Dân Việt

Đôn đáo tìm giúp việc ngày tết

Nguyệt Tạ 13/02/2018 06:23 GMT+7
Tết cận kề, bên cạnh niềm vui chuẩn bị đón xuân nhiều gia đình cũng đang tất bật, lo chạy đôn chạy đáo tìm người giúp việc. Dù hứa hẹn trả mức lương 700-800 nghìn đồng/ngày nhưng nhiều gia chủ vẫn không thể tìm được người chịu ở lại làm ngày tết.

Phí cung cấp người giúp việc tăng đột biến

Chị Nga - chủ Công ty Giúp việc 88 (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho hay, thời điểm này đã có rất nhiều gia đình đăng ký tuyển giúp việc toàn thời gian ở lại ăn tết. Thông thường gia chủ cần người làm khoảng 1 tuần tới 10 ngày. “Nếu muốn thuê người phải đăng ký và đặt cọc luôn phí dịch vụ 500 nghìn đồng. Riêng tiền thuê người thì giá thấp nhất không dưới 500 nghìn đồng/ngày. Với nhà rộng, biệt thự, hoặc trông người già, người ốm... thì giá có thể cao gấp đôi” – chị Nga nói.

img

   Dù trả tiền triệu nhưng nhiều gia đình vẫn không thuê được giúp việc (ảnh minh họa). Ảnh: Minh Nguyệt

"Thường cứ tới dịp cuối năm, khoảng đầu tháng 12 âm lịch, Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội lại tổ chức các phiên giao dịch việc làm bán thời gian nhằm kết nối cung - cầu lao động. Thông thường thời điểm này một số ngành nghề dịch vụ thiếu nhiều lao động nhất, như bán hàng, vận chuyển đồ, dọn nhà cửa, nghề giúp việc gia đình, nhà hàng, khách sạn...”.

Ông Vũ Quang Thành -
Phó Giám đốc Trung tâm
Giới thiệu việc làm Hà Nội

Một trung tâm khác trên đường Xuân Thuỷ (Cầu Giấy, Hà Nội), cho biết đã dừng nhận đơn cung cấp người giúp việc. Chị Nguyễn Tuyết Lan – chủ trung tâm này cho biết, đã tiếp nhận hơn 200 đơn đặt hàng, đa phần là tuyển người giúp việc theo giờ, làm ca, dọn dẹp vệ sinh, trông nhà. Số ít khoảng 10% cần người giúp việc toàn thời gian, ăn ở tại nhà.

Mặc dù không tính phí dịch vụ nhưng cơ sở này lại đánh thuế hết vào tiền lương của người lao động. Khi tuyển, chủ nhà sẽ phải trả trước 70% tiền lương vào tài khoản của trung tâm, sau đó trung tâm sẽ đưa tiền này cho người lao động.

“Cả năm mới có một cái tết nên hầu hết lao động đều mong muốn về nhà đón tết, chỉ trừ một số lao động đơn thân, không có gia đình mới ở lại làm thêm. Tuy nhiên, mức lương chắc chắn không dưới 700 nghìn đồng/ngày, bao gồm cả ăn ở” - bà Lan nói.

Hiện nay, theo danh sách đơn vị này mới cập nhật, tính đến hết ngày 8.2 đã có 15 lao động đăng ký ở lại làm thêm toàn thời gian. Ngoài ra, trung tâm cũng có 20 lao động làm dịch vụ giúp việc theo giờ trước, trong, sau tết, đảm bảo lúc nào khách hàng gọi cũng sẽ được đáp ứng.

Gia chủ kêu trời vì không thuê được người

Mặc dù có khá nhiều gia chủ cần người giúp việc, nhận trả lương hậu hĩnh kèm tặng quà nhưng nhiều người giúp việc vẫn từ chối ở lại làm tết.

Chị Lê Lan Phương (Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, nhà có mẹ chồng ốm nặng phải nằm một chỗ, vì vậy năm nào cứ tới tết người giúp việc về quê là hai vợ chồng lại chật vật đi tìm người giúp việc. “Mình liên hệ qua mấy trung tâm, thậm chí cũng chủ động gọi tới mấy người giúp việc nhưng họ đều từ chối làm tết và không muốn chăm người ốm. Thêm vào đó, họ cũng đòi lương cao quá, tận 1 triệu/ngày, thế nên đến giờ giúp việc đã về quê mà mình vẫn chưa tuyển được người, phải ở nhà chăm bà” - chị Phương nói.

Cùng nỗi lo lắng, chị Nguyễn Hằng Thơ (Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng cho biết, năm nay giúp việc về quê từ 23 tháng Chạp, nên gia đình phải thuê người khác. Chị đã hỏi thuê ở mấy trung tâm mà không có người hoặc có lao động lại đòi công cao quá, trung tâm thì đòi phí đắt quá.

“Lao động giúp việc toàn thời gian thì khó thuê nên nhà mình chuyển qua thuê giúp việc theo giờ. Công việc chính là dọn nhà, rửa bát. Lao động nhận làm qua tết, lương là 70 nghìn đồng/giờ. Tính ra lương còn dễ chấp nhận hơn lao động làm toàn thời gian mà đỡ phải lo khoản ăn uống” - chị Thơ nói. 

Bà Nguyễn Ngọc Anh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và xã hội, đơn vị chuyên hỗ trợ lao động giúp việc gia đình - cho rằng thị trường lao động cuối năm luôn “nóng” bởi cầu nhiều hơn cung. Theo bà Ngọc Anh: “Sau một năm lao động vất vả, các gia đình cũng nên cho lao động nghỉ ngơi về quê ăn tết với gia đình. Nếu có thể, mọi người trong nhà nên phân công, chia sẻ công việc với nhau để tăng sự đoàn kết, đầm ấm cũng như tăng không khí xuân trong nhà giữa các thành viên”.