Ông Thế Vinh, đã gần 30 năm chuyên bán bánh tráng và sợi mì Quảng, nói được vài thông tin mới: “Không biết bà dân ở đâu, chỉ biết dành phần đất trống ở giữa sân để xây chợ cho dân tản cư từ miền Trung, chủ yếu là dân Quảng Nam có chỗ buôn bán. Nghe nói “bả” giàu lắm. Sau khi mở chợ được mấy năm, bà Hoa đi qua Mỹ. Nghe mấy cụ thiệt già ở đây kể vậy”. Tiếc cho thân phận của một người đàn bà đã đi vào nỗi nhớ của nhiều người biết đến ngôi chợ này…
Khu Bảy Hiền, tôi gọi đó là “tô giới xứ Quảng” tại Sài Gòn, có một ngôi chợ mang tên Bà Hoa.
1. Chợ Bà Hoa giờ đã được đổi tên thành chợ “phường 11”! Một cái tên rất vô duyên, tôi nghe nhiều người nói vậy. Nhưng với người dân xứ Quảng ở Bảy Hiền, đó vẫn là ngôi chợ dành riêng cho người dân xứ Quảng tản cư trước 1975 và tha hương sau này! Đó là nơi những chiều, ông Nhật, dân Điện Bàn chính hiệu, xách xe từ bên đường Âu Cơ chạy vào bên trong nhà lồng chợ mua mấy món khoái khẩu của dân Quảng, khi thì món lòng heo xào nghệ với bánh đập, khi thì mít trộn thịt ba chỉ với gói ram thịt. “Vợ là dân miền Tây không quen những món này. Mình nhớ mấy món quê, cứ chạy qua đây, mua đồ nấu sẵn, khỏi phiền ai…”, ông Nhật cười.
Không rộng như chợ Bà Chiểu, nhưng với những người dân miền Trung “nhớ quê”, không gian ấy đủ để mua sắm những món quê đã hằn sâu trên đầu lưỡi. Tiệm tạp hoá của Lan, 30 tuổi (quê ở Hoà Khánh, Đà Nẵng) lúc nào cũng có đầy đủ những thứ gia vị cho một bữa ăn của người miền Trung: củ nén, củ nghệ, củ gừng, tỏi Núi Thành (Quảng Nam), dưa leo ngâm chua nguyên trái, đường tô với hai màu đen và vàng nhạt… Xớ rớ chưa tới 10 phút mà đã có gần chục khách với âm sắc xứ Quảng ghé lại mua hàng. Có một bà sồn sồn đi chợ, mua mấy củ hành và một trái dưa leo ngâm chua, vậy mà còn thò tay thêm hai trái ớt xanh. Cô chủ quán làu bàu: “Mua có mấy ngàn mà xin ớt là sao. Mười bảy ngàn một lạng đó bà”. Nhăn nhó là vậy, nhưng chắc cô hiểu đó là cái tật có lịch sử ngàn năm của các bà má miền Trung.
Thấy tôi đứng nhìn chăm chăm vào thau mắm chuồn trộn thính, Lan nói: “Anh có biết ăn món này không? Chỉ cần cắt đuôi, cắt đầu, để nguyên thính, thêm hành tiêu, sang thì thêm mấy miếng thịt ba chỉ rồi chưng lên, ăn với cơm nóng”. Tôi nghe cô gái kể mà len lén nuốt nước miếng trong cổ. Làm sao quên được miếng mắm chuồn hồng hồng (đâu cần đủ gia vị như lời của cô chủ tiệm) ăn với chén cơm trắng hiếm hoi trong những chiều mưa trên miền biên giới hơn 30 năm trước! Nói về mắm, tiệm tạp hoá của Lan còn bán các loại mắm: mắm cá cơm, mắm nêm, mắm tôm chua mang tên Dì Cẩn, mắm ruốc mang tên Bà Duệ…
Nói đến ngôi chợ này, không thể không nhắc đến những món ăn gắn liền với dân xứ Quảng: mì Quảng và bánh tráng mè dành để nướng. Ông Vinh cho biết, mì Quảng và bún làm tại nhà, còn bánh tráng đặt hàng ở ngoài quê, có người giao tận nhà. Tiệm bánh tráng và mì Quảng của ông bề ngang chỉ chừng 1m, còn bề dài 5m vậy mà mỗi tháng tiền thuê (kèm luôn cả thuế) 5 triệu đồng. Hỏi chuyện làm ăn, ông Vinh cười thiệt tươi: “Mấy năm trước bán sướng lắm. Bây giờ nhiều người mua hàng ở quê nên bán chậm. Trừ tiền thuê nhà, phần còn lại phải hơn thợ hồ chớ”.
2. Trước, nhắc tới chợ Bà Hoa, nhiều người chỉ nghĩ đó là ngôi chợ dành riêng cho dân xứ Quảng nhưng gần chục năm nay, có thêm những món quê của nhiều tỉnh miền Trung. Tiệm tạp hoá Thuý kinh doanh “liên hiệp quốc”. Món ngon Bình Định có: bánh tráng nướng, bột nghệ, cá cơm khô, chả ram, tôm đất, củ kiệu ngâm chua… Còn xứ Quảng Ngãi phải là ớt bột, hành và tỏi Lý Sơn, cá bống sông Trà, mạch nha… Chủ quán cùng tên cho biết, mở tiệm được gần chục năm, nếu chỉ bán mấy món đặc sản của Quảng Nam sẽ khó cạnh tranh với hàng xóm, nên bán thêm những thứ của mấy vùng gần đó. “Tui là dân Quảng Ngãi nên bán mấy món quê hương cho bà con xa xứ. Cũng tạm tạm, sống qua ngày. Dù là miền Trung, nhưng mỗi tỉnh có những món riêng. Khách quê ở đâu chọn món đó”, bà Thuý cho biết. Như tiệm của ông Vinh, gần đây có thêm mấy kiểu bánh tráng mỏng Củ Chi dành cho dân miền khác. “Dân quê mình có ai ăn mấy thứ bánh tráng này đâu”, ông Vinh lại cười.
3. Chợ Bà Hoa không chỉ có mấy món ăn sẵn, hàng khô… mà còn có cả cá tươi mang từ biển miền Trung. Mùa nào cá đó, từ con cá nục, cá sơn, cá bạc má… rẻ tiền, cho đến món cá đắt tiền như cá chim, cá thu… Bà Hương, dân Bắc di cư thời 1954, đon đả mời và chỉ cách nấu luôn: “Anh mua cá chuồn đi. Làm kiểu gì cũng được nhưng ngon nhất là khứa rồi ướp sả để chiên”. Bà Hương chỉ vào cô con gái đang phụ bán, rồi nói: “Tính tới con nhỏ này, nhà tôi đã ba đời bán cá ở chợ Bà Hoa. Hiểu dân miền Trung thích ăn cá hơn ăn thịt”.
Ừ, con cá chuồn chỉ có chiên sả và kho với củ nén là ngon nhất trần đời. Dễ gần 40 năm rồi tôi mới được nhìn thấy con cá chuồn tươi. Hồi còn ở quê, chỉ được ăn món cá chuồn kho nước với củ nén. Có nước chan với cơm độn mì, độn lang mà ăn. Nếu chiên, lấy đâu cho phỉ với gia đình mười người. Người Sài Gòn không biết ăn món cá chuồn, vì biển miền Nam hầu như không có loại cá này, Xuân Hậu, ngư dân vùng biển Bình Châu (Bà Rịa) khẳng định như vậy. Nhưng cá chuồn đầu mùa đắt thiệt, 120.000 đồng/kg ước chừng tám con. Cá chuồn ngon là từ tháng 3, nhất là cá chuồn cồ, con nào cũng úc núc, béo và thơm nức!
Tới chợ Bà Hoa không thể không ăn mì Quảng, vì quanh đây chỉ thấy toàn món ăn này. Nghe đồn, mì Quảng Sâm ngon nhất. 33.000 đồng/ tô, không đắt nhưng không ngon. Mì Quảng gì mà nước ngập như phở, nên con tôm khô cứng, miếng sườn đậm đà không cản được lời chê: “Vậy mà khen ngon, không biết ngon kiểu gì”! Mà thôi, có lẽ cái lưỡi của dân Quảng bây giờ đã bị tha hoá?
Nghĩ lại thấy mình giống mấy bà già quê. Đi chợ, mua đồ xong, phải ăn cái gì đó rồi mới về. Tiếc là không thấy mía để mua cho đủ lệ bộ trong chiếc giỏ đi chợ của mẹ ngày rất xưa…