“Đón Tết ở ngư trường, chúng tôi quen rồi”, câu trả lời nhanh của ngư dân Bình Định khi chúng tôi đặt câu hỏi cho cảm xúc chuyến biển ngày cuối năm. Trong khi nhiều người đàn ông khác đang quân quần bên vợ con thì họ - những đứa con làng biển, phải quên đi cảm giác ấm áp sum vầy để chuẩn bị lương thực đón Tết ở khơi xa.
Tàu cá ngư dân Bình Định chộn rộn ngày cuối năm
Chủ tàu vỏ thép BĐ 99252 TS, ngư dân Võ Thế Dư (45 tuổi, xã Cát Thành, huyện Phù Cát) cho biết: “Mặc dù phải đón Tết trên biển, nỗi buồn nhiều hơn niềm vui nhưng chúng tôi nhất định phải đi chuyến này để kiếm mực, cá… lấy hên trong chuyến đầu tiên”.
Tàu vỏ thép của ông Dư và tàu BĐ 99369 TS của ngư dân Nguyễn Hữu Thủy (ở xã Cát Khánh) đóng mới theo Nghị định 67 vừa được đơn vị đóng tàu bàn giao (ngày 12.1) vừa qua. Vì vậy, 2 chủ tàu này rất nóng lòng cho cái Tết đầu tiên ở ngư trường Trường Sa trên con tàu vỏ thép.
Không phải là chuyến biển đầu tiên ăn Tết ở ngư trường nhưng lần này, thuyền trưởng tàu cá BĐ 98019 TS, ngư dân Nguyễn Thanh Long (xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn) vẫn mang một cảm xúc rất lạ.
“Buồn chứ nhưng mặc kệ, chuyến này tàu sẽ đi khoảng 25 ngày ra ngư trường Hoàng Sa - Trường Sa, đúng dịp trăng tròn tháng sau sẽ quay về bờ. Cầu mong mọi sự thuận lợi, các anh em có cái “lộc” để về ăn Tết muộn với gia đình. Bù lại cái cảm giác thiếu vắng khi ngày Tết không có bóng dáng người đàn ông”, ngư dân Long thổ lộ.
Ngư dân Bình Định sắm phí tổn ra khơi ở ngư trường Hoàng Sa,Trường Sa
Theo nhiều ngư dân, sở dĩ họ vươn khơi xuyên Tết vì vào thời điểm này, luồng cá từ ngoài khơi bắt đầu có nhiều. Hơn nữa, những tháng trước Tết, biển thường có bão nên việc đánh bắt của ngư dân gặp nhiều khó khăn. Ra khơi cuối năm, về bến đầu năm mới, chuyến đi này luôn có ý nghĩa đặc biệt trong ý thức của người dân làng biển.
Vua tàu “đất võ” Bùi Thanh Ninh (ở xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn) có 2 tàu cá đón Tết ngoài khơi, cho hay: “Mặc dù không khí Tết đến, xuân về ở đất liền đã rộn ràng khắp nơi. Nhưng nhiều thuyển viên vẫn sắm phí tổn và mang theo đủ các loại bánh trái, nước uống có hương vị Tết cổ truyền để vươn khơi”.
Từng đón Tết ngoài khơi, ông Ninh tâm sự: “Trong đất liền, đang vui giây phút giao thừa thì ngoài khơi xa, ngư dân vẫn nỗ lực kéo lưới, mồ hôi nhễ nhại và nhớ vợ con đến phát điên giữa biển nước đen ngòm. Cái Tết đầu tiên qua đi trong nỗi buồn nhưng rồi đến cái Tết thứ 2, thứ 3… giờ đây đã thành thói quen. Chúng tôi xem ngư trường là nhà, bạn thuyền là người thân nên cứ thế vui vẻ. Phải chăng, ngày Tết chỉ khác ngày thường là anh em được ăn nhiều đặc sản Tết và lòng cũng chộn rộn hơn”.
Hoạt động đánh bắt của ngư dân Bình Định ở khơi xa
Theo ông Trần Văn Phúc - Phó giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Định, phần lớn các tàu cá vươn khơi bám biển trong dịp Tết đi theo từng tổ đội nhằm tăng hiệu quả sản xuất, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.
“Tết năm nay có khoảng 800 tàu cá cùng 6.000 ngư dân đón Tết ở trên biển, đặc biệt ngư trường lớn như Hoàng Sa, Trường Sa. Chúng tôi đã chỉ đạo đơn vị trực thuộc cử cán bộ túc trực 24/24 giờ tại các Trạm bờ, liên lạc với ngư dân, hỗ trợ ngư dân xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra trên biển trong dịp Tết”, ông Phúc cho hay.