Dân Việt

Mỹ cân nhắc gửi các đơn vị viễn chinh hạng nặng tới "dằn mặt" Trung Quốc

Mai Đại (theo Business Insider) 10/02/2018 11:00 GMT+7
Theo Wall Street Journal, để bắt đầu triển khai Chiến lược An ninh Quốc gia mới của Tổng thống Trump, Lầu Năm Góc đang cân nhắc triển khai các Đơn vị Thủy quân Lục chiến Viễn chinh (MEU) tới châu Á để đối phó với Trung Quốc.

img

Lính thủy đánh bộ Mỹ và Philippines trong một cuộc tập trận hồi năm 2015

MEU là lực lượng Thủy quân Lục chiến di chuyển trên các tàu tấn công lưỡng cư như lớp Wasp và lớp America hoặc các tàu sân bay cỡ nhỏ. Các đơn vị này thường có quân số từ 1.000-2.200 binh sĩ, có nhiệm vụ phản ứng nhanh với bất kỳ thiên tại hoặc mối đe dọa an ninh nào.

Động thái chuyển quân tới châu Á được cho là một phần trong Chiến lược Phòng thủ Quốc gia nhằm đối phó không chỉ với các nhóm khủng bố mà còn các quốc gia mà Mỹ coi là đối thủ, trong đó có Trung Quốc. Cụ thể, trong những năm gần đây, Bắc Kinh đang trở nên “mạnh bạo” hơn tại Thái Bình Dương và sẵn sang va chạm, khiêu khích các quốc gia láng giềng như Nhật Bản, Hàn Quốc – đồng minh của Washington. Ngoài ra, căng thẳng với Triều Tiên cũng là lý do khiến Mỹ quyết định phải có sự hiện diện quân sự rõ ràng hơn tại khu vực châu Á.

Hiện tại, Mỹ đang có 50.000 quân nhân tại Nhật Bản, khoảng 29.500 lính ở Hàn Quốc và hơn 7.000 ở đảo Guam. Thủy quân Lục chiến Mỹ có tổng cộng 7 đơn vị MEU: 3 đồn trú tại Bờ Tây, 3 ở Bờ Đông và 1 ở Nhật Bản. Được biết, các đơn vị MEU ở Bờ Tây đã được triển khai tới Iraq, Afghanistan và gần đây là Syria.

Từ lâu, Washington đã cố chuyển sự tập trung của mình từ Trung Đông sang khu vực châu Á, bắt đầu bằng chiến lược “Xoay trục châu Á” thời Tổng thống Barack Obama. Tuy nhiên, chính sách này đã hứng chịu nhiều chỉ trích với lý do việc điều các đơn vị MEU tới châu Á sẽ khiến tài lực của Mỹ bị hao tổn nhiều hơn. Ngoài ra, thiếu đi các đơn vị MEU cho khu vực Trung Đông, chính quyền của Tổng thống Donald Trump cũng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc dập tắt sự hồi sinh của khủng bố Taliban tại Afghanistan.