Dân Việt

Những người phụ nữ nghèo mòn mỏi mưu sinh ngày cận Tết

Quỳnh Nga 13/02/2018 09:22 GMT+7
Khi những người xa xứ đang tất bật chuẩn bị về quê đón tết cùng gia đình thì ở trong ngõ hẻm thuộc đường Nguyễn Du, đường Xuân Diệu (TP.Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) tấp nập những người lao động đứng, ngồi chờ việc để kiếm thêm thu nhập trong những ngày Tết.

Chiều 27 Tết, nhà nhà người người đang tất bật sắm sửa để đón năm mới, trên trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… các bạn trẻ liên tục cập nhật những hình ảnh gói bánh chưng, mua hoa quả, quất đào, thì ngoài đường vẫn còn hình ảnh những người lao động nghèo mòn mỏi chờ đợi việc làm ngày cận Tết.

img

Giữa cái lạnh căm căm ngày giáp Tết, chỉ một chiếc xe đến thuê người làm đã tăng thu nhập cho những nữ cửu vạn.

Gần trưa, trong cái rét cắt da cắt thịt, hàng chục người lao động nghèo ngồi tập trung ở những khu vực như đường Nguyễn Du, đường Xuân Diệu, chợ Vườn Ươm… (TP.Hà Tĩnh) để chờ việc. Hầu hết họ là dân tứ xứ đến từ những phường, xã ven đô và các huyện phụ cận như huyện Cẩm Xuyên, huyện Thạch Hà… (Hà Tĩnh). Họ không từ chối bất cứ công việc nào, từ dọn nhà, lau kính, khuân vác, phụ hồ, xây dựng…

img

Khoảng 6h sáng, hàng chục nữ cửu vạn đã phải đạp xe hơn 20km từ nhà lên thành phố để kiếm việc.

Những nữ cửu vạn ở đây hầu hết đã bước sang tuổi tứ tuần. Chị Trương Thị Hồng (50 tuổi, thôn Đồng Xuân, xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) cho biết, vợ chồng chị có 2 đứa con đã lớn và có gia đình riêng. Ở quê làm không đủ nên hằng ngày chị phải theo mấy chị em trong xóm ra TP.Hà Tĩnh kiếm việc.

Chị Hồng chia sẻ: “Từ nhà lên thành phố gần 20km nên hằng ngày khoảng 4h sáng đã phải dậy nấu cơm, sau đó mang cơm bỏ vào cặp lồng rồi đạp xe đi. Trời nắng còn đỡ, chứ trời mưa và lạnh đạp xe đi làm cực lắm. Nghề cửu vạn này, ai thuê gì làm nấy, khi thì lau dọn nhà cửa, khi thì bốc vác, phụ hồ. Những dịp gần Tết đa phần các gia đình có điều kiện họ đều thuê dọn dẹp nhà cửa”.

Theo chị Hồng, trung bình mỗi lần khuân vác hàng từ trên xe tải xuống cũng chỉ được 50.000 - 60.000 đồng/người. Hôm nào làm được nhiều thì nhận được khoảng 200.000 - 300.000 đồng tiền công. Còn lại trung bình thu nhập mỗi ngày khoảng 100.000 đồng.  

Chị Nguyễn Thị Hà (65 tuổi, thôn Vĩnh Phú, xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà, người có thâm niên hơn 40 năm hành nghề cửu vạn) tâm sự: “Tôi lấy chồng, sinh được 4 người con. Chồng đau yếu quanh năm nên ngoài làm muối, những lúc nông nhàn tôi thường vào thành phố tìm việc, kiếm thêm thu nhập nuôi các con ăn học và thuốc thang, cơm cháo cho chồng”.

img

Tranh thủ giờ nghỉ trưa, họ san sẻ cùng nhau ly nước ấm.

Chị Phan Thị Ngọc Ánh (45 tuổi, thôn Vĩnh Phú, xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà) buồn rầu: “Hôm nay đi làm xem như không công, trời lạnh không có người thuê. Không biết những ngày tiếp theo sẽ thế này. Chỉ còn mấy ngày nữa là Tết rồi, bao nhiêu khoản phải lo”.

Lẫn vào đám đông, ngồi co ro dưới hiên nhà của người dân, chị Nguyễn Thị Minh (người Cẩm Xuyên) tâm sự: “Ngày nắng, công việc nhiều nên thu nhập khá. Càng cận Tết, thời tiết mưa và lạnh không ai thuê làm gì. Đã mấy ngày thế này rồi, buồn quá cô ạ”.

img

Đã 27 Tết nhưng người phụ nữ này cũng như bao nữ cửu vạn khác vẫn kiên trì đứng chờ việc giữa cái lạnh như cắt da, cắt thịt.

Lý giải về tình trạng đìu hiu ở các chợ lao động vỉa hè này, anh Trần Khó Nghèo (người chạy xe chở hàng) nói: “Ở những khu chợ này chủ yếu là phụ nữ lên tìm việc làm. Họ chỉ làm những công việc nhẹ như bốc vác, dọn dẹp nhà cửa, trồng cây… Năm nay, kinh tế khó khăn, các gia đình hạn chế việc sửa sang nhà cửa, vậy nên công việc cho chị em cũng ít đi”.