Trở lại thời điểm cuối năm 2013, đầu năm 2014, bóng đá Việt Nam được ví đã rơi xuống tận đáy gắn với thất bại của đội tuyển Việt Nam (bị loại ngay sau vòng bảng AFF Cup 2012), đội U23 Việt Nam (bị loại ngay sau vòng bảng SEA Games 2013).
Ở V.League, ngoài vấn nạn bạo lực sân cỏ, những sự cố trọng tài, V.Ninh Bình ghi dấu ấn với vụ một nhóm cầu thủ trụ cột trong đó có những tuyển thủ quốc gia dàn xếp tỷ số ở AFC Cup 2014.
Một nhóm cầu thủ Đồng Nai cũng tham gia bán độ trận đấu gặp Than Quảng Ninh ở vòng 21 V.League 2014.
Kỳ tích của U23 Việt Nam đã giúp bóng đá Việt Nam bước vào năm mới với một bầu không khí đầy hứng khởi, tràn ngập niềm tin. Ảnh: I.T
Nhìn chung, mọi thứ vô cùng đen tối! Và đúng thời điểm người hâm mộ cạn kiệt niềm tin thì lứa đầu tiên của “lò” HAGL-Arsenal JMG với những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn “xuống núi”.
Lối chơi đẹp mắt, những chiến thắng ấn tượng mà “cú sốc” đầu tiên là việc đá bại U19 Australia 5-1 ở vòng loại giải U19 châu Á 2014 của U19 Việt Nam ngày ấy đã làm nức lòng người hâm mộ.
Hễ ở đâu có U19 Việt Nam là nơi đó chật kín khán giả. Hình ảnh hàng dài người hâm mộ thức trắng đêm chờ tới sáng để chờ tới lượt vào sân mua 1 tấm vé xem Công Phượng cùng các đồng đội thi đấu tại giải U19 Đông Nam Á trên sân Mỹ Đình thật khó quên.
Thời gian sau đó, cứ “U19” đi tới đâu dù đó là vào Cần Thơ đá giải U12 quốc tế hay tới các sân cỏ Việt Nam đá V.League 2015 là các khán đài lại chật kín.
Nói cách khác, bóng đá Việt Nam đã khỏi “chết hụt” nhờ sinh khí từ U19 Việt Nam.
Các tuyển thủ U23 Việt Nam khi trở về CLB cũng chỉ là một phần của đội bóng... Ảnh: I.T
Nhưng cuối cùng thì điều đó cũng không kéo dài lâu khi HAGL phải ngụp lặn ở nửa dưới bảng tổng sắp V.League 2015, 2016, 2017.
Người hâm mộ vẫn thích, vẫn yêu “những đứa trẻ nhà bầu Đức” nhưng dù sao HAGL vẫn chỉ là 1 đội bóng, còn V.League có tới 14 đội!
Thời gian qua đi, khi mà các khán đài V.League tiếp tục rớt thảm, U23 Việt Nam được kỳ vọng bao nhiêu dưới thời HLV Hữu Thắng đã bị loại ngay sau vòng bảng SEA Games 2017; thì kỳ tích đã đến dưới thời HLV Park Hang-seo.
Chính những nhân tố tốt nhất thuộc lứa U19 Việt Nam dưới thời HLV Hoàng Anh Tuấn giành quyền dự FIFA U20 World Cup 2017 đã kết hợp các “đàn anh” lứa 1 Học viện HAGL-Arsenal JMGF cùng nhau gây “địa chấn” châu Á với tấm HCB giải U23 châu Á 2018.
Tầm ảnh hưởng của sự kiện U23 đầu năm nay lớn hơn hẳn những gì đội tuyển Việt Nam thời HLV Calisto tạo nên với tấm HCV AFF Cup 2008 và lứa U19 trước đây làm được.
Điều quan trọng nhất là các CLB V.League phải có được "tinh thần U23" khi vào sân thi đấu, làm hài lòng khán giả. Ảnh: I.T
Trong đội hình U23 Việt Nam hiện nay có nhiều nhân tố đáng được chờ đợi ở V.League 2018 như Đức Huy, Quang Hải, Duy Mạnh, Văn Hậu… (Hà Nội FC), Bùi Tiến Dũng, Văn Đại (FLC Thanh Hóa), Văn Thanh, Văn Toàn, Công Phượng, Xuân Trường… (HAGL), Tiến Dụng, Đức Chinh (SHB.Đà Nẵng), Xuân Mạnh, Văn Đức (SLNA), Văn Hoàng, Đình Trọng (Sài Gòn FC)…
Như vậy là “độ phủ sóng” đã rộng hơn chứ không chỉ gói gọn ở phố Núi với HAGL.
Vấn đề nằm ở chỗ, các tuyển thủ U23 Việt Nam cũng chỉ là 1 phần, thậm chí là 1 phần nhỏ ở CLB mà thôi.
V.League cần nhiều “U23 Việt Nam” hơn, mà cụ thể là các CLB phải ra sân với tinh thần, ý chí của U23 Việt Nam để chúng ta có một V.League 2018 mang theo đầy khí thế U23 trong từng trận đấu.
Chỉ có như vậy, V.League mới có thể tận dụng hiệu ứng U23 như một “đòn bẩy” làm tăng giá trị của giải đấu, thu hút khán giả tới sân.
Và ngược lại, chỉ khi V.League có giá, mỗi CLB thực sự tâm huyết đào tạo trẻ chứ không chỉ “dồn” vào một số “lò” như HAGL, Hà Nội FC, PVF, Viettet; bóng đá Việt Nam mới có thể nghĩ tới việc tạo lập được thêm những mốc son trên đấu trường châu lục và thế giới!