Trong đó nổi lên là nhóm hộ tố cáo nhiều doanh nghiệp tự ý chặt phá cây trồng, đốt phá nhà cửa, dùng "xã hội đen" trấn áp người dân. Điển hình là các hộ Điểu Tuấn, Điểu Thanh và Điểu M'Rá - trú tại thôn Điêng Đu, xã Đăk Ngo - tố cáo Công ty TNHH Lê Gia chặt phá 72 cây điều tại tiểu khu 1537.
Điều đáng nói là diện tích này đã được chính UBND tỉnh Đăk Nông chỉ đạo không đưa vào dự án của Lê Gia nữa, mà khoanh lại để cho dân sử dụng. Các hộ dân còn tố cáo Công ty TNHH Hoàng Thiên đã chặt cây, phun thuốc diệt cỏ lên 3ha sắn của ông Đặng Minh Thâu tại tiểu khu 1538, được đoàn 1228 của tỉnh Đăk Nông xác nhận là đúng; Công ty TNHH Hoàng Khang Thịnh cũng chặt phá 8,5ha sắn, 1ha điều của các hộ Nguyễn Thị Quyền, Mã Xuân Sở, Mai Thị Hồng tại các tiểu khu 1521 và 1538.
Đến thời điểm này, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh xác định việc Công ty Lê Gia thuê côn đồ chặt phá cây trồng của dân là đủ yếu tố cấu thành tội hủy hoại tài sản, cố ý làm hư hỏng tài sản.
Nhưng Công ty Lê Gia đã nhận ra sai trái của mình, tích cực bồi thường cho dân nên Công an tỉnh đề nghị xử lý hành chính. Riêng Phạm Quốc Chiến và Phạm Hùng Quang - DNTN Phạm Quốc - chưa thỏa thuận đền bù mà tự ý bán 126ha sắn của 36 hộ dân là dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh, Viện KSND tỉnh đã thống nhất sẽ khởi tố hai đối tượng này để xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo ông Đỗ Ngọc Duyên - Giám đốc Sở NNPTNT Đăk Nông, trong khi các cơ quan chức năng của tỉnh đang cố gắng triển khai nhiều biện pháp để ổn định tình hình thì một số doanh nghiệp lại hành xử như "xã hội đen". Việc Công an tỉnh khởi tố các đối tượng chống người thi hành công vụ, hủy hoại tài sản của doanh nghiệp, cướp đất rừng là cần thiết. Tuy nhiên, Sở NNPTNT cũng kiến nghị UBND tỉnh giao cơ quan điều tra làm rõ, xử lý nghiêm các doanh nghiệp đốt phá nhà cửa, chặt phá cây trồng của người dân, làm tình hình phức tạp thêm. Các doanh nghiệp này cũng phải xin lỗi công khai, đền bù tài sản cho người dân.
Đồng Nguyên