1. Cận tết tới ra giêng, mùa ruốc rộ theo con nước. Nếu giá ruốc từ tám chục ngàn xuống ba ngàn đồng một ký thì cứ 10kg ruốc trộn 5kg muối, ủ năm ngày cho nước ruốc nhỏ từng giọt, tới lúc không còn giọt nào thì nấu liu riu cho rặt còn chừng 2 - 3 lít rồi vô chai để ăn mãn năm, xác ruốc làm mắm, chị Năm Chợ chẳng cần giấu giếm công thức.
Sóng nước ở xóm Cái Cùng, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu.
Bốn mươi mốt năm rồi, từ Gành Hào về làm dâu hồi 20 tuổi tới giờ, gia đình nhà chồng không cần tới nước mắm chợ vì đã có Năm Chợ về làm dâu.
“Hồi ông Năm còn sống làm mấy lu nước mắm,; ổng thích nước mắm rươi còn tui thích nước mắm ruốc. Loại nào cũng chỉ trộn với muối. Đi đâu về cứ dằm ớt hiểm chan nước mắm vô cơm nguội, nếu không thì khô cá kèo chiên lên, bụng tươm mỡ thơm lắm, chấm nước mắm. Ôi thôi! Nói gì nữa”, chị Năm Chợ, bùi ngùi nhớ chuyện nhà. “Ông Năm mất mấy năm nay, tui vẫn để cái lu nước mắm đó”.
Một cách sống hết sức dân chủ dù chỉ là nước mắm đã tồn tại trong nhà chị Năm Chợ. Mới khoe cái lu chứng minh “dân chủ”, về tới nhà định rót cho ai nấy thưởng thức nước mắm từ rươi, ai dè cô con dâu đã trút bỏ nước mắm, chỉ cần một muỗng xà bông, làm sạch rồi dẹp cái lu ở đâu đó là cắt đứt hoài niệm.
Cốt cách của chị Năm Chợ là không giấu điều gì nếu không phải là bí mật. “Vậy sao chị có món ngon mà không làm bán cho nhiều người thưởng thức?”, những người quen ở thị thành thắc mắc. ”Từ cha sanh mẹ đẻ tới giờ, mới nếm vị ngọt tự nhiên của nước mắm từ con ruốc”.
Nhìn người này lấy cái muỗng cà phê nếm từng giọt nước mắm ruốc nhỉ, chị Năm Chợ phì cười trước cảnh nước mắm thôi miên, nói: “Ý nói cục muối cắn đôi còn cục đường lủm hết chớ gì”.
“Loại này không bán nên không đặt tên, nhưng nếu anh em mình thích thì tui cho một chai. Ai muốn đặt tui làm thì năm sau xuống đây chứ nói thiệt tui không biết gởi đường nào ra chợ”, Chị Năm Chợ thú thiệt.
Ở cái xóm Cái Cùng, huyện Hoà Bình, tỉnh Bạc Liêu, chưa bao giờ muối mang thân phận mồ côi vì muối luôn đi với ruốc, với rươi, với cá mồng gà, với tép bạc đất làm mắm, với cá kèo muối lạt… “Ở đây nhà nào cũng làm mắm, do tánh ý mỗi người nên mắm nhà làm, mỗi nhà mỗi khác”, bà Ba Hoà, nhà ở gần cống Cái Cùng, nổi tiếng với mắm tép chua, cá mồng gà, nói.
Hoà - Sang là tên lò mắm do bà Ba ghép tên “uyên ương” xế bóng. Chị Năm Chợ có đầy đủ cơ sở để ủng hộ, vì Hoà - Sang là Hoàng Sa, cái tên nghe rất có tinh thần quốc thổ. Ý bà Ba muốn hỏi, cái tên quan trọng như vậy dính tới mắm có gì sai hôn?
Hồi xưa làm mắm mặn, nay có thêm mắm chua. Mỗi ngày, bà Ba làm trên một trăm hũ, nhưng không đủ bán. Gặp con nước trúng tép, cá, bà muốn làm nhiều hơn nhưng mấy đứa con hổng chịu, dù nhà bà có lợi thế hơn chị Năm Chợ ở chỗ biết đường gởi hàng đi Sài Gòn, Vĩnh Long. Bà Ba có đứa cháu làm tương hột, chuộng mắm như tương ở Vĩnh Long. Người này sắp định cư tại Mỹ, đã chỉ đường đi nước bước để mắm Hoà - Sang ra thị trường.
Từng làm muối, nhưng không khá hơn nên bà Ba chuyển một phần đất làm muối sang nuôi tôm, cá kèo, cá lò tho. Có lẽ muối mặn vô tới xương cốt nên cả bà Ba Hoà, chị Năm Chợ đều nói hồi “trào xưa, kiếp trước” tới giờ xóm muối làm mắm bán bên chợ Cái Cùng, cầu Hoà Bình, Vĩnh Hưng, cầu sập… mình cũng làm như ông bà, thay đổi một chút nên nghe ai khen là mừng. Thực ra sự can ngăn là do nguồn lợi lò mắm chỉ hơn làm muối, chứ không sao sánh bằng nuôi tôm, nuôi cá!
Nghề làm muối cực nhọc, vất vả nhưng thu nhập rất thấp, đời sống người diêm dân gặp nhiều khó khăn. Ảnh: T.L
2. Chị Năm Chợ từng vác muối, tuy không rành kỹ thuật, nhưng biết người có tiền xài công nghệ lót bạt, ai nghèo thì làm như hồi xưa, trúng thất rất khó lường do chất lượng muối. Dân Cái Cùng nói ở Long Điền Đông có ông “vua muối”, mấy năm nhờ công nghệ lót vải bạt nên muối trắng, trúng mùa, trúng giá, “diêm trường” 50ha, đủ để làm ao chứa nước cốt, làm tu muối ngoài đồng và kho chứa đang đầy ắp, nên “vua muối” thời nay nhà cao cửa rộng.
Hỏi chuyện “vua muối” Hoàng Phúc, ông cười khì nói: “Mấy cái nhà này là nhờ tôm chứ muối bây giờ có bao nhiêu tiền”.
“Nghề muối gặp nước biển dâng 1 thước hay trời mưa tối ngày cũng không sợ, chỉ có một chuyện quá sợ là kho muối đầy ắp mà cho nhập thả cửa”, “vua muối” Hoàng Phúc nói.
Đối với bà Ba Hoà, chị Năm Chợ, muối không thể thiếu trong mắm, muối phải có trong việc cúng kiếng chứ không chỉ là chuyện bếp núc. Bà Ba đã thay đổi để có mắm chua với gừng, với ớt. Tập tục cũng đã thay đổi, từ lâu hũ muối trong nhà phải đầy trước hôm giao thừa, chứ không đợi người bán muối trong ngày mùng một tết.