“Giẫm đạp lên nhau”
Ghi nhận ở nội đô TP.HCM trong tuần qua, chỉ có thể kết luận bằng hai từ ngắn gọn: Ớn lạnh! Có nằm mơ người dân thành phố cũng khó có thể tin rằng trưa và chiều chủ nhật, thành phố lại rơi vào cảnh kẹt xe không lối thoát.
Nút cổ chai đường Trường Chinh, quận Tân Phú, TP.HCM trở thành điểm nghẽn xe “kinh niên”.
Dù là ngày nghỉ, nhưng đường Cộng Hoà (đoạn từ cầu vượt Hoàng Hoa Thám đến ngã ba Cộng Hoà – Út Tịch, quận Tân Bình), ô tô vẫn xếp hàng dài, nhích từng chút. Trong khi đó, xe máy mặc sức leo lề, nhưng cuối cùng đành chịu thua để phơi nắng, vì vỉa hè cũng kẹt. “Vẫn biết đường Cộng Hoà thường kẹt, nhưng nghĩ rằng chủ nhật đường thoáng hơn, vậy mà tôi đã lầm…”, mồ hôi đầy mặt trong dòng xe máy không thể nhúc nhích, anh Trần Văn Thanh chở vợ và hai con đi trên đường Cộng Hoà, than thở.
Còn ở hướng đường Phạm Văn Đồng lưu thông về sân bay Tân Sơn Nhất, xe cộ vướng kẹt quay đầu loạn xạ. Các phương tiện từ đường Bạch Đằng quẹo trái qua đường Trường Sơn và các phương tiện đi ra từ sân bay Tân Sơn Nhất, đều bị nghẽn lại tại khu vực trên do hướng lưu thông bị xung đột, dù đèn tín hiệu giao thông đã được bố trí. Nhiều người đi xe máy phải di chuyển chậm chạp, mệt mỏi dưới cái nắng gay gắt giữa trưa dù chạy đúng làn đường. Ở hướng ngược lại, các phương tiện cũng phải xếp thành hàng dài mỗi khi có đèn đỏ và nhiều thời điểm trở nên bát nháo khi đèn tín hiệu chuyển xanh.
Riêng các tuyến đường xung quanh chợ Tân Bình và đường Phạm Phú Thứ (con đường vừa “biến” thành chợ vải để đối phó với trường hợp khẩn cấp nếu chợ Tân Bình đập đi xây lại – PV) hoàn toàn chết cứng. Lời khuyên đưa ra ở đây là đừng dại lao vào khu vực vừa nêu trong những ngày này, bởi lượng xe ra vào chợ Tân Bình và đường Phạm Phú Thứ đã tăng lên gấp 5 – 6 lần. “Mong rằng qua ngày đưa Ông Táo về trời (tức 23 tháng chạp – NV) đường sá quanh chợ Tân Bình trở lại như xưa (tức người buôn bán ngoại tỉnh lên lấy hàng giảm), chứ như bây giờ, tiểu thương sướng bao nhiêu, dân qua lại khu vực lại khóc ròng”, bà Trần Thị Hoài, ngụ đường Hồng Lạc, quận Tân Bình, hy vọng. Theo bà Hoài, dù chủ nhật vừa rồi bà rất muốn ra ngoài sắm sửa tết, nhưng vừa chạy xe tới đường Lạc Long Quân, bà liền chạy vào, vì nhìn cả con đường xe cộ như đàn kiến đang giẫm đạp lên nhau mà đi.
Các cung đường xung quanh chợ An Đông hiện tại dù không kẹt kinh khủng như ở chợ Tân Bình, nhưng cũng đừng mơ thoát nhanh được khi qua khu vực này, bởi nơi đây đang hối hả đóng hàng chở về tỉnh. Riêng đường Xô Viết Nghệ Tĩnh – đoạn từ cầu Thị Nghè về đến ngã ba rẽ vào Thanh Đa – với khoảng 3km, nhưng hiện đố ai có thể đi đến nơi trong vòng 20 phút.
Bó tay và coi thường cảnh báo
Kẹt xe đang hoành hành những ngày cận tết được các cơ quan chức năng thể hiện bằng “điệp khúc” thế này: ngoài lượng phương tiện tăng cao do vào dịp mua sắm cuối năm, nguyên nhân phần lớn là do ý thức của người dân khi ra đường chưa cao. Bằng chứng mà các cơ quan chức năng dẫn ra là xe máy bất chấp luật leo lề, taxi, xe tải giờ thường xuyên coi thường luật giao thông, hứng là dừng, hứng là quay đầu.
Bình luận về “điệp khúc” trên của cơ quan chức năng, anh Trần Văn Thanh chỉ còn biết lắc đầu. “Hỏi mấy ông đường kẹt không lối thoát vậy không leo lề thì chậm giờ làm, giờ học dẫn đến bị phạt bị đuổi, ai chịu. Có đơn vị nào chấp nhận lý do đi trễ vì kẹt xe không?”, anh Thanh bức xúc nói.
Còn theo bà Trần Thị Hoài, những nguyên nhân trên là có, nhưng không phổ biến. Nguyên nhân chính yếu và cốt lõi ở đây chính là việc phân làn, phân luồng, cử lực lượng điều tiết. Đặc biệt là do quản lý quy hoạch giao thông đô thị chưa hợp lý. Dù không phải là người có chuyên môn trong lĩnh vực giao thông, đô thị (bà Hoài vốn là luật sư – PV) nhưng bà Hoài cũng có thể nhìn thấy kẹt xe ở đường Cộng Hoà là do việc cấp phép bừa bãi các cao ốc, toà nhà, trung tâm thương mại mà ra. “Năm năm qua, ai cũng thấy đường Cộng Hoà kẹt và tìm mọi cách giải bằng cầu vượt thép này nọ. Ấy vậy mà, giải một thì họ lại phá mười, bằng cách cấp phép xây dựng hàng loạt chung cư và cao ốc trên tuyến đường này. Hỏi sao không kẹt”, bà Hoài khẳng định.
Cách đặt vấn đề của bà Hoài thực sự cũng là cách suy nghĩ của nhiều người, khi nói về việc ùn tắc giao thông ở các khu chợ đầu mối trong nội đô hiện tại, cũng như khu trung tâm TP.HCM. Tất cả là vì coi thường việc điều tra, thống kê trước khi lập quy hoạch, hay nhắm mắt làm ngơ để quy hoạch bị phá vỡ mà ra.