Dân Việt

“Có người báo tin cơ quan họ chuẩn bị cả chục phong bì đi biếu Tết”

Lương Kết (thực hiện) 10/02/2018 07:31 GMT+7
“Năm nay có nhiều tin gọi điện từ đường dây nóng báo về biếu tặng quà Tết, qua thẩm định ban đầu chúng tôi thấy chính xác, bởi người báo tin là người trong cuộc, chính vì thế họ nắm rõ vấn đề nội bộ”, ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) cho biết như vậy khi trao đổi với Dân Việt.

Thưa ông, thời gian qua, 3 đường dây nóng của Cục Chống tham nhũng đã nhận tin báo tố giác về việc biếu, nhận quà trái quy định nhân dịp Tết Nguyên đán thế nào?

img

Ông Phạm Trọng Đạt. Ảnh: IT

- Nhìn chung năm nay những tin báo liên quan đến biếu, nhận quà trái quy định dịp Tết không dồn dập vào những ngày cận Tết mà rải rác từ trước, có thể sau dịp Tết vẫn diễn ra. Đặc điểm năm nay người dân chủ yếu nói các cơ quan, đơn vị ở các tỉnh mang quà đi biếu tặng lãnh đạo ngày Tết. Vì người dân không phải là người trong cuộc nên họ không nói được số lượng quà thế nào, cụ thể là quà gì. Còn tin báo việc lãnh đạo ở các địa phương lên Trung ương để biếu tặng quà Tết thấy rất hạn chế.

Có trường hợp gọi điện đã báo tin một cách chính xác việc lấy tiền của tập thể để chuẩn bị đi biếu tặng trong dịp Tết thế nào. Để giải quyết vấn đề này chúng tôi đã báo cho thủ trưởng ở cơ quan, đơn vị đó để họ biết và ngăn chặn. Còn những việc biếu nhận quà Tết trái quy định đã diễn ra nếu tin báo thấy có căn cứ thì chúng tôi ghi nhận để sau này kết hợp với việc thanh tra, kiểm tra làm rõ, còn chưa thể đi thanh tra, kiểm tra ngay bây giờ được.

Năm nay những tin báo về biếu tặng quà Tết trái quy định có điểm gì khác so với năm trước, thưa ông?

- Năm nay có nhiều tin gọi điện từ đường dây nóng qua thẩm định ban đầu chúng tôi thấy chính xác, bởi người báo tin là người trong cuộc, chính vì thế họ nắm rõ vấn đề nội bộ. Ví dụ có người phản ánh tại cơ quan họ có chuẩn bị chục phong bì tiền, trong đó có khoảng 3-4 cái sẽ đưa về Hà Nội biếu tặng, số phong bì còn lại đi biếu lãnh đạo ở tỉnh.

Thậm chí trong phong bì có bao nhiêu tiền người báo tin cho chúng tôi cũng nói rõ và cho biết cả nguồn tiền ở đâu. Qua đó có thể thấy người báo tin phải là người trong cuộc mới biết rõ. Chính vì thế khái niệm người dân phải hiểu rộng, cán bộ ở cơ quan Nhà nước ở góc độ nào đó họ cũng là dân, còn nói dân ở đường phố thì làm sao họ biết được chi tiết đến như vậy.

Thời gian cao điểm nhất mỗi ngày 3 số điện thoại của Cục Chống tham nhũng nhận được bao nhiêu tin báo, thưa ông?

- Tin báo hàng ngày chúng tôi nhận có nhiều loại, có loại tin báo để tố cáo tham nhũng, có loại tin báo về buôn lậu hoặc mãi lộ của các lực lượng chức năng làm việc ngoài đường…, còn tin báo về biếu nhận quà Tết thì rải rác, cao điểm như tuần vừa qua chúng tôi nhận được khoảng 30 tin. Chúng tôi đánh giá những tin báo đó có độ chính xác cao, có căn cứ để xác minh, xử lý.

Còn dạng tin báo chung chung thì nhiều, cán bộ, người dân cũng gọi điện đến nói họ vẫn thấy cảnh người ở cơ quan, đơn vị đi chúc Tết tặng quà rầm rầm. Tuy nhiên đó chỉ là hiện tượng chứ không có căn cứ để xác minh. Năm ngoái có hơn 50 tin báo đã được xử lý. Năm nay số tin báo có khả năng xử lý có thể cũng tương đương năm trước.

Trong số các tin báo về biếu, nhận quà Tết trái quy định, có tin báo nào mà ông cảm thấy suy nghĩ nếu như không giải quyết mà muốn giải quyết lại khó, thưa ông?

- Trong số những tin gọi điện đến đường dây nóng của chúng tội, có loại tin phản ánh có căn cứ xác minh, có loại tin báo chỉ nói hiện tượng nên để tham khảo. Có trường hợp người gọi điện đã nói cơ quan của họ mua một cây cảnh trị giá vài trăm triệu đồng đi biếu.

Qua điện thoại họ hỏi tôi cái đó có phải là biếu nhận quà không. Tôi nói đó chính là quà, nhưng nói về giá trị thì loại sản phẩm như cây cảnh rất khó xác định, bởi giá cả của cây cảnh không phải là loại có trong danh mục hàng hóa. Người này nói cây cảnh đó trị giá vài trăm triệu, nhưng có người chỉ cho rằng đáng vài chục triệu thậm chí thấp hơn.

Trước những việc như vậy chúng tôi suy nghĩ để khi xây dựng các quy định về phòng, chống tham nhũng sẽ tham mưu, đề xuất làm sao cho quy định được chặt chẽ hơn.

Chúng ta cần phải thấy rằng, với Tết cổ truyền của dân tộc thì không thể nào không có chuyện biếu, nhận quà, trừ trường hợp không có Tết. Vào ngày bình thường ai đó đi biếu tặng nhau món quà có giá trị lớn có thể xác định là dấu hiệu của hành vi hối lộ. Còn như trong dịp gần Tết, người ta đi biếu tặng nhau quà có giá trị lớn, điều đó có nghĩa là có sự lồng ghép giữa hối lộ và tình cảm, để làm rõ việc không hề đơn giản.

Xin cảm ơn ông.