Dân Việt

Mẹ chồng hot nhất vịnh Bắc Bộ trổ tài gói bánh chưng "không phải dạng vừa"

Thu Vũ - Ảnh, clip: Trung Đức 13/02/2018 13:39 GMT+7
Nói về ngày Tết, NSND Lan Hương ùa về những kỷ niệm khó quên, từ ngày đi làm dâu cho tới khi trở thành mẹ chồng.

NSND Lan Hương gói bánh chưng

Dịp cuối năm nhà nhà bận rộn, ai cũng nô nức chuẩn bị sắm Tết, đón Tết. "Mẹ chồng" Lan Hương cũng tất tả đi sắm cây quất, cành đào về trang hoàng cho ngôi nhà nhỏ. Ngày giáp Tết, chị cùng mọi người trong nhà cùng nhau gói bánh chưng, tất bật nhưng ai cũng háo hức, nụ cười nở giòn trên môi.

img

NSND Lan Hương giữ phong tục tự gói bánh chưng ngày Tết

Được mẹ dạy cho cách làm cơm cúng ngày Tết từ năm 6 tuổi

- Kỷ niệm ngày Tết nào khiến chị nhớ nhất?

- Chắc là ngày Tết đầu tiên được mẹ dạy cho cách làm cơm cúng. Khi đó tôi mới chỉ là một cô bé 6 tuổi. Mẹ đưa cho cà rốt, củ su hào kêu gọt, tôi cũng gọt được bình thường. Tới lúc mẹ bảo thái ra để nấu bóng, tôi đang thái dở thì mẹ quát: “Không thái như thế được. Thái phải đẹp, độ dày đều nhau, không được cái mỏng cái dày quá. Miếng su hào không được thái vuông chằn chặn, phải cắt thành hình hoa để lúc bày lên bát canh cho đẹp mắt”. Lúc đó, tôi nhớ như in những câu dạy nữ công gia chánh của mẹ.

Bà còn hay nhắc tôi: “Con gái mà đoảng thế này, sau về nhà chồng, mẹ chồng người ta mắng cho”. Ngày xưa các cụ vẫn có quan niệm phải dạy con gái làm sao để khi lấy chồng không bị nhà chồng chê trách. Từ bé, tôi đã suốt ngày bị mẹ mắng: “Con gái phải biết làm chứ, phải biết nấu nướng, không biết đường làm thì còn ra cái gì”. Tôi được mẹ dạy cho từ hồi bé xíu nhưng rất sợ mỗi khi mẹ kèm cặp chuyện nữ công gia chánh.

Ngày nhỏ tôi thích Tết lắm, nhất là ngày mồng 1 Tết vì mẹ tôi rất nghiêm nhưng không bao giờ mắng trong ngày Tết, chỉ nói hơi nghiêm khắc chứ tuyệt nhiên không mắng mỏ gì. Ngày Tết luôn dành những điều vui vẻ nhất. Có nhắc cũng chỉ nhắc rất nhẹ nhàng và trẻ con thì không bao giờ bị mắng.

- Chị có áp dụng những điều từng được mẹ dạy để truyền lại cho con dâu?

- Bây giờ nhà tôi vẫn áp dụng nguyên như vậy. Tôi vẫn thường hay nhắc con: “Gì thì gì chứ ngày mồng 1 Tết không bao giờ được mắng con cái đâu nhé. Mắng là “giông” cả năm. Với trẻ con ngày Tết cố gắng chỉ cười nói vui vẻ thôi thì cả năm sẽ mạnh khỏe. Người lớn mà vui vẻ ngày Tết, cả năm cũng sẽ vui, mang lại may mắn.

img

Nữ công gia chánh của "mẹ chồng" Lan Hương "không phải dạng vừa": Chị gói bánh không cần khuôn vẫn đẹp vuông vức

- Trải qua thời gian làm con dâu, chị nhớ nhất điều gì mỗi khi dịp Tết đến phải chuẩn bị Tết cùng mẹ chồng?

- Năm đầu tiên về làm dâu, khi đó hai vợ chồng tôi còn ăn chung với mẹ chồng, anh chồng, bố chồng tôi đã qua đời. Tôi cũng chuẩn bị tất cả lễ lạt để cúng Giao thừa như luộc gà, nấu xôi, bày mâm cúng đầy đủ. Trong thời khắc Giao thừa, cả nhà quây quần bên nhau chúc Tết. Tôi khá may mắn khi lấy chồng gần nhà ngoại. Nhà chồng ở Khâm Thiên, nhà ngoại ở dưới gò Đống Đà. Đêm Giao thừa, chúc Tết nhà nội xong, hai vợ chồng đèo nhau xuống chúc Tết ông bà ngoại, cũng uống chén rượu quây quần cùng mọi người. Sáng mồng 1 Tết, nhà chồng cũng giống nhà ngoại, vẫn giữ phong tục làm mâm cơm cúng đầu năm. Trong một năm mới, bữa cơm cúng đầu năm rất quan trọng.

Ngày xưa hồi bé, tôi hay thắc mắc: “Bình thường hàng ngày cả nhà vẫn ăn thế, sao ngày Tết phải cúng rồi bày biện đẹp như thế?”. Lúc đó mẹ mới giảng giải cho tôi: “Đã bày một mâm cỗ đương nhiên nó phải đẹp mắt, không phải chuyện cứ đặt một bát to lên múc canh mà phải để vào một bát canh nhỏ rồi bày biện. Ví như trên bát canh măng có cây hành, trên bát canh bóng có mấy rau mùi, đậu Hà lan màu xanh và cà rốt màu đỏ… Không phải có khách mới bày đẹp, lúc nào cũng phải chỉn chu khi cúng Tổ tiên, đặt lên bàn thờ một cách trang trọng”.

Cái Tết đầu tiên con trai xa nhà

- Chị thấy nhớ nhất điều gì về Tết xưa?

- Không khí Tết ngày xưa mọi người đến với nhau rất tình cảm. Ngày đó kinh tế còn khó khăn. Hầu như nhà nào cũng để dành sản vật, chế độ tiêu chuẩn như tem phiếu, thịt cá, những gì ngon nhất vào ngày Tết. Ngày xưa không sẵn bánh kẹo như bây giờ nên nhà nào cũng làm mứt. Có nhà làm mứt khoai tây, có nhà lại làm mứt dừa, mứt cà rốt… Nhà nào cũng tự làm lấy.

Điều khiến tôi thích nhất khi đến chúc Tết, nhà này ăn thử món mứt nhà kia làm rồi bảo nhau rút kinh nghiệm để sang năm làm ngon hơn. Đến nhà nhau chúc Tết, bóc món bánh chưng ra, nếm thử nhà nọ nhà kia để thấy được sự khéo léo của người phụ nữ trong gia đình. Như nhà tôi vừa gói bánh chưng mặn vừa gói bánh chưng ngọt và giờ vẫn giữ nếp đó. Nhiều người vẫn nhớ, vẫn quý, thường hay dặn: “Nhớ năm nay phải cho tôi cái bánh chưng ngọt nhé”.

img

Việc giữ gìn phong tục xưa mang lại không khí Tết ấm cúng cho gia đình nữ diễn viên "Sống chung với mẹ chồng"

- Giờ đây khi đã là mẹ chồng, chị hướng dẫn con dâu chuẩn bị Tết ra sao?

- Thường không mấy khi tôi “uốn nắn” con cái đâu. Kể cả mẹ tôi năm nay đã 86 tuổi cũng không uốn nắn gì chúng tôi. Cụ cứ làm và con cháu nhìn theo. Chỉ thi thoảng tôi nhắc nên làm cái này, nên mua cái kia chứ không bao giờ ép. Thực ra các bạn trẻ bây giờ kinh tế chưa vững, đang phải lo lắng rất nhiều. Các con cũng biết mua sắm ngày Tết làm sao để phù hợp, vừa đầy đủ, khéo léo để sao cho không quá tốn kém nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng ngày Tết. Không nhất thiết phải mua cái gì quá đắt tiền, thời thượng mới là Tết.

- Chị và ông xã Đỗ Kỷ gắn bó với nhau hơn 30 năm. Trong công việc sửa sang, sắm Tết, ông xã giúp chị những việc gì?

- Anh ấy giúp tôi rất nhiều. Khi đi mua đào, quất, hai vợ chồng rất hay đi cùng nhau. Có những năm, công việc gia đình không quá bận rộn, cả nhà kéo nhau đi lên vườn đào chụp ảnh, ngắm đào và mua. Không khí ấy cả nhà tôi đều thích. Mọi người rất háo hức đón chờ Tết là thế.

Con dâu cũng thích. Bạn ấy hay hỏi: “Năm nay nhà mình có gói bánh chưng không hả mẹ?”, cũng hay tranh phần mẹ bảo: “Mẹ để con mua bánh kẹo Tết, mẹ để con mua đào nhé”. Từ lúc về nhà chồng, con dâu tôi rất háo hức đón Tết cùng gia đình. Ông xã tôi cũng chung tay giúp mọi người trong nhà chuẩn bị Tết. Khi gói bánh chưng, anh ấy bao giờ cũng là người luộc bánh, vớt bánh, ép bánh. Hay khi tôi còn đang ở trong bếp luộc gà, làm xôi thì anh ấy dọn dẹp phòng khách, bày biện nhà cửa.

img

Nghệ sĩ Đỗ Kỷ - ông xã của diễn viên Lan Hương - phụ giúp vợ việc gói bánh

- Tết ngày nay có nhiều nét mới mẻ hiện đại song không ít người cho rằng không khí Tết không còn ấm cúng như xưa. Chị cảm nhận gì về điều này?

- Trong không khí nhà tôi không cảm thấy điều đó. Bởi vì mọi người trong gia đình tôi vẫn rất hồ hởi, thích Tết. Năm nay là năm đầu tiên con trai tôi ăn Tết xa nhà. Bạn ấy vẫn bảo: “Thế Tết năm nay, ở bên đó con thắp hương bằng gì, mẹ nhỉ?”.  Tôi cũng chỉ bảo: “Con cứ đặt một chiếc bánh chưng lên thắp hương coi như nhớ về tổ tiên, ông bà là được”. Bản thân bạn ấy đi xa quê hương vẫn nhớ ngày Tết cúng giao thừa như thế nào. Mặc dù ở nhà, bạn ấy có phải cúng giao thừa đâu nhưng thích và quan sát, rồi nhớ. Không khí Tết gia đình tôi vẫn như xưa.

Đây đó ngoài xã hội cũng có cập nhật những xu thế mới, họ ngại tiếp khách. Họ nghĩ cả năm làm việc mệt mỏi, được mấy ngày Tết để đi chơi đi du lịch xả stress. Đấy cũng là một cái tốt để họ có thêm năng lượng làm việc. Nhưng đó là lựa chọn của mỗi người. Đúng là xã hội bây giờ có nhiều thay đổi, như trong mâm cơm cúng Tết có những món mới. Có người mang cả thịt nguội ra cúng Tết, cũng không sao. Họ làm cả hải sản, giò me, bắp bò muối… Tôi nghĩ điều đó không quá quan trọng, chủ yếu do lòng thành tâm hướng về tổ tiên.

“Mẹ chồng” Lan Hương khóc vì thuốc ung thư giả

Nữ diễn viên nổi tiếng không thể cầm lòng trước sự việc đau lòng trong ngành Y.