Nhiều khó khăn
Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh cũng cho biết, thời gian Quảng Nam đánh giá, thời gian qua qua, ngành dâu tằm của tỉnh phát triển không ổn định, kém hiệu quả. Một phần do sự cạnh tranh của thị trường tơ lụa thế giới; mặt khác do chủ yếu nhập giống, khâu chuyển giao công nghệ, kỹ thuật chưa được chú trọng nên năng suất dâu, kén, tơ đều thấp, giá thành không ổn định. Công tác quản lý nhà nước về sản xuất, cung ứng giống dâu tằm không chặt chẽ, thiếu những mô hình thâm canh hiệu quả. Phát triển dâu tằm còn mang tính quảng canh, theo phong trào, vì thế chất lượng tơ kén thấp, giá thành không ổn định, sức cạnh tranh kém, các đơn vị chế biến tơ có thời kỳ lâm vào cảnh khó khăn, thua lỗ kéo dài...
Sản phẩm lụa tơ tằm của Quảng Nam đứng trước bài toán khó tiêu thụ vì không thể cạnh tranh về giá cả, thị trường. Ảnh: Kim Oanh
Dẫn chứng thực tế, ông Muộn thông tin, hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh chỉ còn khoảng 11ha dâu, chủ yếu tập trung ở một số xã của huyện Duy Xuyên như: Duy Hòa (1ha), Duy Châu (1ha), thị trấn Nam Phước (1ha), Duy Trinh (8ha), với khoảng 30 hộ trồng. Các hộ trồng dâu nuôi tằm chủ yếu là nuôi để bán thực phẩm vì thời gian chăm sóc ngắn hơn, không tốn quá nhiều công sức, thị trường tiêu thụ và giá bán cũng tương đối ổn định (khoảng 60.000 đồng/kg tằm, tính ra nuôi tằm bán làm thực phẩm lợi hơn nuôi tằm lấy kén). Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, do thị trường tiêu thụ hẹp, giới hạn ở phạm vi địa phương và chắc chắn nuôi tằm để làm thực phẩm không phải là một nghề cần khuyến cáo phát triển ở nông thôn. Đại diện Sở Công Thương Quảng Nam cũng cho biết, trước đây các làng nghề Đông Yên (xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên) và Mã Châu (thôn Châu Hiệp, thị trấn Nam Phước) là các làng nghề có truyền thông lâu đời về trồng dâu, ươm tơ, dệt lụa. Làng tơ lụa Mã Châu hình thành từ thế kỷ XVI, sản phẩm lụa từng để cung cấp cho vua chúa và giới quý tộc. Lúc hưng thịnh, làng tơ lụa Mã Châu có đến hơn 2.000ha trồng dâu. Thế nhưng, sau hàng trăm năm tồn tại, trải qua nhiều thăng trầm, biến cố, làng tơ lụa Mã Châu đang có nguy cơ mai một. Hiện tại, những vườn dâu đã phải nhường chỗ cho các loại cây trồng khác…
Làng tơ lụa Đông Yên cũng từng nổi tiếng không kém Mã Châu, và giờ cũng đang chung tình cảnh. Từ chỗ gần 200 hộ nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa và dệt vải, nay khung cảnh làng nghề khá yên ắng.
Thực trạng hiện nay, ngành trồng dâu - nuôi tằm - dệt lụa không phát triển do không thể cạnh tranh về chất lượng và giá cả trên thị trường. Các doanh nghiệp dệt (đa số tại Duy Xuyên) đang gặp rất nhiều khó khăn do tiêu thụ hàng hóa chậm, trong đó hàng dệt từ khung kiếm, khung sắt tiêu thụ rất thấp. Hiện tại một số doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh do không còn đủ năng lực và sản xuất cầm chừng. Các sản phẩm dệt tại Duy Xuyên chỉ là sản phẩm thô cần có các ngành phụ trợ để hoàn thiện. Số doanh nghiệp chính thức còn hoạt động đến này là 12 đơn vị, còn lại hầu hết là dừng hoạt động và đang chờ điều kiện thuận lợi để tiếp tục trở lại thị trường...
Kiến nghị nhiều giải pháp phát triển bền vững
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Quảng Nam vừa tổ chức hội thảo bàn giải pháp bảo tồn, phát triển bền vững làng nghề. Ông Đặng Vĩnh Thọ- Chủ tịch Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam cho biết, hiện Lâm Đồng là tỉnh có diện tích dâu lớn nhất; hàng năm sản lượng tơ Việt Nam đạt khoảng 1.400 -1.500 tấn thì Lâm Đồng chiếm 1.000 tấn.
Cùng với tìm giải pháp phát triển bảo tồn nghề lụa, tơ tằm truyền thống, tỉnh Quảng Nam cũng tìm hướng phát triển nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc. Bà Phan Thị Như - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, khó khăn của làng nghề dệt thổ cẩm là đầu ra, thị trường tiêu thụ cho sản phẩm. |
“Những năm 70-80 của thế kỷ trước, Quảng Nam là “thủ đô” dâu tằm, sản lượng tơ cao nhất, diện tích lớn nhất cả nước. Trong khi nghề lụa tơ tằm ở Lâm Đồng là con số 0…Tôi nghĩ với truyền thống đã có từ lâu đời, Quảng Nam có rất nhiều điều kiện để khôi phục và phát triển nghề. Bởi Quảng Nam có điều kiện về ngành nghề truyền thống địa phương; giá cả mặt hàng này trên thị trường thế giới rất tốt. Muốn khôi phục và phát triển bền vững thì vấn đề đặt ra đầu tiên là phải có định hướng, quy hoạch vùng trồng dâu, nguồn giống mới và nên coi trọng kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm, đặc biệt với những vùng mới phát triển là phải bắt buộc. Đây là việc quyết định 80% thành công để ngành dâu tằm tơ Quảng Nam phát triển bền vững” - ông Thọ chia sẻ và kiến nghị.
Ông Muộn cũng cho rằng, để bảo tồn, phát triển nghề truyền thống dâu tằm, dệt thổ cẩm, cần tập trung vào một số giải pháp như xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất, xây dựng mô hình trồng và chế biến nguyên liệu truyền thống, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất lao động, giảm thời gian và hạ giá thành sản phẩm; tập trung thiết kế sản phẩm phục vụ du khách...
Đại diện làng lụa Nha Xá (Hà Nam) cũng chia sẻ, để nghề dệt lụa tơ tằm Quảng Nam phát triển bền vững, doanh nghiệp cần phối hợp với người sản xuất, cần lắng nghe nhau và liên kết từ nhà dệt lụa - nhà thiết kế và nhà sản xuất để cải tiến sản phẩm cho phù hợp nhu cầu người tiêu dùng trong nước cũng như quốc tế.
“Cần nghiên cứu giống dâu phù hợp với đất đai; đầu tư phát triển tập trung, đồng đều chứ không nên dàn trải thì ngành sẽ phát triển ổn định hơn...” - đại diện Công ty TNHH Hà Bảo Silk (Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) nêu ý kiến.