánh thành, người dân cả khu vực Mường Khuông đến tham dự. Người tạo mường bảo, cái tên Khuông mà đặt cho đền thì mang lại nhiều điềm quái gở và nghe không được hay. Chính vì thế mà ông đã phát động cả mường cùng nghĩ tên để đặt cho ngôi đền. Hôm đó, người ta có mời hai người ở trên Trung Đô xuống tham dự. Hai người này đã gợi ý rằng đặt tên gì thì cũng nên giữ lại chữ “Đô” là nơi người dân Mường Khuông đến rước thánh.

Cái tên Nghĩa Đô ra đời từ đó. Hiện nay, dấu tích đền Nghĩa Đô không còn lại nhiều nhưng người dân ai ai cũng nhớ nơi đây từng có một ngôi đền cổ kính. Mong muốn của người dân cũng như chính quyền sở tại là khôi phục lại được ngôi đền để có nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh và lưu giữ những giá trị lịch sử của tổ tiên để lại.

Theo Dòng Đời