Theo lời kể của Thiếu tướng Nguyễn Trung Kiên – nguyên chủ nhiệm pháo binh ở chiến dịch Đường 9 Khe Sanh trên Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng của báo QĐND tháng 5.2006, để chuẩn bị cho chiến dịch đường 9, Bộ Quốc phòng đã chuẩn bị từ sớm cho sự xuất hiện của pháo cỡ lớn nhằm gây bất ngờ cho Mỹ.
Từ tháng 8.1967, Bộ Tư lệnh Pháo binh cử một đoàn cán bộ tham mưu tác chiến mang theo toàn bộ Trung đoàn trinh sát pháo binh 97 vào chiến trường Đường 9 - Khe Sanh với nhiệm vụ chuẩn bị chiến trường cho một lực lượng pháo lớn gồm năm trung đoàn và một tiểu đoàn pháo hỏa tiễn (trong đó có ba trung đoàn pháo dự bị của Bộ là 45 - 675 - 204 và Tiểu đoàn 16 hỏa tiễn) để tham gia tác chiến chi viện cho ba sư đoàn bộ binh 304, 320, 325 và Trung đoàn độc lập 270 tham gia chiến dịch.
Đây là lần đầu Việt Nam sử dụng một số lượng đơn vị pháo lớn gồm nhiều loại trọng pháo (130, 152, Đ74, 100, 105, 85 và ĐKB) bố trí sát sông Bến Hải và cả phía Nam vĩ tuyến 17. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để đưa được khối lượng xe pháo gần 200 khẩu chiếm lĩnh trận địa bí mật an toàn rồi bất ngờ nổ súng theo thời gian quy định.
Yếu tố "bí mật bất ngờ" trong sử dụng pháo được đưa lên hàng đầu vì ở đây kể từ năm 1965, khi quân Mỹ đưa quân vào xâm lược miền Nam, họ đã áp dụng mọi biện pháp hiện đại như hàng rào điện tử, thả máy trinh sát tiếng động cơ xe, đặt hệ thống trạm rađa phát hiện pháo cùng với hàng ngày tung các lực lượng thám báo nhằm theo dõi mọi hành động của bộ đội pháo, nhưng chúng ta cũng đã có kinh nghiệm giữ bí mật bất ngờ trong lần đầu sử dụng trọng pháo ở chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.
Lần này, quân Mỹ vẫn cứ bị bất ngờ về nghệ thuật giữ bí mật của pháo binh ta. Nguyên nhân là vì họ không thể ngờ trong thế trận chiến tranh nhân dân phát triển mạnh ở vùng địch tạm chiếm Quảng Trị, các buồng nhà dân là kho chứa đạn pháo lớn, ngoài sân vườn nhà dân là trận địa bắn pháo, những chiếc áo màu, chiếc đòn gánh của các cô gái cắt cỏ, làm đồng quanh các căn cứ quân sự của Mỹ lại là ký hiệu, vật chuẩn để chiến sĩ pháo binh đo đạc xác định phần tử bắn.
Quân Mỹ cũng không ngờ cả một trung đoàn trọng pháo do xe xích kéo pháo Đ74 bắn xa 24 km đã được bí mật xây dựng trong vùng rừng núi tỉnh Hòa Bình rồi bất ngờ hành quân bôn tập liên tục 47 ngày đêm dọc theo đường Trường Sơn qua ngầm Tà Lê, cua chữ A, đèo Phu La Nhích và an toàn chiếm lĩnh trận địa ở Nam vĩ tuyến 17 ngay trong vùng đường 9 sẵn sàng nổ súng vào cụm cứ điểm Tà Cơn - Khe Sanh.
Còn ở phía Bắc sông Bến Hải theo sự điều hành chỉ huy của cơ quan pháo Mặt trận, từng đại đội pháo 130, 152, 100, 105, 85 lần lượt bí mật chiếm lĩnh theo các đường cơ động được ngụy trang kín đáo. Để bảo đảm tuyệt đối giữ bí mật trong việc chuẩn bị chiến trường, mọi công tác chuẩn bị cho năm trung đoàn pháo từ việc xác định đội hình chiến đấu đến tính toán các phần tử bắn cho từng mục tiêu đều do đoàn cán bộ chiến sĩ đi chuẩn bị chiến trường của Bộ Tư lệnh pháo và cơ quan pháo Quân khu 4 đảm nhiệm tiến hành ròng rã trong bốn tháng và chỉ được lệnh bàn giao cho người chỉ huy trung đoàn pháo khi Bộ Tư lệnh Mặt trận Đường 9 - Khe Sanh chính thức giao nhiệm vụ tác chiến cho các Sư đoàn trưởng bộ binh.
Bước vào chiến dịch, theo lệnh của Tư lệnh Mặt trận Trần Quý Hai, tất cả 200 khẩu pháo lớn và hàng trăm khẩu cối, đã bất ngờ dội bão lửa vào các căn cứ sân bay, kho tàng, sở chỉ huy Mỹ ở Tà Cơn, các căn cứ hỏa lực Mỹ ở điểm cao 24, Quán Ngang, Đông Hà, Dốc Miếu và hầu hết các cứ điểm Mỹ - ngụy từ Cửa Việt đến Huổi San, Lao Bảo. Đạn trúng mục tiêu gây cho địch thương vong lớn, phá hủy nhiều máy bay, cụm pháo, làm nổ nhiều kho ở cụm cứ điểm Tà Cơn. Hoảng hốt trước đòn tiến công của ta, tướng Oét-mo-len đã phải thân chinh ra đường 9 trinh sát và ra lệnh dùng mọi ưu tiên để chống đỡ với cuộc tiến công của ta. Từ nước Mỹ, Giôn-xơn cũng phải tuyên bố: "...Chúng ta đang ở đêm trước một cuộc tiến công lớn vào Khe Sanh, tôi không muốn có một Điện Biên Phủ ở Khe Sanh...".
Trong khi tất cả mọi chú ý của kẻ địch đều dồn cả về Mặt trận Đường 9 - Khe Sanh thì một bất ngờ lớn hơn là sự kiện Tết Mậu Thân xảy ra gây cho Mỹ thiệt hại lớn và lúng túng bị động.
Nói riêng về chiến thắng của đòn tập kích hỏa lực pháo binh ở Khe Sanh, tướng Nguyễn Trung Kiên viết: “Chiến thắng Đường 9 Khe Sanh đã mở ra một khả năng ta có thể dùng nhiều đơn vị pháo lớn cùng bộ binh tiến công vây hãm cụm cứ điểm phòng ngự kiên cố của Mỹ - ngụy dài ngày dưới điều kiện phi pháo hết sức ác liệt của chúng. Cũng từ chiến thắng Khe Sanh với việc vận dụng yếu tố bí mật, bất ngờ và táo bạo trong sử dụng pháo binh là tiền đề để chúng ta sử dụng rộng rãi pháo xe kéo kể cả trọng pháo ở chiến trường miền Nam”.