Như Dân Việt đã thông tin, sau hai ngày xét xử, TAND TP.HCM đã ra quyết định tạm dừng phiên tòa xử vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa Vinasun và Grab Việt Nam để các bên bổ sung hồ sơ, chứng cứ.
Sau khi nhận quyết định này, đại diện cho Grab Việt Nam, ông Jerry Lim - Giám đốc Grab Việt Nam - cho biết ủng hộ quyết định của tòa tạm ngưng xét xử do không đủ cơ sở, căn cứ, đồng thời cho biết sẽ hợp tác cung cấp thông tin, bằng chứng cần thiết và có liên quan đến vụ kiện để tòa án có thể xem xét và có quyết định phù hợp với quy định của pháp luật.
Đông đảo tài xế Vinasun đến theo dõi phiên tòa chiều 7.1.
Giám đốc Grab Việt Nam thông tin, qua việc kết nối các xe taxi, ô tô và xe gắn máy trên ứng dụng của Grab, Grab Việt Nam đã giúp tiết kiệm được 51% thời gian di chuyển của người dân so với sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Thu nhập bình quân tính theo giờ của các đối tác tài xế cao hơn 55% so với mức bình quân cả nước và người dân lựa chọn Grab vì biết trước giá, rất thuận tiện.
Người đứng đầu Grab khẳng định luôn tuân thủ quy định pháp luật hiện hành. Dịch vụ GrabCar được cho phép triển khai thí điểm kết nối xe hợp đồng tại 5 tỉnh, thành phố. Ngoài Grab còn có 9 công ty khác được trao cơ hội tham gia vào đề án thí điểm này trong đó có Vinasun với dịch vụ VCAR. Tất cả các đơn vị tham gia vào đề án thí điểm đều có cơ hội như nhau trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ. Bên cạnh đó, dịch vị GrabBike, GrabTaxi là 2 dịch vụ được tích hợp trong ứng dụng Grab đã được đăng ký với Bộ Công Thương là ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử có phạm vi hoạt động trên cả nước.
Đại diện GrabTaxi trình bày tại tòa.
Trước đó tại tòa, Vinasun cho rằng GrabTaxi hoạt động như một doanh nghiệp vận tải, cạnh tranh không lành mạnh, khuyến mãi tràn lan... gây thiệt hại trực tiếp cho Vinasun 41 tỷ đồng. Do đó, Vinasun khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Tuy nhiên, GrabTaxi đã bác bỏ yêu cầu khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại 41 tỷ đồng từ Vinasun bởi cho rằng đây là điều không có căn cứ. Đặc biệt, Grab cho rằng Vinasun cáo buộc về việc sụt giảm lợi nhuận của Vinasun là do hoạt động kinh doanh trái pháp luật của Grab Việt Nam gây ra là không có căn cứ pháp lý. Việc sụt giảm lợi nhuận là do đầu tư dàn trải, quản lý không hiệu quả, do suy giảm nhu cầu trên thị trường và cả gia tăng chi phí hoạt động doanh nghiệp.