Sở Văn hoá, Thể thao và du lịch TP.Cần Thơ cho biết, đường hoa nghệ thuật Cần Thơ Xuân Mậu Tuất 2018 sẽ khai mạc vào tối nay (12.2). Đường hoa kéo dài 315m, được kết cấu bởi cổng chính, cổng phụ và bốn đoạn mô hình, tiểu cảnh hoa theo phương pháp nghệ thuật sắp đặt, sử dụng các loài hoa thật làm nền…
Soạn giả Nhâm Hùng đứng cạnh mô hình "các chú chó tấu nhạc tài tử”.
Soạn giả Nhâm Hùng - tác giả ý tưởng về đường hoa nghệ thuật Cần Thơ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 thông tin với phóng viên Dân Việt, điểm đặc biệt nhất của đường hoa năm nay là mô hình "các chú chó tấu nhạc tài tử”.
Mỗi chú chó nắm lấy 1 loại nhạc cụ cụ thể.
"Tôi đã mất 1 năm để suy nghĩ về mô hình này. Đây là cách nhân hoá hình tượng con chó gắn liền với đờn ca tài tử để bảo tồn văn hoá dân tộc. Mô hình này có 4 con chó, tay của mỗi con nắm lấy 1 loại nhạc cụ. Các con chó này được lập tình sẵn nên sẽ chuyển động mang đến cảm giác như thật, các bài hát cũng sẽ được phát lên, hết bài này sẽ đến bài khác" - soạn giả Nhâm Hùng nói.
Các chú chó được bố trí ở nhiều mô hình khác ở đường hoa.
Khách tham quan chụp ảnh tại đường hoa nghệ thuật Cần Thơ Xuân Mậu Tuất 2018.
Soạn giả Nhâm Hùng nói thêm: "Tôi chắc chắn rằng, khách tham quan sẽ rất hứng thú với mô hình này, bởi nó vừa lạ mắt vừa vui tai, theo đó làm cho hình tượng loài chó gần gũi con người hơn. Tức nhiên cũng sẽ có ý kiến khác, nói rằng chó sao lại gắn với đờn ca tài tử, nhưng không sao, vì trong nghệ thuật mình có quyền làm".
Đường hoa sẽ phục vụ du khách đến hết mùng 5 Tết Nguyên đán 2018.
Đường hoa có bốn đoạn mô hình, tiểu cảnh gồm: - Bác Hồ và mùa xuân đất nước - đây được xác định là điểm nhấn thứ hai sau cổng chính, nhắc nhớ về kỷ niệm 50 năm tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân. - Tây Đô và những công trình mới - với bốn công trình tiêu biểu là khu tưởng niệm lãnh tụ Châu Văn Liêm, khu lưu niệm soạn giả Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền, hồ Bún Xáng và khu nghỉ dưỡng Cồn Ấu. - Du xuân đồng bằng - Cần Thơ - với những dòng kênh, nhô ra những rặng dừa nước, phía trên là các mô hình, tiểu cảnh mừng xuân nối tiếp như nhà ngói Nam Bộ và gốc mai vàng, cây nêu, bé chơi múa lân, các cô gái làm bánh, đám cưới mùa xuân trên đất cồn, các chú chó dễ thương. - Truyền thuyết Tết xưa và Tết ở đảo xa: Truyền thuyết Tết xưa gồm các tiểu cảnh Lang Liêu dâng bánh Vua Hùng; xếp đặt hình tượng những quả dưa hấu to, khắc hoa văn nhắc nhở truyền thuyết Mai An Tiêm ra đảo trồng dưa; các mô hình cột mốc chủ quyền, hoa xuân trên đảo, bánh chưng gói lá bàng vuông... |